Ngày 25/12/1972 là lễ Giáng sinh buồn tẻ nhất trong cuộc đời HLV Jose Mourinho, khi bố HLV Mourinho là ông Jose Mario dos Santos Mourinho Felix bị sa thải khỏi chức vụ HLV đúng vào ngày Thiên Chúa giáng sinh.
HLV Falko Goetz nhận được tin mình bị sa thải hai ngày trước giáng sinh |
HLV Mourinho nhớ lại: “Hồi đó tôi mới chỉ 9 tuổi (HLV Mourinho sinh ngày 26/1/1963-PV). Bố tôi khi đó là HLV của một đội bóng nhỏ, quả thực, thời điểm đó họ thi đấu không tốt. Đội bóng của bố tôi thua một trận vào ngày 23/12. Đúng vào buổi sáng ngày 25/12, khi cả nhà đang dùng bữa trưa thì chuông điện thoại vang lên. Bố tôi ra nghe điện và quay vào với bộ mặt buồn bã và thông báo mình đã bị sa thải”.
Cú sốc đó đã ám ảnh HLV Mourinho cho đến tận bây giờ, khi ông gần như đã có mọi thứ ở cấp độ CLB và đang dẫn dắt CLB lừng danh thế giới Real Madrid. Không biết có phải vì chứng kiến cái cách mà ông bố của mình, vốn chỉ là một HLV hạng trung bình, bị đối xử như thế hay không, mà Mourinho đã vươn lên vị trí hàng đầu trong làng HLV thế giới bằng một ý chí sắt thép và điều đó được thể hiện ngay trong lối chơi của những đội bóng mà Mourinho đã và đang làm việc.
Tuy nhiên, nếu so sánh với những gì mà HLV Falko Goetz vừa trải qua với cung cách ứng xử của VFF thì nỗi buồn của ông Mourinho “bố” chỉ là chuyện nhỏ. 2 ngày trước lễ Giáng sinh, một thời điểm cực kỳ quan trọng và ý nghĩa với người phương Tây, VFF thông báo các ủy viên BCH của mình thống nhất yêu cầu thanh lý hợp đồng trước thời hạn với HLV Goetz, dù mới trước đó chưa đầy nửa tháng, các quan chức VFF còn hùng hồn đăng đàn để bảo vệ ông Goetz sau thất bại thảm hại của ĐT U23 VN ở SEA Games 26.
Điều đáng nói là HLV Goetz lại không nhận được thông tin này từ chính VFF, mà lại qua các phóng viên báo chí và đúng vào lúc ông thầy người Đức đang đi nghỉ lễ Giáng sinh ở Mallorca (Tây Ban Nha). Có thể HLV Goetz xứng đáng bị sa thải vì những yếu kém mà ĐT U23 VN thể hiện tại SEA Games 26, nhưng thời điểm mà VFF lựa chọn để làm việc này lại rất không hợp lý.
Không hiểu các lãnh đạo VFF có nghĩ tới việc một ngày nào đó, nếu họ cầm trên tay tờ báo xuất bản vào ngày cuối cùng của năm âm lịch và ngã ngửa người ra khi đọc được thông tin rằng từ năm sau mình sẽ không còn được tiếp tục làm việc ở vị trí hiện tại thì cảm giác của họ sẽ như thế nào? Cay đắng, phẫn nộ, bàng hoàng hay là tất cả các cảm xúc này cộng hưởng lại?!
Hơn nữa, nếu VFF cho rằng vì năng lực hạn chế nên HLV Goetz không xứng đáng tiếp tục ngồi ghế HLV trưởng 2 ĐTQG thì cớ sao những người đã đứng ra quyết định chọn lựa ông thầy người Đức cho vị trí này cách đây hơn nửa năm lại được vô can? TTK VFF Trần Quốc Tuấn đã có 2 kỳ SEA Games thất bại nặng nề trong vai trò trưởng đoàn, nhưng năm 2007 thì chỉ có HLV Alfred Riedl mất chức, và năm nay chẳng lẽ kịch bản tương tự lại xuất hiện, khi chỉ có HLV trưởng bị “trảm”, còn trưởng đoàn thì bình yên vô sự?!
Phi lý hơn nữa là cả vị trí của ông Tuấn lẫn ông Goetz đều không do BCH chọn lựa hay bỏ phiếu, thế mà khi xảy ra chuyện thì lãnh đạo VFF lại đưa ra quyết định dựa trên ý chí của BCH.
Thêm nữa, để đưa được HLV Goetz tới VN làm việc, VFF không chỉ dựa vào quan hệ của riêng mình mà còn có sự trợ giúp đáng kể từ các cơ quan khác, và liệu sau này còn ai muốn giúp VFF tìm kiếm nhân sự khi chứng kiến người quen của mình bị đối xử như vậy?! Khổng Tử nói: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân - Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người...”, nhưng qua cách làm của VFF trong trường hợp của HLV Goetz thì thấy việc để ý tới cảm xúc người khác khi hành động dường như là chuyện xa xỉ ở VFF.
Theo thethaovanhoa.vn