Những ngày qua, một trong những vấn đề “nóng” của dư luận là việc có hay không thu hồi danh hiệu của Triệu Thị Hà, người đã đạt danh hiệu Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam lần thứ 2- năm 2011, nhưng cũng là người đã viết đơn xin “trả lại” danh hiệu vào ngày 26/4/2013.
Văn bản của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh đồng ý với đề xuất thu hồi danh hiệu. |
Việc trả lại đơn, theo như “tường trình” của Triệu Thị Hà trên báo chí (sau khi lá đơn xin trả lại danh hiệu của Triệu Thị Hà được báo chí biết đến vào tháng 5 vừa qua) là do bị o ép, không có cơ hội để nổi tiếng, bị lạm dụng sức lao động, bị buộc phải đi “tiếp khách” vào lúc nửa đêm... Triệu Thị Hà cũng từng làm rõ: “Tôi tham gia đi vận động các thí sinh dự thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam hoặc vận động tài trợ… bỏ dở việc học hành cả tuần liền, vậy mà thù lao chỉ có vài triệu đồng”.
Còn về phía mình, Công ty CIAT, đơn vị tổ chức, cũng đã có văn bản gửi tới Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Cục Nghệ thuật biểu diễn để xin ý kiến chỉ đạo về hướng đề xuất của Công ty là thu hồi danh hiệu của Triệu Thị Hà, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh cũng như uy tín của cuộc thi.
Tiếp sau văn bản này của Công ty CIAT, Sở Văn hoá- Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh- đơn vị đăng cai cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam cũng đã có văn bản đồng ý với hướng đề xuất thu hồi danh hiệu của Triệu Thị Hà vào ngày 23/5. Và vào ngày 26/5, Uỷ ban Dân tộc- đơn vị đồng tổ chức cuộc thi cùng Công ty CIAT cũng đã có văn bản đồng thuận với việc thu hồi danh hiệu của Triệu Thị Hà.
Công văn của Uỷ ban Dân tộc đồng ý với đề xuất thu hồi danh hiệu. |
Cùng lúc với các văn bản này được đưa ra, Triệu Thị Hà cũng liên tục xuất hiện trên báo chí, với những thông tin về cát xê lên tới hàng trăm triệu đồng, những hình ảnh ở sân bay khi ra gặp Cục Nghệ thuật biểu diễn để tường trình, hình ảnh về quê… phơi ngô trong chiếc quần da bó và trang điểm kỹ càng, khiến dư luận vô cùng bức xúc và cho rằng cô cố tính “tạo scandal” để đánh bóng thương hiệu, làm hình ảnh cho mình.
Một bạn đọc đã lên tiếng “Về thăm quê, phụ giúp mẹ những việc nhà như phơi ngô, cho gà ăn, chăm sóc bà… nhưng lại được tạo dáng chụp hình quá cẩn thận. Móng tay, móng chân được sơn son cẩn thận, quần da bó sát… Hình ảnh này khiến không ít người cảm thấy khó chịu vì thiếu đi độ chân thực và sự tự nhiên”.
Một bạn đọc khác thì cho rằng: “Về quê phơi ngô hay về quê chụp ảnh đăng báo? Nếu là về bằng cái tâm thực sự thì không chụp ảnh ồn ào thế này chứ về thăm mẹ, thăm bà mà vẫn muốn tranh thủ PR thì không nên”. “Có cảm giác như cô này đang “lợi dụng” hình ảnh quê nhà để gây sự chú ý của công chúng”.
Bên cạnh đó, Triệu Thị Hà cũng lên báo tuyên bố rằng: Cô muốn rút lại đơn xin trả danh hiệu, vì cô cần danh hiệu để sau này còn… giúp đỡ gia đình, do gia đình cô khó khăn! Đệ nhất Hoa hậu Quý bà Đoàn Thị Kim Hồng, trưởng BTC cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2011, thời điểm này cũng bị nhắn tin đe doạ là phải… để cho Hà yên.
Sự việc diễn ra trong vòng 2 tuần đã khiến dư luận có một cái nhìn khá rõ ràng về cách “tạo scandal để nổi tiếng” của Triệu Thị Hà. Có báo đã lên tiếng rằng với việc lên báo xin giữ lại danh hiệu, xem ra Hà đã vướng vào chính cái “bẫy” của mình khi định lấy việc trả danh hiệu làm cơ hội đánh bóng thương hiệu, khiến mình nổi tiếng. Về vấn đề này, xin không kết luận gì, bởi mỗi người cũng đều sẽ tự có cái nhìn và sự đánh giá của riêng mình về Triệu Thị Hà.
Nhưng điều đáng nói hiện nay là việc các cơ quan chức năng, mà cụ thể là đơn vị có “quyền” cao nhất trong sự việc là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vẫn chưa có ý kiến chỉ đạo cuối cùng, khiến sự việc vẫn đang lơ lửng và khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Bởi lẽ, nếu tiếp tục cho Triệu Thị Hà giữ danh hiệu, phải chăng chúng ta đã “dung túng” cho việc các “sao” lâu nay vẫn làm là cố tính tạo scandal để nổi tiếng?
Bên cạnh đó, nếu tiếp tục cho Hà giữ danh hiệu, liệu có còn giữ nghiêm được những quy định, quy chế hiện nay của các cơ quan chức năng về việc thi hoa hậu, hoa khôi, bởi lẽ chỉ cần trở thành Hoa hậu, hoa khôi, rồi sau đó muốn làm gì cũng không lo bị tước danh hiệu, không cần thực hiện những cam kết với BTC, không cần phải thực hiện trách nhiệm xã hội của mình- điều mọi người mong chờ ở một Hoa hậu… thì liệu có “tạo tiền lệ” cho các người đẹp, vốn đã rất “ngại trách nhiệm xã hội”, càng có cớ để né tránh làm những việc “được có vài triệu bạc” hay không?
Và cuối cùng, chúng ta cũng biết, Cục NTBD đã từng làm rất nghiêm với trường hợp vi phạm của Hoa hậu Thế giới người Việt Lưu Thị Diễm Hương, ngay lập tức có văn bản yêu cầu xử lý, yêu cầu cấm trình diễn… vậy tại sao với Triệu Thị Hà đến nay vẫn chưa có động thái gì? Cuộc làm việc của Cục NTBD với Triệu Thị Hà cuối tháng 5 vừa qua cũng chỉ có một phía là Triệu Thị Hà xuất hiện, mà phía BTC không được mời.
Dư luận thật sự thắc mắc và muốn sớm có tiếng nói từ phía các cơ quan chức năng.
P.V