Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, nhận lời mời của ông Francis Combes, Giám đốc Liên hoan thơ quốc tế vùng Val-de Marne lần thứ 12, hai nhà thơ Việt Nam Trần Đăng Khoa và Nguyễn Bảo Chân đã tham dự liên hoan thơ vùng Val-de Marne mang tên “Thơ ca trong trái tim nhân loại”, diễn ra từ ngày 24/5 đến ngày 2/6 tại Pháp.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa tại buổi giao lưu. |
Đây là liên hoan thơ quốc tế được tổ chức hai năm một lần với sự tham gia của nhiều nhà thơ có tên tuổi của nhiều nước trên thế giới. Liên hoan thơ năm nay thu hút sự tham dự của 27 nhà thơ đến từ Nam Phi, Việt Nam, Haiti, Hongrie, Croatia, Romania, Scotland và Pháp. Đây là cuộc hội ngộ của các nhà thơ đến từ những vùng miền khác nhau của châu Á, châu Phi, Trung Âu và châu Mỹ La tinh, nhằm làm quen, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị và giao lưu trao đổi tình cảm, khả năng sáng tác thông qua các buổi đọc thơ diễn ra tại vùng Val-de Marne và ở Paris.
Tại các buổi giao lưu này, mỗi nhà thơ không chỉ được nghe thơ của các đồng nghiệp nước khác mà còn đều đọc thơ của mình bằng tiếng mẹ đẻ, sau đó họ đọc hoặc ngâm các bài thơ ấy được dịch sang tiếng Pháp với nhạc đệm. Để từ đó cùng suy ngẫm, cảm nhận và chia sẻ với nhau (vì thơ không phải kịch sân khấu) về sự phong phú và sức sống của thơ ca ngày nay.
Đến với lễ hội thơ này, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có bài phát biểu bày tỏ tình cảm và sự vui mừng của mình khi được tham gia sự kiện này. Nhà thơ cũng cám ơn các bạn bè và đồng nghiệp Pháp như bà Madeleine Riffaud, ông Gerard Guillaume… đã dịch và đưa thơ của ông đến với độc giả Pháp và thế giới. Đặc biệt những bài thơ từ thuở thơ ấu của ông viết về một làng quê nhỏ bé đã được dịch ra 40 thứ tiếng của các nước trên thế giới, trong đó Pháp là nước đầu tiên.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết thêm, năm 19, chính nhờ nhà báo, nhà thơ bà Madeleine Riffaud, mà chùm thơ của ông đã được dịch và in trên báo “Nhân đạo” (l’Humanité) và sau đó là tập thơ “Tiếng hát kế tục” (gồm 35 bài thơ) của ông. Rồi bộ phim “Thế giới thu nhỏ của Khoa” (Le petit monde de Khoa), do đạo diễn Gerard Guillaume viết kịch bản và lời bình. Bộ phim này đã được phát trên các kênh truyền hình Pháp và Châu Âu với lời giới thiệu của nhà thơ Xuân Diệu, vào giao thừa ngày 1/1/1969. Sau 40 năm, cuốn phim tài liệu đó mới xuất hiện trên truyền hình VOV của Việt Nam. Gần đây tháng 2/2012, 37 bài thơ của ông đã được họa sỹ Pháp Dominique De Miscault thể hiện qua những bức tranh của bà và được trưng bày tại cuộc triển lãm mang tên "Tôi mang sắc màu của biển về quê" tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp.
Cũng tại cuộc gặp này, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã giới thiệu với các nhà thơ, nhà văn, bạn bè Pháp và quốc tế biết đến một dòng thơ - dòng văn học yêu nước, bảo vệ tổ quốc, chống chiến tranh và các thế lực xâm lược. Theo ông đây cũng là mặt mạnh của nền văn học của nhân dân Việt Nam trước đây, nhưng cũng lại là hạn chế của Việt Nam những năm hội nhập hiện nay. Ông khẳng định, sau khi thống nhất đất nước, đặc biệt trong công cuộc đổi mới từ năm 1986, thơ ca của Việt Nam đã có những bước phát triển mới rất đa dạng về giọng điệu cũng như phong cách. Nội dung và nghệ thuật thơ thay đổi rất nhiều. Có thơ truyền thống. Có thơ hiện đại. Nhiều khi thơ đã trở thành tiếng nới chủ đạo trong một số hoạt động và sinh hoạt của đời sống xã hội.
Trong khuôn khổ Liên hoan thơ quốc tế Nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà thơ Nguyễn Bảo Chân đã có cuộc giao lưu nói chuyện, gặp gỡ bà con Việt Kiều tại Trung tâm Văn Hóa Việt Nam tại Pháp. Các nhà thơ đã đọc và giới thiệu nhiều bài thơ đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, nhất là những bài thơ từ thủa ấu thơ, với lời bình luận, giải thích vừa hài hước, ấn tượng và dí dỏm làm cho không khí trở nên thân thiết, tình cảm và gắn bó hơn.
Các nhà thơ đã chia xẻ những khó khăn mà họ gặp phải trong quá trình sáng tác, cũng như trong việc đem thơ ca của Việt Nam đến với bạn bè nhiều nước trên thế giới. Đó là khả năng dịch thuật, sự chuyển tải thông điệp và cái “hồn” của thơ (bằng các ngữ khác nhau) đến với họ làm sao cho họ hiểu được cái hay, cái đẹp và cái tuyệt với của những tứ thơ mang tâm hồn Việt Nam. Làm thế nào để thơ ca của Việt nam luôn giản dị, trong sáng thể hiện được khát vọng của nhân dân và của nhân loại mà vẫn giữ gìn được bản sắc dân tộc (không có nghĩa là đóng cửa), luôn là trăn trở của các nhà thơ nói riêng và của các nhà làm công tác văn hóa nghệ thật nói chung.
Cũng nhân dịp này, ông Francis Combes cho biết ông đã biết đến Trần Đăng Khoa và thơ của ông từ rất lâu và vẫn luôn giữ được những hình ảnh về những bài thơ của Trần Đăng Khoa và Việt Nam qua các bản dịch tiếng Anh và tiếng Pháp. Bản thân ông Francis Combes đã rất nhiều lần gặp các nhà thơ lớn của Việt Nam như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đình Thivà rất có thiện cảmvới nền thơ ca việt Nam. Ông đã có 3 bài thơ viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra, theo ông Francis Combes, giữa vùng Val-de-Marne và Việt Nam có một tình cảm rất đặc biệttừ thời chiến tranh chống Mỹ. Năm nay nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, ông Francis Combesđã mời các nhà thơ Việt Nam sang dự Liên hoan thơ lần này.
Tin, ảnh: Lê Hà-Trung Dũng (Phóng viên TTXVN tại Pháp)