Thông tin ông qua đời ngày 27/1 khiến nhiều người trong giới nghệ sỹ bàng hoàng, tiếc thương. Sự ra đi của ông là một mất mát to lớn với nền thanh nhạc nói riêng, với âm nhạc Việt Nam nói chung.
Tiếc thương ông, người nghệ sỹ lớn, nhà sư phạm mẫu mực, người thầy kính yêu của nhiều thế hệ nghệ sỹ nổi tiếng - cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam.
Cánh chim đầu đàn của âm nhạc Việt
Giáo sư, Nghệ sỹ Nhân dân Trung Kiên tên đầy đủ là Nguyễn Trung Kiên, sinh năm 19 tại Kiến Xương, Thái Bình. Ông là con trai của nhà cách mạng Nguyễn Danh Đới.
Là một tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt Nam nói chung và dòng nhạc cách mạng, thính phòng nói riêng, sự nghiệp của Nghệ sỹ Nhân dân Trung Kiên gắn liền với dòng chảy lịch sử qua các sự kiện trọng đại, từ thời chiến đến thời bình. Tiếng hát của ông đã theo các đoàn xung kích đi chiến trường, biểu diễn cho bộ đội, thanh niên xung phong; trải qua chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" rồi những chuyến lưu diễn kéo dài triền miên đến năm 1975.
Ông cũng là nghệ sỹ đã thu âm rất nhiều ca khúc nổi tiếng ở Đài Tiếng nói Việt Nam và phát đi để cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân, dân ta trong suốt những chặng đường lịch sử của dân tộc. Trong đó có bài “Đất nước trọn niềm vui” nổi tiếng của nhạc sỹ Hoàng Hà, được thu âm ngay trong đêm 30/4/1975 lịch sử và phát đi cả nước, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng thuộc nhiều thế hệ.
Sở hữu giọng nam cao (Tenor) mẫu mực, Nghệ sỹ Nhân dân Trung Kiên đã thể hiện thành công những nhạc phẩm bất hủ như: “Đất nước trọn niềm vui”, “Phất cờ Nam tiến”, “Cô lái tàu”, “Tình ca”, “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn”, “Chào sông Mã anh hùng”, “Quà tháng Năm dâng Người”, “Bài ca Trường Sơn”, “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”, “Việt Nam trên đường chúng ta đi”, “Người là niềm tất thắng”...
Không chỉ là một nghệ sỹ lớn, Nghệ sỹ Nhân dân Trung Kiên còn là một nhà sư phạm mẫu mực, người thầy kính yêu của nhiều thế hệ nghệ sỹ nổi tiếng ở Việt Nam. Cho đến nay, ông vẫn là người Việt Nam duy nhất có học hàm Giáo sư về thanh nhạc. Ông là học viên khóa 3 Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia), được tiếp xúc với các giảng viên Nga từ sớm và có thời gian du học tại Liên Xô (cũ). Tên của ông đã được ghi danh trên bảng vàng những sinh viên xuất sắc của Nhạc viện Tchaikovsky (Nga).
Trong sự nghiệp giảng dạy thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Nghệ sỹ Nhân dân Trung Kiên là thầy của nhiều ca sỹ nổi tiếng: Nghệ sỹ Nhân dân Quốc Hưng, Nghệ sỹ Ưu tú Đăng Dương, ca sỹ Trọng Tấn, Lan Anh, Anh Thơ, Phương Nga, Bích Hồng, Tân Nhàn, Phương Linh… Ông từng giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) từ năm 1992 đến năm 2001. Ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân năm 2001.
Tổn thất lớn của nền thanh nhạc Việt
Sinh thời, Giáo sư, Nghệ sỹ Nhân dân Trung Kiên từng nói, dạy học là cách để ông trả ơn cuộc đời và cũng là công việc ông say đắm, dù đồng lương từ việc giảng dạy không so được với thu nhập từ việc biểu diễn, nhưng ông vẫn đam mê với nghiệp dạy học. Ông từng nói vui rằng: "Nếu bây giờ không được dạy, chắc tôi chết"... Đam mê, tâm huyết với nghề giáo như vậy, nên sau khi về hưu, dù sức khỏe giảm sút nhưng Nghệ sỹ Nhân dân Trung Kiên vẫn đi dạy học. Thậm chí kể cả sau khi bị đột quỵ, ông cũng vẫn dạy học, cống hiến đến hơi thở cuối cùng cho nền âm nhạc Việt Nam.
Nghệ sỹ Nhân dân Quốc Hưng, Trưởng khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết, Nghệ sỹ Nhân dân Trung Kiên là giảng viên có tầm ảnh hưởng lớn nhất đối với nền thanh nhạc Việt Nam. Ông không chỉ là người đào tạo ra nhiều nghệ sỹ, ca sỹ nổi tiếng có tên tuổi trong giới nghệ thuật hiện nay, mà toàn bộ hệ thống giáo trình thanh nhạc hiện đang được giảng dạy tại các trường nghệ thuật chuyên nghiệp ở Việt Nam, từ trung cấp, đại học, cao học... đều do ông biên soạn.
“Tôi được biết, Thầy đang biên soạn một bộ giáo trình đổi mới cho thanh nhạc, nhưng tiếc là thầy chưa kịp hoàn thành công trình của mình thì đã ra đi mất rồi. Sự ra đi của Thầy để lại khoảng trống lớn và là một tổn thất lớn lao đối với nền thanh nhạc Việt Nam”, Nghệ sỹ Nhân dân Quốc Hưng nuối tiếc.
Nhắc đến người Thầy kính yêu của mình, Nghệ sỹ Nhân dân Quốc Hưng chia sẻ, anh là người vô cùng may mắn khi được làm học trò của Nghệ sỹ Nhân dân Trung Kiên. “Thầy giọng nam cao (tenor), khi về nước Thầy đào tạo các giọng tenor tốt, đặc biệt giọng nữ cao (soprano) vô cùng hiệu quả như Lan Anh, Anh Thơ, Tân Nhàn, Khánh Ngọc… Tôi giọng nam trầm (Bass) nên tôi nghĩ khi dạy tôi sẽ khó khăn cho Thầy, nhưng ngược lại, Thầy cũng rất am hiểu về kỹ thuật giọng bass và Thầy đào tạo vô cùng hiệu quả. Khi đó tốt nghiệp tôi đạt được điểm 10 hoàn hảo. Tôi vô cùng khâm phục Thầy. Sau này, tôi làm nghiên cứu sinh, Thầy cũng là người hướng dẫn tôi hoàn thành luận án của mình một cách xuất sắc”, Nghệ sỹ Nhân dân Quốc Hưng xúc động nhớ lại.
Nói về tình cảm của mình với người Thầy kính yêu, Nghệ sỹ Nhân dân Quốc Hưng cho biết, Nghệ sỹ Nhân dân Trung Kiên là một nhà sư phạm mẫu mực, dành toàn bộ tâm sức của mình cho âm nhạc Việt Nam. Thầy chưa từng nặng lời hay to tiếng với học sinh của mình, mà lúc nào Thầy cũng ân cần chỉ bảo, nhẹ nhàng động viên học trò tự ý thức cao trong học tập, bài vở, luyện thanh… đồng thời Thầy luôn tìm cách dạy dỗ và truyền đạt kiến thức của mình cho học trò một cách hiệu quả nhất đối với từng học trò.
“Được là học trò của Thầy là điều tuyệt vời nhất với chúng tôi. Không chỉ dạy dỗ, mà Thầy Kiên còn giúp đỡ tôi rất nhiều trong công việc. Tôi được bổ nhiệm làm quản lý khoa Thanh nhạc lúc tuổi còn khá trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều nên còn bỡ ngỡ, thầy Kiên là người đã chỉ bảo tôi một cách tận tình về công tác chuyên môn, chuyên ngành, trong đối nhân xử thế và đặc biệt là trong công tác quản lý điều hành khoa Thanh nhạc… Với tôi, Thầy Kiên không chỉ là người Thầy tuyệt vời, mà còn như một người cha mà tôi vô cùng kính trọng. Sự ra đi của Thầy khiến tôi cảm thấy mất mát rất lớn và vô cùng hụt hẫng…”, Nghệ sỹ Nhân dân Quốc Hưng ngậm ngùi . . . !
Theo Nghệ sỹ Nhân dân Quang Thọ, Nghệ sỹ Nhân dân Trung Kiên là một trong những danh ca thuộc thế hệ vàng, có những cống hiến cho nền ca hát nước nhà vào những năm đầu của thập niên 60 của thế kỷ trước. Trong suốt chặng đường chống chiến tranh phá hoại của Mỹ từ những năm 1965 đến khi đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975, trong chương trình biểu diễn ca nhạc, từ thu thanh đến truyền hình, Nghệ sỹ Nhân dân Trung Kiên là một trong những nghệ sỹ đã thể hiện nhiều bài hát trở nổi tiếng. Không những thế, ông còn là người Thầy mẫu mực và có công lao rất lớn trong việc đào tạo, vun đắp những thế hệ ca sỹ, nghệ sỹ của đất nước...
Đối với Nghệ sỹ Nhân dân Thu Hiền, Nghệ sỹ Nhân dân Trung Kiên vừa là người thầy, vừa là anh, vừa là đồng nghiệp, người đồng hương của mảnh đất Thái Bình. Bà là người chịu ảnh hưởng của nghệ sỹ Trung Kiên từ những năm tháng chiến tranh. Thời đó, bà được đi biểu diễn cùng ông để phục vụ chiến trường. Đó là lần đầu tiên nữ nghệ sỹ được thấy nghệ sỹ Trung Kiên hát và vì ngưỡng mộ phong cách âm nhạc của ông nên bà đã học theo. "Đối với tôi, được đứng chung sân khấu cùng người Thầy mình kính trọng là một may mắn lớn…", Nghệ sỹ Nhân dân Thu Hiền chia sẻ.
Còn đối với Nghệ sỹ Ưu tú Đăng Dương, người học trò đầu tiên của nghệ sỹ Trung Kiên sau khi ông quay về giảng dạy từ năm 1995, thì anh thấy mình vô cùng may mắn và hạnh phúc khi được làm học trò của ông. Theo Nghệ sỹ Ưu tú Đăng Dương, Nghệ sỹ Nhân dân Trung Kiên như người cha thứ hai của anh, anh đã rất may mắn khi được gặp và được ông phát hiện và dìu dắt...
Không chỉ là những học trò, đồng nghiệp, mà giới nghệ sỹ và những người yêu nhạc Việt đều vô cùng nuối tiếc trước sự ra đi của Nghệ sỹ Nhân dân Trung Kiên. Trên trang cá nhân của mình nghệ sỹ Opera Ninh Đức Hoàng Long chia sẻ, anh chưa một lần được Thầy Kiên dạy, nhưng 8 năm trước, sau 2-3 lần chấm thi ở trường (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Nghệ sỹ Nhân dân Trung Kiên nhận ra được khả năng của Hoàng Long và đã trực tiếp đề cử với Khoa cho anh đi nước ngoài tu nghiệp. Mặc dù hai Thầy trò lúc đó chưa hề quen nhau và Thầy có rất nhiều học sinh, nhưng vẫn cho Long cơ hội, điều đó cho thấy được tâm huyết của tTầy với nền thanh nhạc cổ điển nước nhà.
“Không có Nghệ sỹ Nhân dân Trung Kiên thì không có Ninh Đức Hoàng Long hát Opera ngày hôm nay. Thầy ra đi là một mất mát không gì bù đắp được cho thanh nhạc cổ điển Việt Nam. Cảm ơn Thầy vì di sản thầy để lại cho âm nhạc nước nhà. Vì niềm tin Thầy đặt vào em 8 năm trước, em sẽ cố gắng nhiều hơn nữa… Vĩnh biệt Thầy!”, nghệ sỹ Opera Ninh Đức Hoàng Long xúc động chia sẻ.