Vinh dự 35 năm chụp ảnh Đại tướng

Nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Trần Tuấn lặng đi khi biết tin vị Đại tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam không còn nữa. Được tháp tùng, chụp ảnh Đại tướng trong suốt 35 năm, nhà báo Trần Tuấn có một kho ảnh vô cùng quý giá về tướng Giáp.

 

1. Giỏi vật lý, thích kỹ thuật điện, nhưng chàng trai Hà Nội Trần Tuấn lại trở thành một phóng viên ảnh, làm việc ở Thông tấn xã Việt Nam khi mới 16 tuổi. Điều đặc biệt trong suốt chặng đường dài làm báo trên 40 năm của nhà báo Trần Tuấn là có tới 35 năm ông vinh dự được tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuẩn bị bảo vệ đề tài cấp nhà nước KX.02.01 “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam” do Đại tướng làm chủ nhiệm đề tài năm 2002.


Ông nói rằng, nghiệp ảnh đến với ông là duyên nợ, còn để có thể bền bỉ với nghề một phần chính là nhờ Tướng Giáp truyền lửa. Chính Đại tướng đã nói với ông rằng, khi đã theo nghề rồi, phải tâm đắc với nghề, phải say với nghề, làm cái gì thì phải làm say sưa. Những ngày tháng được tiếp xúc với Đại tướng, ông đã trưởng thành hơn lên, học hỏi được nhiều điều ở con người và nhân cách cao đẹp của tướng Giáp; ngày càng kính trọng, yêu quí Đại tướng như tình cảm của một người con đối với người cha và ông hạnh phúc vì mình có được may mắn ấy.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại khu di tích Địa đạo Củ Chi (TP.HCM, 1996).


Ông cũng được Tướng Giáp coi như người trong nhà, có thể đến nhà và văn phòng của Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu thường xuyên. “Đại tướng có rất nhiều sách mà tôi thường được mượn đọc, từ sách của các nhà văn tên tuổi đến sách của các nhà quân sự thế giới, sách xã hội, đặc biệt là bộ sách về Tư tưởng Hồ Chí Minh”, ông kể.

 

Người lính chăn ngựa Nguyễn Hùng (ngoài cùng bên trái) từ núi rừng chiến khu Việt Bắc năm xưa rất vinh dự đến thăm Đại tướng tại nhà riêng (năm 2000).

 

2.Bức ảnh đầu tiên nhà báo Trần Tuấn chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp là bức ảnh đen trắng khi Đại tướng đi thăm Huế vào tháng 5/1975. Trong chuyến thăm Huế lần ấy, Đại tướng trở về mái trường xưa, trường Quốc học Huế, và trồng cây lưu niệm tại đây. Kể từ đó, trong những năm tháng xách máy tháp tùng tướng Giáp cả trong và ngoài nước, ông đã có vô vàn bức ảnh quí giá về vị tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam.


“Những chuyến tháp tùng Đại tướng thăm lại chiến trường xưa, thăm các mẹ Việt Nam anh hùng, đón tiếp phái đoàn ngoại giao các cước, công du nước ngoài, gặp gỡ người dân,... đều để lại những dấu ấn khó quên”, ông nói. Những bức ảnh chụp Đại tướng được ông chụp ở những thời khắc điển hình nhất, nhiều bức ảnh trở thành duy nhất, không nhà báo nào có được.

 

Hàng năm, cứ đến Quốc khánh 2/9, cả gia đình Đại tướng vào Lăng viếng Bác và thăm ngôi nhà sàn của Bác.


Nhưng điều để lại dấu ấn khó quên với ông là chân dung một vị Đại tướng bình dị, nhân hậu, đức độ, gắn bó, gần gũi với nhân dân. Nét bình dị ấy thể hiện trong mọi sinh hoạt hàng ngày và cả trong công việc. Bức ảnh để lại ấn tượng sâu sắc trong ông là bức ông chụp khi Đại tướng nằm võng nghỉ trưa dưới rặng tre tỏa bóng râm mát trong một lần về thăm địa đạo Củ Chi.


3.Để có thể lưu giữ những bức ảnh quí giá ấy, ông phải mất rất nhiều công sức, thời gian và cả tiền bạc. Có lúc, để có thể lưu giữ được những thước phim quý giá này, ông đã phải bỏ tiền túi ra mua phim để chụp thay vì dùng phim theo kinh phí của cơ quan (có khi lương ông lúc đó chỉ có thể mua được từ 3-4 cuộn phim màu); bởi chỉ có làm thế thì ông vừa có thể có ảnh đưa về, vừa có thể lưu giữ phim gốc và tự mình bảo quản những cuộn phim gốc đó.

 

Thượng tá, họa sĩ, thương binh khiếm thị Lê Duy Ứng vẽ chân dung Đại tướng (tại nhà riêng 30 Hoàng Diệu, Hà Nội năm 1993).


Bây giờ, nhà báo Trần Tuấn có trong tay kho ảnh đồ sộ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông đã ra mắt cuốn sách ảnh “101 khoảnh khắc về vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp” (NXB Hà Nội, 2011), ghi lại những hoạt động của Đại tướng với các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, nhân dân, các ngành,… Kho ảnh của ông còn nhiều ảnh về cuộc sống đời thường của Đại tướng mà ông dự định làm tiếp cuốn sách ảnh thứ hai, khoảng 160 trang, tạm gọi là “Vĩ nhân với cuộc sống đời thường”, trong đó chứa những bức ảnh lần đầu tiên công bố về Tướng Giáp.

 

Bài:Xuân Phong, Ảnh:Trần Tuấn

Nhớ lần Đại tướng thăm trận địa tên lửa
Nhớ lần Đại tướng thăm trận địa tên lửa

Nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, cả khu tập thể cán bộ chiến sĩ Phòng không Không quân nơi tôi đang sinh sống, ai cũng bàng hoàng, xúc động. Riêng đối với tôi, trong niềm thương tiếc vô hạn, có biết bao kỷ niệm lần tôi đến gặp ông...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN