Ở tuổi xế chiều, hai ông bà vẫn luôn trăn trở với sứ mệnh “thắp lửa” dân ca, trao truyền và tiếp nối để Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh trường tồn trong đời sống hiện đại.
Nên duyên từ điệu ví, câu hò
Ông Phạm Thế Nhuần vốn không sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, nhưng lớn lên trong những câu hát dân ca của bà, của chị, những đêm trăng hát ví bên bờ sông Ngàn Mọ, huyện Cẩm Xuyên. Lớn lên, ông Nhuần công tác tại một đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải đóng tại thành phố Vinh (Nghệ An) và là hạt nhân nòng cốt trong các phong trào văn hóa, văn nghệ của đơn vị.
Còn bà Vũ Thị Thanh Minh may mắn sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Cha bà là cụ Vũ Minh Ngọc, biên đạo múa, còn người cô ruột của bà là cụ Vũ Minh Hoa, diễn viên của Đoàn văn công Nhân dân Nghệ Tĩnh. Trong những năm kháng chiến, cụ Vũ Minh Ngọc và cụ Vũ Minh Hoa đã cùng tập thể Đoàn văn công Nhân dân Nghệ Tĩnh đi khắp các chiến trường, hậu phương, mang tiếng hát, lời ca để cổ vũ quân và dân hăng say chiến đấu, lao động sản xuất. Đặc biệt, năm 1965, cụ Vũ Minh Hoa cùng với các diễn viên Đoàn văn công Nhân dân Nghệ Tĩnh đã có may mắn được biểu diễn bài dân ca Nghệ Tĩnh “Thần sấm ngã” cho Bác Hồ và lãnh đạo Đảng, Nhà nước nghe tại Phủ Chủ tịch. Bác Hồ đã xúc động bật khóc khi được nghe những giai điệu dân ca ngọt ngào của quê hương về tinh thần dũng cảm chống Mỹ của nhân dân quê nhà.
Từ nhỏ, theo cha đi diễn khắp mọi miền, cô bé Thanh Minh đã thuộc và có thể hát được các điệu ví, giặm ngọt ngào khiến người nghe phải trầm trồ, nhớ mãi. Vừa tròn 16 tuổi, cô gái Vũ Thị Thanh Minh được chính thức vào công tác tại Đoàn văn công Nhân dân Nghệ Tĩnh. Trong thời gian công tác tại Đoàn, bà “bén duyên” cùng chàng kỹ sư giao thông có giọng hát hay Phạm Thế Nhuần. Sau những đêm trăng hò hẹn bên những điệu ví, câu hò, 2 người kết duyên chồng vợ. Đến nay, đã gần 3 thập kỷ đồng hành cùng nhau, tình yêu và sự tôn trọng dành cho nhau của cặp vợ chồng nghệ nhân vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu.
Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thế Nhuần chia sẻ: “Chúng tôi đến với nhau bằng chữ tình, bằng câu hát, vậy nên đến tuổi xế chiều, bên niềm vui tuổi già cùng con cháu, ngoài việc ông chăm bà, bà chăm ông thì cả hai còn đồng lòng "chăm" câu hát. Vợ vừa là bạn đời, vừa là người bạn diễn ăn ý nhất trên mọi sân khấu của tôi”.
Tiếp bước truyền thống gia đình, các con cháu của cặp nghệ nhân Phạm Thế Nhuần và Vũ Thị Thanh Minh cũng đang theo đuổi đam mê nghệ thuật, từng ngày góp sức bảo tồn di sản dân ca ví, giặm mà cha ông để lại. Hai con trai của ông bà là Phạm Công Hoàn, Phạm Công Định và con dâu là Trần Thị Phương Thảo đang công tác tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh.
Đồng lòng “nuôi” câu hát
Những năm tháng còn công tác tại Đoàn văn công Nhân dân Nghệ Tĩnh, sau thời gian biểu diễn, bà Vũ Thị Thanh Minh cùng đồng nghiệp thường đạp xe rong ruổi khắp mọi miền để sưu tầm các điệu ví, giặm cổ, cùng với vốn quý được lưu truyền từ cha anh để lại, bà có một “kho tàng” đồ sộ các lời cổ dân ca ví, giặm.
Năm 1992, sau thời gian cống hiến chuyên nghiệp, vì lý do sức khỏe, bà Vũ Thị Thanh Minh nghỉ hưu theo chế độ. Hai vợ chồng bà về quê nhà ở xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) và bắt đầu khôi phục lại phong trào hát dân ca ví, giặm tại địa phương. Từ những người nông dân chân lấm tay bùn, dưới sự chỉ dạy, truyền cảm hứng của vợ chồng nghệ nhân Minh - Nhuần, họ đã dần hát hay, diễn khéo những câu hò, điệu ví. Tại các cuộc giao lưu, hội nghị ở địa phương đều có những tiết mục “cây nhà lá vườn” từ chính những thành viên trong đội văn nghệ do ông bà Minh - Nhuần khởi xướng.
Năm 2012, với sự hỗ trợ của địa phương và người dân, vợ chồng nghệ nhân đã thành lập Câu lạc bộ dân ca ví, giặm xã Cẩm Mỹ. Để có thể thành lập Câu lạc bộ, hai ông bà đã dày công chọn lựa những nhân tố vừa có năng khiếu, vừa có đam mê, cùng họ nuôi dưỡng ngọn lửa, tình yêu với dân ca. Không chỉ dìu dắt trên sân khấu, trong cuộc sống đời thường, hễ các thành viên trong Câu lạc bộ gặp khó khăn trong cuộc sống thì vợ chồng nghệ nhân đều kịp thời có mặt, sẻ chia.
Từ đó, khoảng sân rộng trước nhà của ông bà Minh - Nhuần trở thành điểm hẹn của những người nông dân mê câu hát vào mỗi tối… Nhiều tiết mục của Câu lạc bộ dân ca ví, giặm xã Cẩm Mỹ do hai ông bà biên soạn đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả Nghệ Tĩnh như “Thử lòng chung thủy”, “Thần sấm ngã”, “Ô Lục Soạn”…
Từ khi thành lập đến nay, Câu lạc bộ dân ca đã tham dự nhiều liên hoan trong và ngoài tỉnh, đoạt nhiều huy chương; được mời biểu diễn tại các sự kiện quan trọng do các đơn vị ở các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức. Đồng thời, hai vợ chồng nghệ nhân cũng đã thực hiện hàng chục chương trình văn nghệ truyền hình, phát thanh… lan tỏa dân ca ví, giặm đến đông đảo khán thính giả.
Trăn trở với những câu hò, điệu ví quê hương, ngoài việc lặn lội sưu tầm, gìn giữ những lời cổ, vợ chồng nghệ nhân Phạm Thế Nhuần và Vũ Thị Thanh Minh đã truyền dạy dân ca ví, giặm miễn phí cho hàng trăm người là thế hệ kế cận để thực hành và gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể này. Nhiều nhân tố mới đã được nghệ nhân Vũ Thị Thanh Minh phát hiện và truyền cảm hứng như các em: Khánh Hà, Nhật Anh, Cẩm Hằng…
Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thị Thanh Minh chia sẻ, dân ca vốn gắn liền với đời sống, đi lên từ hiện thực cuộc sống. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi các thế hệ "cây đa, cây đề" - những người sở hữu “kho tàng” đồ sộ những vốn cổ của dân ca không còn nữa, nếu lớp trẻ không thực sự đam mê, các cấp, ngành không quyết liệt gìn giữ thì nguy cơ sẽ mai một.
Vợ chồng nghệ nhân Minh - Nhuần cho biết, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quan tâm đến đời sống các nghệ nhân dân gian, song điều kiện kinh phí vẫn còn hạn chế đã trở thành trăn trở đối với những nghệ nhân. Để theo đuổi đam mê, có kinh phí trang trải cho những buổi tập luyện của Câu lạc bộ, ông bà Minh - Nhuần đã “làm kinh tế để nuôi câu hát”. Năm 1998, ông bà đã xây dựng trang trại rộng gần 40 ha, trong đó 20 ha trồng keo, diện tích còn lại trồng các loại cây như sở, sim, mắc ca… cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, dùng số tiền đó để duy trì Câu lạc bộ.
Với những cống hiến của mình, năm 2012, ông bà được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và Huy chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian. Năm 2015, bà Vũ Thị Thanh Minh được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú; năm 2019, ông Phạm Thế Thế Nhuần cũng được phong tặng danh hiệu này. Đến tháng 9/2022, bà Vũ Thị Thanh Minh tiếp tục được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân.