Thời gian gần đây, cái tên Đoàn Bảo Châu (SN 1965) nổi lên trong làng văn khi tiểu thuyết “Khói” dày trên năm trăm trang ra mắt. Nhiều người ngạc nhiên xầm xì, kẻ ngoại đạo chưa từng ôm giấc mộng văn chương mà đã “làm nên chuyện” ngay từ tác phẩm đầu tay? Nhưng ai mà biết được, viết lách có lúc chẳng phải chỉ để thỏa cái chí của riêng mình?
Viết truyện là ngẫu nhiên
Đoàn Bảo Châu không hề giấu giếm rằng, trước khi bắt tay vào viết “Khói” anh không nghĩ là mình có thể viết được tiểu thuyết. Cái anh sẵn có chỉ là tình yêu văn học. Say mê đọc sách từ nhỏ, niềm say mê được thừa hưởng từ mẹ, người mà anh rất tự hào về sự thông minh, sắc đẹp. Bà nổi tiếng một thời ở Đồ Sơn, Hải Phòng bởi sự duyên dáng, mái tóc dài đến đầu gối, khi gội đầu phải đứng lên ghế. Một thời đói khát, cái gì cũng thiếu thốn, tuổi đang lớn như anh cơm ăn không đủ no, đến hạt lạc, bìa đậu phụ cũng là quý. Ngày Tết được mẹ may cho một cái áo mới thì sung sướng vô cùng, niềm vui sướng ấy trở thành ấn tượng sâu đậm trong suốt những năm tháng về sau.
Chụp ảnh cũng là một trong những niềm đam mê của Đoàn Bảo Châu. |
Cái thời khó khăn chung ấy, sách, hay bất cứ thứ gì liên quan đến yếu tố tinh thần càng trở nên xa xỉ. Có được cuốn sách nào thì nâng niu, yêu quý vô cùng. Cầm cuốn Tây Du ký rách nát mà thấy cái gì đó thật huyền bí. Lớn lên một chút thì đọc ngấu nghiến Mối tình đầu của Toughenief , những truyện ngắn của Pautopxki, Shekhop,… Niềm say mê sách đến mức có lúc cậu con trai láu lỉnh đem ra “giao kèo” với mẹ. Để cậu đứng xay bột (khi ấy mẹ anh kiếm sống bằng nghề đan len và làm bánh rán) thì mẹ phải đọc sách cho nghe.
Có điều, tất cả những cảm xúc ấy vẫn chỉ là những dấu ấn tĩnh lặng, cho đến khi Đoàn Bảo Châu bước vào tuổi bốn mươi hai, tuổi mà một gã trai qua nhiều trải nghiệm, đi nhiều nơi, đến nhiều vùng đất, gian khổ có, hạnh phúc có, khắc nghiệt có. Một lý do hết sức ngẫu nhiên đã khiến Đoàn Bảo Châu bắt đầu viết tiểu thuyết. Khi đọc một truyện dịch khoảng bảy, tám trăm trang, bạn khen hay mà anh chẳng mảy may thấy hào hứng. Nó dài dòng quá, khắc hẳn với gu của mình. Vậy là cầm bút viết, trong hai năm thì xong. Phiên bản đầu chừng hai trăm ngàn từ. Sau đó, anh phải viết lại, cắt bới đi những chương thừa. Thêm bốn năm nữa thì hoàn chỉnh, cuối năm 2013 thì in.
Từ khi ra mắt, tiểu thuyết “Khói” đã nhận được những ý kiến phản hồi tích cực của bạn đọc cũng như giới phê bình. Nó được coi là một “hiện tượng” của năm, là cuốn sách đáng đọc và là “ứng cử viên nặng ký” cho giải thưởng của Hội Nhà văn năm 2014. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã nói rằng, ông đọc cuốn sách chỉ trong một đêm, nội dung của nó đã khiến cuốn sách dày (về số trang) trở nên nhẹ bỗng. Truyện gieo rắc nỗi ám ảnh để người ta có thể bỏ qua những vấn đề khác của tiểu thuyết (cấu trúc) đối với người viết lần đầu mà ông dùng hình ảnh ví von rằng, Đoàn Bảo Châu viết tiểu thuyết như việc xòe một bàn tay năm ngón nhưng chưa biết cách nắm lại thành một nắm đấm.
Nhưng đúng là Đoàn Bảo Châu đã khiến người đọc phải ngạc nhiên. Câu chuyện được anh kể mộc mạc nhưng lôi cuốn, chất liệu đời sống ở những lĩnh vực là thế mạnh của anh (võ thuật, những tháng năm thực tế ở bãi vàng) đã khiến câu chuyện sống động, chân thực như người trong cuộc.
Đoàn Bảo Châu là người có khí chất mạnh mẽ của con người võ thuật. Điều ấy thể hiện từ ứng xử trong cuộc sống, lựa chọn nghề nghiệp, sở thích, đến yêu đương. Cái khí chất ấy làm nên tính cách, làm nên cuộc đời với nhiều ngã rẽ, nhiều hướng đi mà hướng đi nào cũng phải có điểm nhấn, có dấu ấn. Nhân vật chính trong truyện, Dũng Khói, cũng mang toàn bộ tinh thần ấy. Một chàng trai mê võ thuật với ý chí bất khuất; khát vọng sống mạnh mẽ trong mọi hoàn cảnh; sự vươn lên khỏi tù ngục với toàn bộ trí lực; khát vọng yêu đương nồng nàn cháy bỏng, lý tưởng hóa tình yêu với niềm hy vọng khôn nguôi.
Sống là tận dụng hết thời gian
Đoàn Bảo Châu thừa nhận rằng, anh là người nóng nảy và dữ dội. Nóng nảy là hạn chế nhưng rất khó khắc phục dù anh nhận ra rất sớm, từ khi mười sáu tuổi. Sự nóng nảy có lúc đem lại cho anh đau khổ, phải trả giá và cái giá phải trả không hề rẻ. Nhưng sự dữ dội đã đem lại cho anh một cách sống hết mình, không để cái gì nhấn chìm hoặc buông mình trong đau khổ, dằn vặt lâu quá. Anh cũng tự nhận mình là người “sống gấp”. “Cuộc đời không dùng thì nó vẫn hết, tại sao không dùng triệt để đi”, anh nói. Nhưng sống gấp không phải là đạt được điều mình muốn bằng mọi giá; mà đạt được thứ mình khát vọng bằng nỗ lực cao nhất, để không phải nuối tiếc vì đã bỏ phí, chưa làm hết mình.
Đoàn Bảo Châu mê võ từ nhỏ. Những câu chuyện về võ thuật do cha kể lại như mạch nước ngầm tưới mát mảnh vườn với những mầm non đang nhú. Sau hai năm học Vịnh Xuân Quyền ở khu thể thao Quần Ngựa, Đoàn Bảo Châu chuyển sang học karate từ chính anh trai mình, võ sư nổi tiếng của Việt Nam Đoàn Đình Long.
Đoàn Bảo Châu luyện võ miệt mài mỗi ngày, đạt tới nhị đẳng huyền đai. Điều này lý giải tại sao những ngón đòn, thế võ đưa vào tác phẩm của anh lại “nghề” đến vậy. Tính chất võ hiệp cũng khiến các nhân vật, nhất là nhân vật chính Dũng Khói khí khái trượng phu, dù có lúc mang hơi hướng lãng mạn huyễn hoặc. Nhưng bởi con người ta sống thật với chính mình, không cái gì lên gân quá, cũng không cái gì khiên cưỡng, ép nó đi theo khuôn mẫu; tâm lý con người ta phải chuyển biến dần dần, hoàn toàn hợp logic chứ không hề mâu thuẫn. Vì vậy, người đọc thấy Dũng Khói thách đố đấu võ để “giành” người yêu; sự giằng xé khốc liệt trong nội tâm khi đi tìm bố; một mình đơn thương độc mã chiến đấu với Vương Chột trong tù, nhưng có lúc lại yếu mềm với những hy vọng rất đỗi “ngây thơ” như chàng trai mới lớn trước mối tình đầu và cũng là duy nhất.
Đoàn Bảo Châu nói rằng, Dũng Khói nồng nàn, tuyệt đối và mạnh mẽ trong tình yêu cũng chính là tính cách của anh. Cuộc hôn nhân đầu tiên với một cô gái Mỹ xinh đẹp, thông minh, trí tuệ là kết quả của tình yêu nồng cháy. Anh đã tỏ tình với cô chỉ sau hai tuần sau gặp mặt. Hiện nay cô ấy là giáo sư đại học Colombia. Có với nhau hai mặt con nhưng cuộc hôn nhân đã chấm dứt mà bây giờ nghĩ lại anh vẫn nói là do mình quá nóng nảy. Anh yêu con vô cùng.
Chiều chiều, khi nắng vào những khoảnh khắc đẹp nhất, thích hợp để phóng viên ảnh tác nghiệp (anh là phóng viên viết cho tờ Vietnam Investment Review, phóng viên ảnh, cộng tác với nhiều cơ quan báo chí truyền thông quốc tế) thì anh đưa các con đi tập bơi. Khi chia tay, vợ anh đem hai con đi, những ngày tháng ấy với anh trống trải vô cùng.
Nhìn thấy bất cứ đứa trẻ nào trạc tuổi con mình cũng làm anh ứa nước mắt. Anh đã muốn cô ấy quay lại nhưng không được. Bây giờ, với cuộc hôn nhân thứ hai, có một con trai và một con gái, anh lại dồn sức cho cuộc sống mới. Chăm chút cho các con là niềm hạnh phúc vô bờ bến, anh làm điều ấy một cách tự nguyện, tràn đầy tình yêu thương cháy bỏng.
Nhưng Đoàn Bảo Châu cũng là người đa cảm. Khi viết “Khói” đã có lúc anh phải đóng chặt cửa phòng vì không muốn vợ con thấy mình khóc. “Khói” không phải kể câu chuyện của anh nhưng có những dấu ấn về cuộc đời anh, từ thời thơ ấu, khi là sinh viên, khi ra cuộc sống với không ít biến cố. Viết với anh là sự va đập, để nhìn nhận lại chính con người mình.
Đoàn Bảo Châu từng học Cơ khí Đại học Bách Khoa vì trường này “oách” nhất khi đó, nhưng lại trở thành vận động viên và võ sư karate, phóng viên, phiên dịch cabin, giờ lại viết tiểu thuyết. Không biết sau tiểu thuyết sẽ là cái gì khác, nhưng anh bảo rằng đã làm được những điều mình thích. Tính cách tạo nên nghề nghiệp một cách ngẫu nhiên nhưng đem lại cho anh những cảm xúc khó quên.
Sau “Khói” Đoàn Bảo Châu dự định viết tiếp. Anh biết mình phải viết gì, chỉ có điều chưa thật sự “đầy” để viết ra. Nhưng chắc chắn đó phải là tiểu thuyết, phải đáng để đọc và khác với cái trước đó vì anh luôn muốn chinh phục những “đỉnh cao”.
Xuân Phong