“Vòng phấn Kavkaz” cháy sân khấu Thủ đô

Đêm 19/9, đêm diễn cuối cùng của “Vòng phấn Kavkaz” trong dịp ra mắt lần đầu tiên tại Nhà hát Tuổi trẻ, đã chứng kiến một không khí thưởng thức nghệ thuật thực sự khiến những người làm nghệ thuật phải hạnh phúc và những khán giả phải thèm muốn: Khán phòng 650 chỗ của Nhà hát chật kín người, số khán giả phải lên tới hơn 800, trong đó có rất nhiều gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng của Hà Nội như NSND Đặng Nhật Minh, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Thị Minh Thái...

Cô hầu gái Grusche đã hy sinh tất cả hạnh phúc cá nhân để chăm sóc cho đứa trẻ, vốn không phải là con đẻ của mình. Ảnh: BTC cung cấp



Người may mắn có chỗ ngồi, người đến muộn chỉ còn chỗ đứng, nhưng không ai cảm thấy “ngần ngại” cả. Đứng cũng được, miễn là được xem vở diễn tuyệt vời này.

Niềm hạnh phúc này không phải hôm nay mới đến với Nhà hát Tuổi trẻ. Đơn giản vì cả 4 đêm diễn, từ 16/9 đến 19/9, đêm nào khán phòng cũng kín người như vậy, đêm nào công chúng cũng thỏa mãn với sự thưởng thức như vậy và đêm nào những diễn viên cũng sống hết mình, diễn hết mình như vậy. Còn với Giám đốc Trương Nhuận - người khởi xướng dự án dàn dựng “Vòng phấn Kavkaz”, với TS Almuth Meyer - Zollitsch, Giám đốc Viện Goethe tại Hà Nội - “cầu nối” cho văn hóa Việt Nam - Đức với việc hỗ trợ dàn dựng, và với đạo diễn trẻ Dominik Guenther - người đã dạy các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ về cách làm kịch đích thực và hiện đại, khác với những gì họ đã làm; thì niềm hạnh phúc là không thể diễn tả. Đơn giản, vì đứa con tinh thần chung của họ đã rất thành công.

Còn nhớ, lý do mà Giám đốc Trương Nhuận chọn dựng “Vòng phấn Kavkaz”, trong hành trình đưa kịch Bertolt Brecht đích thực về với sân khấu Việt Nam, đưa cách dàn dựng theo đúng phong cách “Bertolt Brecht” trên thế giới về với Việt Nam, với mong muốn xóa “khoảng trống” kịch Bertolt Brecht mà sân khấu bao năm nay vẫn phải “cam chịu”. Bởi như ông tâm sự, đây là vở diễn của mọi thời đại, với những vấn đề không bao giờ cũ, những vấn đề vẫn sâu sắc và nhân văn y như cách đây gần 60 năm, khi Bertolt Brecht viết vở kịch này. Đó là ở mỗi quốc gia, khi xảy ra một xáo trộn, khó khăn, thì bản chất con người lại bộc lộ, cả những bon chen, tham lam ra mặt; cả những nhân hậu, yêu thương tận cùng. Nhưng rồi, vượt lên tất cả, lòng nhân hậu, tình yêu thương đích thực sẽ luôn chiến thắng!

Còn nhớ, lý do mà đạo diễn Dominik Guenther không tiếc, dù chỉ 1 ngày, trong 30 ngày ông có mặt tại Hà Nội, gần như “bám trụ” với sàn dựng, chi tiết và tỉ mỉ, cẩn trọng và truyền thụ, cùng các diễn viên “vỡ” từng câu trong kịch bản; cùng họa sĩ nắn từng chi tiết trên sân khấu, trong trang phục. Và, như ông chia sẻ, ông vô cùng hài lòng với tất cả diễn viên của Nhà hát!

Còn nhớ, lý do mà TS Almuth Meyer - Zollitsch, Giám đốc Viện Goethe, cảm thấy hài lòng nhất trong hôm họp báo giới thiệu vở diễn (tất nhiên là sau sự “mãn nguyện” về việc dàn dựng thành công), đó là sự nghiêm túc của những người làm nghệ thuật của Nhà hát Tuổi trẻ: “Tôi được biết, Nhà hát đã đưa vở diễn “Vòng phấn Kavkaz” vào kịch mục của mình để diễn thường xuyên phục vụ khán giả, thậm chí lưu diễn và tham gia các liên hoan, hội diễn. Điều đó cho thấy sự hợp tác này không phải là kiểu hợp tác “lửa rơm”, bùng lên rồi tắt ngay sau vài buổi diễn”.

Vâng, không phải “lửa rơm”, nên ngay từ 5/10 này, chủ nhật đầu tiên của tháng 10, vở diễn sẽ được diễn phục vụ khán giả đông đảo. Tiếp sau đó là 11/10, rồi tiếp sau nữa, sau nữa... cho tới khi khán giả còn mong muốn xem.

Âu đó cũng là lý do để Nhà hát Tuổi trẻ luôn chinh phục những đối tác của mình: Không bao giờ thực hiện một dự án nào mà không tính tới giá trị lâu dài. Không bao giờ thực hiện một dự án nào để cất kho mà không dành phục vụ khán giả tới người cuối cùng muốn xem.

Vậy nên, chắc, tới chủ nhật 5/10 ấy, Nhà hát lại cháy vé và kín rạp thôi. Một vở diễn đáng xem và một cách làm đáng học tới vậy cơ mà!

Đạo diễn Dominik Guenther:


“Vở kịch đề cập tới hai mặt đối lập trong xã hội: Bản tính ích kỷ của con người và tình yêu vô điều kiện; về chuyện người ta nghĩ đến mình trước tiên, nhất là trong tình cảnh khốn khó hoặc khủng hoảng, chẳng hạn như khi có chiến tranh, song vẫn có những người vượt qua được bản tính đó. Trong tác phẩm này, Brecht đặt sức mạnh đồng tiền đối diện với tính nhân bản, để rồi nêu câu hỏi: Liệu có tồn tại một công lý chung chung, cũng như tình mẫu tử thực sự thể hiện ra sao và ở dạng thức nào? Tư tưởng này biểu hiện cụ thể trong sợi chỉ đỏ xuyên suốt nhân vật Grusche, một cô hầu nghèo đã quên mình chăm sóc đứa con của Tổng trấn giàu có. Nàng sẵn sàng hy sinh cho hạnh phúc của đứa bé, trong khi quý bà giàu có, mẹ đẻ của đứa bé, lại chỉ nghĩ đến lợi ích riêng của mình. Thực ra vở kịch không xa xưa lắm, những chủ đề được nêu trên không hề thay đổi, ngày ấy cũng như bây giờ và chúng cũng không đặc thù cho nền văn hóa nào, mà tồn tại trong mọi hình thái xã hội. Do đó, khi dàn dựng, tôi không hề thay đổi ngôn ngữ cũng như bối cảnh nhà nước hư cấu trong tác phẩm. Nhưng tôi đã thời sự hóa một số yếu tố, ví dụ phục trang hiện đại, thay đổi nhân vật ca sĩ (tức Người kể chuyện): Trong vở diễn lần này, nhân vật này là một sáng tạo nghệ thuật dẫn dắt những sự kiện trên sân khấu với sự hỗ trợ của âm nhạc điện tử và các hiệu ứng âm thanh khác”.



Tuyết Anh
Kết quả cuộc thi ảnh nghệ thuật Hà Nội lần thứ 44
Kết quả cuộc thi ảnh nghệ thuật Hà Nội lần thứ 44

Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội vừa công bố kết quả cuộc thi ảnh nghệ thuật Hà Nội lần thứ 44 năm 2014 với 132 tác phẩm được chọn vào vòng triển lãm và trao giải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN