Lễ khai mạc triển lãm diễn ra vào chiều muộn ngày 25/6, trong không gian khá rộng dài của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (60 Nguyễn Thái Học- Hà Nội), với rất nhiều những lời khen không cần “kiềm chế” của các nhà phê bình, các hoạ sĩ gạo cội với những tác phẩm gốm mới của Vũ Hữu Nhung.
Một tác phẩm trong triển lãm. |
Nhưng có một lời khen của hoạ sĩ Trần Khánh Chương- Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, khiến công chúng rất quan tâm và khiến hành trình khám phá triển lãm gốm mang tên “Sự sống” (The Life) càng thêm thú vị: Khen rằng Vũ Hữu Nhung đã lột xác với triển lãm lần này và mang đến cho gốm một phong cách rất mới!
Nghệ thuật bao giờ cũng nhiều tiếng khen chê, có người yêu và có người chưa thực sự thích. Với triển lãm gốm "Sự sống" của Vũ Hữu Nhung, hoạ sĩ Trần Khánh Chương cũng đã “tiên đoán” rằng sẽ như vậy, bởi đây là lần đầu tiên, Vũ Hữu Nhung “né sắc màu”, bỏ hết những sự tươi sáng, bắt mắt của bảng màu - điều mang đến sức hấp dẫn cho hội họa, để trở về với “trần trụi” gốm, với sắc đen và màu gạch, với những giản đơn nhất của hình khối và màu sắc.
Sự sống có rất nhiều "gương mặt". |
Chia làm hai nhóm tác phẩm, cũng là 2 căn phòng trưng bày, thông với nhau, nhưng cũng có độ độc lập riêng; nhưng chủ đề chung của gần 80 đơn nguyên gốm (Vũ Hữu Nhung không gọi là tác phẩm mà gọi là đơn nguyên) vẫn chỉ là “Sự sống”. Sự sống nơi đáy biển thì phải. Bởi mỗi đơn nguyên chính là một biến tấu của san hô, loài nhuyễn thể chỉ có ở đáy biển. Và “không gian” cho những đơn nguyên ấy cũng chính là cát biển, cả cát trắng, cát đen, khiến người xem bước chân vào căn phòng trưng bày mà như nghe được tiếng ì oạp của sóng.
Giản đơn tới kiệt cùng, nhưng mỗi tác phẩm của Vũ Hữu Nhung lại cũng gợi cho người xem biết bao là sự tưởng tượng và tùy vào sự bay bổng của công chúng, hình ảnh hiện ra có thể là một mảng san hô theo thời gian “bám riết” lấy những sỏi đá nơi đáy biển, cái thì lại chính là mảng san hô với vẻ xù xì, những “nhánh tay” rất đặc trưng, cái thì lại gợi hình ảnh một loài thực vật nào đó nữa và cái thì lại thấp thoáng hình bóng của con người… Nói như Vũ Hữu Nhung, mỗi người xem lại chính là một “tác giả” cho tác phẩm của anh.
Vũ Hữu Nhung chia sẻ: “Những tác phẩm triển lãm được tạo hình theo khối căng tròn, với đáy tròn (trong khi bình thường gốm là đáy phẳng và thời cổ xưa thì là đáy nhọn), tạo độ căng và bay, như thể “thoát” ra khỏi mặt bục đặt gốm, đây là một sáng tạo lớn của tôi các tác phẩm lần này của mình”.
Đồng tình với điều này, hoạ sĩ Trần Khánh Chương hào hứng chia sẻ rằng: Vũ Hữu Nhung đã có đóng góp vào sự phát triển của gốm, giống như anh đã làm ngay từ triển lãm cá nhân đầu tiên của mình, năm 2001; giống như anh đã không ngừng tìm tòi trong suốt những năm qua, cả khi gắn với nghề, cả khi “suýt” bỏ nghiệp vì rẽ ngang sang kinh doanh- rồi cuối cùng lại về với chính niềm đam mê đã chảy trong huyết quản của chàng trai đất Phủ Lãng (Bắc Ninh) này.
Còn với nhà phê bình Lương Xuân Đoàn, thì hành trình cùng gốm của Vũ Hữu Nhung chính là sự “thuận duyên”. Thuận duyên nên “gốm Nhung trẻ trung và lạ chọn ngay sự phổ cập cho số đông thị hiếu người chơi. Gốm trong lộ trình Bắc Trung Nam, rồi tự tin bước nhanh ra thế giới bên ngoài. Vừa thỏa thuê sự bình dị chân quê nguyên cốt sành Phù Lãng, lại chẳng thiếu sự ngẫu hứng tìm mới cho nhịp đôi khó bỏ: Xưa và nay, truyền thống và đương đại của gốm Việt. Với Vũ Hữu Nhung, cái tình chi mà cốt đất dẻo mềm và màu men thôn dã quê mẹ vẫn âm thầm trợ duyên để cậu trai làng ngày nào dám bứt ra khỏi lực hút vô hình của thị trường, tiếp tục ngược dòng với cuộc chơi mới để được khác trong một không gian khác”…
Vũ Hữu Nhung hiện là giảng viên ngành điêu khắc - Khoa trang trí nội ngoại thất của trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp. Sinh năm 1975, kịp có giải trong triển lãm Mỹ thuật toàn quốc nhiều năm, vẫn đang rất hào hứng với những tìm tòi và sáng tạo, rất hy vọng rồi một ngày, sớm thôi, Vũ Hữu Nhung lại có một “phá cách” nữa với gốm, đến mức phong cách Vũ Hữu Nhung lại một lần nữa được “sao chép tràn cả phố”, như anh đã từng làm được từ khá lâu trước đây.
T.Anh