Vụ thất thoát ở Cục Điện ảnh: Đáng lẽ, đã có thêm 10 bộ phim

Trong khi các giải thưởng được trao tại Cánh diều 2011 vẫn tiếp tục là tâm điểm của những tranh luận, giới điện ảnh lại một lần nữa… ngã ngửa vì Bộ Công an vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Lê Ngọc Minh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ VH,TT&DL về tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Con số thất thoát cũng được đưa ra là 44 tỷ đồng.

Sau gần 10 tháng kể từ khi nhận được đơn trình báo của Cục Điện ảnh về việc kế toán viên Phạm Thanh Hải thuộc phòng kinh tế kỹ thuật của Trung tâm Điện ảnh chiều thứ 7 trong thời gian làm việc từ năm 2009-2011 đã lập hồ sơ chứng từ, giả mạo chữ ký để rút và chiếm đoạt số tiền hơn 44 tỉ đồng của Nhà nước cấp cho Cục Điện ảnh, cơ quan điều tra xác định, lãnh đạo Cục đã có nhiều sở hở, thiết sót nghiêm trọng trong việc quản lý tài chính.

Sở dĩ, ông Lê Ngọc Minh bị khởi tố là vì đã thiếu trách nhiệm không kiểm tra kỹ các chứng từ, séc do Hải trình và vẫn ký vào tạo điều kiện để Hải rút tiền.

Vì sao con số thất thoát ban đầu chỉ là 36 tỷ?

Ông Vũ Xuân Thành- Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL- cho biết, kể từ khi sự việc bị phanh phui, Bộ đã miễn nhiệm chức vụ đối với ông Lại Văn Sinh – Cục trưởng Cục Điện ảnh, ông Lê Ngọc Minh – Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh nhưng các ông này vẫn đi làm. Thực tế, việc khởi tố tại ngoại với ông Lê Ngọc Minh là chỉ cấm bị can đi khỏi nơi cư trú để phục vụ công tác điều tra còn việc đi làm hay sinh hoạt Đảng diễn ra như bình thường.

Cũng theo lời ông Vũ Xuân Thành, trong những giấy tờ rút tiền, tất cả chữ ký của ông Lại Văn Sinh đều bị giả mạo. Tổng số hóa đơn có chữ ký của ông Lê Ngọc Minh là 44 tỉ đồng. Song trong đó có khoảng 10 tỉ đồng chi cho phim Con đường 1C. Đó cũng là lý do trước đó Bộ VH,TT&DL công bố con số thất thoát 36 tỉ đồng. Đương nhiên, sắp tới ông Lê Ngọc Minh sẽ phải hầu tòa. Nhưng hiện tại Bộ VH,TT&DL chưa thể đưa ra bất cứ quyết định nào trước khi cơ quan điều tra có kết luận chính thức. 

Năm 2011, chỉ có "Mùi cỏ cháy" và "Tâm hồn mẹ" được hoàn thành từ tiền tài trợ của Nhà nước (Cảnh phim Tâm hồn mẹ, ảnh có tính chất minh họa).


Giới điện ảnh: Cần chấm dứt những thông tin mơ hồ

Tháng 9/2011, các nghệ sĩ điện ảnh đã làm đơn kiến nghị gửi tới cơ quan Đảng, Nhà nước đề nghị làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Trước vụ mất mát quá lớn này, tại cuộc “Hội nghị Diên Hồng” của giới điện ảnh với lãnh đạo Bộ VH,TT&DL diễn ra tại Làng Văn hóa các dân tộc VN, biên kịch Trịnh Thanh Nhã không ngần ngại mà nói rằng: Điện ảnh đang trên đường tới... bể phốt.

Sự bi quan của biên kịch tâm huyết với điện ảnh nước nhà này không phải không có lý khi nền điện ảnh hơn nửa thế kỷ, với hàng loạt hãng phim nhà nước và hàng trăm nghệ sĩ điện ảnh đang rơi vào hoàn cảnh điêu đứng vì vụ thất thoát nhiều tỉ đồng. Dư luận xã hội thì chấn động, hồ nghi và dò xét cả giới điện ảnh.

Hôm qua, trước thông tin về việc cơ quan điều tra khởi tố bị can đối với nguyên Phó Cục trưởng Lê Ngọc Minh, biên kịch Trịnh Thanh Nhã chia sẻ với TT&VH: “Tôi nghĩ rằng, làm ngã ngũ việc này càng sớm càng tốt. Để bùng nhùng không minh bạch sẽ gây ức chế, làm mất niềm tin là tất yếu. Niềm tin này không giống như ở các vụ án kinh tế khác, như Vinashin, người ta có thể cơ cấu lại nó. Ở vụ việc này, không đơn giản là vấn đề của dồng tiền, mà là vấn đề của chuẩn đạo lý. Nghệ sĩ, về nguyên tắc làm nên tác phẩm hay chính cuộc sống của họ, là để khuyến cáo và tôn vinh những chuẩn đạo lý đó. Giờ chính nghệ sĩ lại phạm tội thì thật đau lòng. Vụ án liên quan tới nghệ sĩ Mạnh Linh trước kia, dù ai cũng biết ông nhận tội thay con gái, vẫn gây đau lòng rất lớn với giới nghệ sĩ. Câu chuyện chúng ta đang nói ở đây còn lớn hơn nhiều, vì họ đều nghệ sĩ, mà ngành điện ảnh thì vẫn ở cơn bĩ cực.

Theo tôi, cần xác định lỗi từ đâu? Và chấm dứt những thông tin mơ hồ để nghệ sĩ yên lòng để bước sang trang mới. Nghệ sĩ gặp nhau vẫn hỏi, hay là vụ này... chìm xuồng? Mong muốn ở đây không phải muốn những người từng là bạn bè, đồng nghiệp của mình ngã ngựa hay vướng vào vòng lao lý. Chúng tôi không hề mong điều đó. Nhưng phải minh bạch để xã hội nhìn thấy trong một tình huống nào đó, con người ta có thể bị sa ngã, chứ đó không phải là biểu tượng của cả một ngành”.

Câu chuyện thất thoát hàng chục tỉ ở Cục Điện ảnh không còn gây chấn động như lúc nó mới bị phanh phui ra trước công luận. Tuy nhiên, NSND Trần Phương vẫn cho rằng, những người làm điện ảnh tử tế đều thấy câu chuyện thụt két này rất vô lý và không chấp nhận được.

“Điện ảnh ngày càng sa sút, các hãng phim nhà nước thì nghèo đi, vậy mà tiền bị… cướp cứ như không. Vì tâm lý xót xa đó, nên chúng tôi đã ký vào lá đơn kiến nghị các cơ quan chức năng phải điều tra và có kết luận về vụ việc chứ không thể để… chìm xuồng. Bây giờ, khi có kết luận rồi thì tôi thấy đau lắm. Họ cũng là người làm nghệ thuật, tưởng chỉ do nhầm lẫn gì đó, chứ chữ ký thật là của ông ấy thì không tưởng tượng được. Anh em làm nghề với nhau, phải nói những chuyện này tôi thấy khổ tâm lắm. Mà nếu tính như chúng tôi làm phim, 44 tỉ đồng đã có thể làm được tới 10 phim rồi…” – nghệ sĩ Trần Phương chia sẻ thêm. 

Hà Chi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN