Chào mừng Ngày Quốc khánh 2/9, từ ngày 2-6/9/2015, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức các hoạt động “Vui Tết Độc lập” với nhiều hoạt động văn hoá, lễ hội phong phú, đặc sắc.
Với tinh thần giao lưu, góp phần tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em tại “Ngôi nhà chung” cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, chương trình “Vui Tết Độc lập” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam lần này sẽ tái hiện Tết Độc lập của bà con các dân tộc Tây Bắc, phiên chợ vùng cao, các chương trình dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, giới thiệu ẩm thực, các sản vật đặc trưng của địa phương, tái hiện một số nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới miền Tây Bắc của Tổ quốc.
Nhiều chương trình dân ca, dân vũ sẽ được giới thiệu trong chương trình. Ảnh: Phạm Hương |
Đặc biệt, vào sáng ngày Quốc khánh mùng 2/9, đồng bào các dân tộc Tây Bắc sẽ tái hiện “Tết Độc lập” tại khu chợ vùng cao. Bên cạnh việc giới thiệu và bán các sản vật địa phương như thổ cẩm, nhạc cụ, đồ trang sức, đồ khô, giới thiệu ẩm thực đặc sắc của các dân tộc vùng Tây Bắc… Từ khắp các bản làng, từ trong các ngôi nhà của các dân tộc Mông, Hà Nhì, La Hủ, Mảng, Si La tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đồng bào các dân tộc với bộ trang phục đẹp nhất, với các nhạc cụ dân tộc đặc sắc, nô nức cùng nhau, rủ nhau hình thành các đoàn hội tụ về chợ vùng cao, cùng gặp gỡ, giao lưu, cùng múa Khèn, thưởng thức chung một chảo thắng cố, uống cùng một chum rượu ngô, cùng hát, cùng vui thể hiện sự chung sức, chung lòng, kết đoàn mừng “Tết Độc lập” của dân tộc.
Lần đầu tiên "Tết Độc lập" được tái hiện tại Làng Văn hóa. Ảnh: Phạm Hương. |
Trong khuôn khổ các hoạt động “Vui tết Độc lập”, tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng sẽ tái hiện các nghi lễ, phong tục truyền thống đặc sắc như: Lễ vào nhà mới của dân tộc Mảng (chiều ngày mùng 3/9); Lễ cúng bản của dân tộc La Hủ (sáng ngày mùng 4/9); Nghi lễ cúng cây Đu trong Tết mùa mưa của dân tộc Hà Nhì (sáng ngày mùng 5/9); Hôn nhân và lễ cưới của dân tộc Si La (sáng ngày mùng 6/9). Các nghi lễ, phong tục truyền thống thể hiện khát vọng của con người và sự phát triển tốt đẹp, no đủ, nét đặc sắc trong hôn nhân, những tập quán dựng nhà, cúng bản thể hiện sự đổi thay, ấm no của đồng bào, ổn định của bản làng nhờ có Đảng, Nhà nước quan tâm, trên nền tảng văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.
Bên cạnh đó, nhiều chương trình dân ca, dân vũ đặc sắc, trò chơi truyền thống dân tộc cũng sẽ được tổ chức tại Khu vực không gian xung quanh Chợ vùng cao, hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.