Xã hội hóa sân khấu - hành trình tất yếu

Xã hội hóa là một lộ trình tất yếu của các đơn vị nghệ thuật của Việt Nam, trong đó có các nhà hát, đoàn nghệ thuật. Hiện tại, Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ TƯ đã triển khai thí điểm mô hình này, và theo như NSƯT Trần Bình, Giám đốc Nhà hát, công cuộc "xã hội hóa" không phải không có gian nan.


Dù gian nan, nhưng cũng sẽ đến thời điểm các nhà hát phải bung ra, không sớm thì muộn. Vậy, có những "kinh nghiệm" gì để giúp các nhà hát "có nền tảng" cho việc xã hội hóa? PV Tin tức đã có cuộc trò chuyện với ông Trương Nhuận (ảnh) - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ (NHTT) về vấn đề này.



Thưa ông, các nhà hát vẫn đang hoạt động bằng kinh phí của Nhà nước và một phần xã hội hóa (XHH), nhưng xu hướng là sẽ XHH hoàn toàn như mô hình mà Nhà hát ca múa nhạc nhẹ TƯ đang áp dụng. Rất nhiều nhà hát lo lắng vì lo sợ không trụ được. Với NHTT, đây có phảilà điều đáng lo?


Lộ trình XHH là lộ trình tất yếu trong xu thế phát triển toàn cầu hiện nay. Nhưng cũng phải nói rất thật là những nhà hát nổi tiếng như Nhà hát Hoàng Gia Anh mà tôi có cơ hội thực tập ở đó trước đây, thì nguồn kinh phí hoạt động lấy từ các quỹ văn hóa, từ chính phú, từ thành phố vẫn chiếm khoảng 50 - 70%, bên cạnh những hoạt động, nguồn thu từ bán vé, từ hoạt động khác.


Hiện tại với NHTT, lương của Nhà nước đang cấp cho chúng tôi cũng chỉ đảm bảo cho 100 nghệ sĩ, còn lại trên 80 nghệ sĩ, nhân viên khác đang sống bằng nguồn doanh thu chi trả từ nhà hát. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí 1 năm cấp cho NHTT dàn dựng chỉ được 4 vở diễn, 3 - 4 chương trình, nhưng mỗi năm NHTT hiện có 10 -15 chương trình. Tất cả những chương trình "phụ trội" đó là được dàn dựng từ nguồn thu, từ nguồn XHH bằng nhiều nguồn tài trợ khác nhau.


Ví dụ như chương trình “Văn hóa giao thông” là hoàn toàn từ nguồn XHH ở bên ngoài. Nhà hát chủ động, tự khai thác các nguồn hoạt động ở nhiều các chương trình lễ hội, sự kiện, sự tài trợ của các công ty cho các chương trình. Và như vậy, NHTT trong nhiều năm qua vẫn đang hoạt động có hiệu quả từ nhiều nguồn kinh phí, trong đó khá lớn nguồn kinh phí XHH. Vì vậy quả thực lộ trình XHH không phải điều khiến chúng tôi lo sợ.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xem vở “Lời thề thứ 9” của Nhà hát Tuổi trẻ và tặng hoa cho các lãnh đạo, nghệ sĩ Nhà hát. Ảnh: CTV


Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, với tư cách là một đơn vị sự nghiệp văn hóa, nhưng đồng thời là một doanh nghiệp văn hóa, thì tính chất đặc thù này cũng đòi hỏi phải có một lộ trình nhất định trong việc giảm nguồn kinh phí nhà nước. Ngoài ra, nhà nước cũng cần có sự quan tâm và đầu tư để cho các đơn vị nhà hát có đủ khả năng, đủ mạnh để phát triển.


Điều này lãnh đạo Bộ VH,TT&DL đã nhìn nhận ra và bắt đầu từ năm nay chúng tôi cũng có một sự hỗ trợ rất hữu hiệu của lãnh đạo Bộ về cơ sở vật chất, giúp chúng tôi có thể có được sự tự chủ trong việc khai thác các nguồn thu của mình, để lấy đó là nguồn bù đắp khi xây dựng và trình diễn tác phẩm. Tôi tin rằngg trong một lộ trình phát triển phù hợp, đến thời điểm thích hợp nào đó, nguồn kinh phí của nhà nước có thể là cắt giảm hoàn toàn, thì NHTT vẫn sẽ trụ vững.


Với NHTT là hành trình dễ dàng hơn, nhưng với các nhà hát khác, dường như không hẳn sẽ dễ dàng. Vậy ông có lời khuyên với các nhà hát để không vấp khó khăn trong lộ trình XHH?


Đưa ra một lời khuyên sẽ thật khó, vì nó phụ thuộc vào hoàn cảnh và tính chất khác biệt của mỗi loại hình nghệ thuật. Với những loại hình nghệ thuật dân tộc như tuồng, chèo, cải lương… rõ ràng họ gặp khó khăn về đầu ra, về khán giả, cho nên họ khó có nguồn thu. Nhưng cũng có những loại hình đã phát triển, vượt qua được ngưỡng khó khăn ấy, như nghệ thuật múa rối. Trong bối cảnh này, đòi hỏi những nhà quản lý phải có sự nhanh nhạy, sáng tạo trong hướng đi, xem nên XHH theo hướng nào? Có thể là kết hợp với du lịch như một số nhà hát đã làm.


Có một "bất cập" nữa là bộ máy cồng kềnh của bao cấp, đội ngũ nghệ sĩ diễn viên có từ thời bao cấp quá nặng. Để tinh giản được bộ máy ấy cũng đòi hỏi phải có thời gian cũng như sự vào cuộc mạnh mẽ của lãnh đạo Bộ, nhằm xây dựng thiết chế văn hóa phù hợp và năng động.


Và còn một bí quyết nữa là để phát triển thì các nhà hát đòi hỏi phải có một chiến lược nghệ thuật, marketing về nghệ thuật biểu diễn rất quan trọng, phải biết huy động nhiều nguồn lực, nhân lực, vật lực để phát triển. Điều này với các nhà hát, các sân khấu, đặc biệt sân khấu cổ truyền thì vẫn bị bó buộc do kinh phí hạn hẹp, vốn ngân sách chủ yếu là ngân sách nhà nước.


Tôi nghĩ các nhà hát phải có sự kết hợp thật tốt với các công ty tổ chức sự kiện, biểu diễn. Họ chính là những vệ tinh, cánh tay nối dài cho những nhà hát tiếp cận với khán giả một cách hiệu quả nhất. Thậm chí, với những chương trình đòi hỏi đầu tư lớn, phải là kết hợp hai chiều như chương trình Nanta Cooking, Fan Yang, nếu chỉ lấy kinh phí nhà nước làm thì bản thân chúng tôi chưa chắc dám thực hiện, nhưng nếu kết hợp với các công ty có kinh nghiệm về tổ chức biểu diễn và họ có được một chiến lược phù hợp thì nó mang lại hiệu quả cả về mặt thương hiệu và kinh tế. Cơ chế thị trường đòi hỏi sự chuyên nghiệp trong công tác tổ chức biểu diễn. Đây là một trong những hướng mà tất cả những người quản lý các nhà hát cần có sự học hỏi.


Xin ông cho biết về kế hoạch phát triển của nhà hát trong năm 2013?


Năm 2013, với mục tiêu duy trì thương hiệu NHTT và quay trở lại với những nhiệm vụ, chức năng chính của nhà hát, chúng tôi đang có kế hoạch đầu tư cho những chương trình nghệ thuật thiếu nhi một cách hoành tráng, đẹp và thực sự xứng tầm là một nhà hát quốc gia. Từ trước đến nay, đôi khi do nguồn kinh phí ít, sự đầu tư mang tính chất định kỳ và nhỏ giọt, san bằng và cào bằng như các đoàn nghệ thuật khác, nên các chương trình này chưa thực sự xứng tầm. Năm nay nhà hát đã đặt ra kế hoạch cho đoàn ca múa nhạc phối hợp với các nghệ sĩ của các đoàn khác, làm sao xây dựng được chương trình nghệ thuật cho thiếu nhi có tầm vóc nghệ thuật cao hơn, đầy đủ hơn và có chất lượng hơn.


Mặt khác, với các tác phẩm sân khấu, sẽ chú trọng hơn tới những vở diễn chính luận, những vở diễn mang thông điệp xã hội, có nội dung gắn kết được cộng đồng như về gia đình, tình yêu, về hạnh phúc và chú trọng hơn đến việc mang những tác phẩm sân khấu đến với các trường ĐH, nhằm góp phần giáo dục cho lớp khán giả, lớp khán giả tương lai của sân khấu và của nghệ thuật.


Và cuối cùng là việc mở rộng thị trường, không chỉ ở địa bàn Hà Nội mà phải lên lịch lưu diễn trong cả nước, tới vùng sâu, vùng xa, tìm nguồn XHH cho những dự án mang tính nhân đạo, chú trọng phục vụ cho cộng đồng, gọi nguồn tài trợ, xã hội hóa cho những chương trình biểu diễn miễn phí cho trẻ em khuyết tật, trẻ em ở bệnh viện, ở các mái ấm, giáo dục nghệ thuật cho trẻ em câm điếc...


Xin trân trọng cảm ơn ông!



T.Anh(thực hiện)

Khi sân khấu xã hội hóa
Khi sân khấu xã hội hóa

Ở phía Nam, bản thân khán giả đã có nhu cầu, các nhà hát chỉ việc đáp ứng nhu cầu cho khán giả cũng đã kín chỗ mỗi đêm rồi, thậm chí là cháy vé; còn ở phía Bắc không như vậy, nhà hát phải vật lộn đi tìm khán giả cho mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN