Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 372/QĐ-CP ngày 17/12/1980 của Hội đồng Chính phủ, trên cơ sở sáp nhập Trường Điện ảnh Việt Nam và Trường Sân khấu Việt Nam. Đây là trường đầu đàn trong đào tạo nghệ thuật sân khấu và điện ảnh của cả nước, có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học, hoạt động chuyên sâu trong các lĩnh vực của nghệ thuật sân khấu, điện ảnh; đồng thời là trường đại học trọng điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự phát triển chung của cả hệ thống đào tạo quốc gia.
Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội là trường đại học trọng điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự phát triển chung của cả hệ thống đào tạo quốc gia. |
Hướng tới vai trò trường trọng điểm
Với những đặc điểm này, nên bên cạnh yêu cầu phải khẳng định được chất lượng đào tạo cao theo các quy định về tiêu chuẩn đánh giá, xếp hạng đại học của Việt Nam và thế giới, trường được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao trọng trách phải là cơ sở đào tạo dẫn đầu, đảm bảo được nhiệm vụ sẵn sàng chia sẻ, tư vấn, trợ giúp cho các cơ sở đào tạo khác, tham gia trực tiếp vào việc hoạch định chính sách, chiến lược phát triển của từng ngành, lĩnh vực. Đây là một yêu cầu cao đối với một cơ sở đào tạo, lại càng cao đối với các cơ sở đào tạo nghệ thuật nói chung, trong đó có trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Đình Thi, hiệu trưởng trường đánh trống khai giảng năm học mới 2015-2016 |
Theo đánh giá của PGS. TS Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng của trường, trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo các ngành nghệ thuật. Sinh viên tốt nghiệp tại trường là nguồn nhân lực chính và quan trọng của các nhà hát, hãng phim, đài truyền hình, các đơn vị nghệ thuật từ trung ương đến địa phương. Rất nhiều sinh viên của trường sau một thời gian công tác đã và đang giữ những vị trí chủ chốt, quan trọng trong các đơn vị này. Nhiều người trong số họ đã trở thành NSND, NSƯT, những nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn nổi tiếng, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý có uy tín trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật.
Bộ trưởng Bộ VH,TT & DL Hoàng Tuấn Anh (trái) và PGS.TS Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng trường ĐH SKĐA |
Trong quá trình đào tạo tất cả các ngành nghệ thuật của các lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, truyền hình, từng bước nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được ứng dụng để làm tăng hiệu quả nghệ thuật của tác phẩm, làm hình thành những xu hướng sáng tạo mới. Đặc biệt trong lĩnh vực điện ảnh - truyền hình, kỹ thuật và công nghệ mới được ứng dụng trong tất cả các khâu từ quá trình sản xuất đến quá trình phổ biến phim, đã tạo ra sự phát triển vượt bậc, làm thay đổi về chất lượng và diện mạo của ngành.
Tuy nhiên, công tác đào tạo các ngành nghệ thuật sân khấu, điện ảnh của Nhà trường hiện nay vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập. Quy mô và chất lượng đào tạo ở một số ngành, đặc biệt là những ngành nghệ thuật sân khấu truyền thống, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Phương pháp giảng dạy của trường còn chưa theo kịp với thực tế đó, còn nặng về tính truyền nghề. Nhiều sinh viên chưa năng động, sáng tạo, còn yếu về kỹ năng thực hành, thiếu hiểu biết về thực tiễn nghề nghiệp và hạn chế về năng lực giao lưu quốc tế.
Hoạt động của các ngành nghệ thuật Sân khấu, Điện ảnh - Truyền hình những năm qua đang phải đối diện với một thực tế là nguồn nhân lực được đào tạo để triển khai công việc của ngành vừa thiếu vừa chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của nghề nghiệp và đòi hỏi của xã hội.
Thứ trưởng Bộ VH,TT & DL Đặng Thị Bích Liên tại lễ khai giảng năm học mới |
“Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, nhu cầu nhân lực trong các ngành nghệ thuật sân khấu và điện ảnh – truyền hình những năm tới và trong tương lai sẽ tăng đáng kể cả về số lượng lẫn chất lượng do xu thế phát triển của các hoạt động này phát triển song hành cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội. Trên thực tế, các trường đào tạo nghệ thuật chuyên biệt có mối quan hệ, gắn bó rất chặt chẽ với nhau. Các trường hoàn toàn có thể sử dụng chung nguồn tài liệu phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Quy mô đào tạo của trường này có thể là cơ sở cung cấp nguồn đào tạo cho các trường khác theo hình thức học liên thông (dọc hoặc ngang). Các chuyên gia nghiên cứu và nhà giáo nhiều kinh nghiệm của một trường có thể tham gia giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho sinh viên các trường trong cả hệ thống. Các hoạt động mang tính nghiệp vụ tổ chức và quản lý đào tạo khác cũng có thể được chia sẻ. Người học sẽ có khả năng liên thông rộng rãi. Nhà nước cũng có thể giảm được chi phí do đầu tư chỉ cần tập trung vào trường đầu ngành. Đây là sự đầu tư cần thiết để có thể tạo nên được sự gắn kết của toàn hệ thống, thúc đẩy vai trò của đơn vị trọng điểm đầu ngành, tạo tiềm lực và điều kiện góp phần đột phá trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các ngành nghệ thuật”, PGS.TS. Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng của trường khẳng định.
Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Đình Thi, để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 “là một trong các trường đào tạo sân khấu, điện ảnh, truyền hình có uy tín trong khối ASEAN”, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội phải trở thành trường đại học trọng điểm, làm nòng cốt cho các trường đào tạo nghệ thuật trong cả nước. Đó là một yêu cầu khách quan, một đòi hỏi tất yếu trong sự phát triển chung của các ngành sân khấu và điện ảnh - truyền hình trong cả nước hiện nay.
“Khi được xây dựng và trở thành trường trọng điểm, trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh sẽ là nhân tố tích cực, có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của toàn hệ thống đào tạo nghệ thuật sân khấu, điện ảnh trong cả nước, giúp cho chất lượng đào tạo nguồn nhân lực hoạt động sáng tác, biểu diễn và nghiên cứu khoa học nghệ thuật sân khấu và điện ảnh được nâng cao”, PGS.TS. Nguyễn Đình Thi khẳng định.
Nâng cao tầm vóc
Chính vì những lý do này, trường đã triển khai xây dựng đề án “Xây dựng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội thành trường trọng điểm quốc gia về đào tạo nghệ thuật sân khấu và điện ảnh”. Theo đó, trường ĐH Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội đề xuất đổi tên thành Học viện nghệ thuật Sân khấu- Điện ảnh Quốc gia Việt Nam (Vietnam National Academy of Art Theatre and Cinema), với cơ cấu ngành nghề phù hợp; tự chủ trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, có khả năng huy động nguồn lực xã hội để xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của trường ngày càng hiện đại, mang tính chuyên nghiệp; trở thành là một trong các Học viện đào tạo sân khấu, điện ảnh - truyền hình có uy tín trong khối ASEAN.
Trường sẽ mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo. |
Để thực hiện mục tiêu nay,
trong thời gian tới, trường sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Cụ thể, sẽ tăng quy mô đào tạo hàng năm từ 3-5%; phấn đấu đến năm 2017 đạt quy mô sinh viên là 1.740, trong đó, sinh viên đại học chính quy tối thiểu là 1.180. Học viên sau đại học chiếm tỷ lệ 5-8% sinh viên đại học chính quy; đến năm 2020 đạt quy mô sinh viên là 1930, trong đó sinh viên đại học chính quy tối thiểu là 1.300. Học viên sau đại học chiếm tỷ lệ 10% sinh viên đại học chính quy. Đặc biệt sẽ triển khai 1 chương trình đào tạo theo địa chỉ sử dụng cho trung tâm điện ảnh các địa phương và mỗi năm mở 3 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho các đối tượng có nhu cầu cập nhật kiến thức ở các đài truyền hình, các trung tâm điện ảnh và các đơn vị nghệ thuật ở các địa phương.
Trường cũng sẽ đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2017, lập đề án mở mới thêm 1 ngành đào tạo đại học (Nhà sản xuất phim); đồng thời mở thêm một số chuyên ngành: Hóa trang Sân khấu-Điện ảnh, Kỹ xảo đồ họa, Thiết bị kỹ thuật chuyên ngành ĐA-TH, Diễn viên KHDT truyền hình… Đến năm 2020, lập đề án mở mới thêm 2 ngành đào tạo đại học (Sư phạm nghệ thuật KHDT), 2 ngành đào tạo thạc sĩ, 1 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ.
Với việc đổi mới chương trình và phát triển giáo trình, tài liệu, mục tiêu là đảm bảo tính khoa học và thực tiễn trên cơ sở lý thuyết 40%, thực hành 60% của các chương trình đào tạo theo hướng tăng cường nghiệp vụ chuyên môn; kiến thức được hệ thống hóa, nguồn tài liệu tham khảo phong phú, đáp ứng yêu cầu của đào tạo tín chỉ. Rà soát và chỉnh lý hệ thống giáo trình hiện có, chú trọng việc cập nhật kiến thức mới, hiện đại của quốc tế; chuẩn hoá nội dung và sự tương thích giữa giáo trình của các môn học khác nhau. Tập trung biên soạn một số giáo trình phục vụ giảng dạy và nghiên cứu các chuyên ngành mới. Tổ chức biên dịch một số giáo trình, sách tham khảo của nước ngoài sang tiếng Việt để phục vụ việc nghiên cứu, học tập của giáo viên và sinh viên. Xây dựng và hoàn thiện quy trình giảng dạy cho tất cả các môn học theo học chế tín chỉ, xây dựng các bài tập mẫu về các chương trình nghiên cứu hoặc thực hành áp dụng vào giảng dạy cho các hệ đào tạo của trường.
Theo đánh giá của lãnh đạo trường, công tác đào tạo của trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội sau hơn 30 năm kể từ khi thành lập, đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Trường thật sự là một cơ sở đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và nhiều trình độ. Thống kê hiện nay có trên 40 ngành, chuyên ngành đào tạo với các bậc đào tạo từ trung cấp chuyên nghiệp đến tiến sĩ; ngoài ra còn được tổ chức tại nhiều cơ sở khác nhau do có sự liên kết đào tạo theo yêu cầu của một số địa phương.
Tính đến tháng 12/2014, trường cũng đã 1.700 sinh viên, học viên các hệ đào tạo; trường đã xây dựng được một cơ cấu các ngành đào tạo đa dạng. Quy mô và chất lượng đào tạo từng bước được nâng cao. Hiệu quả đào tạo đáp ứng được nhu cầu phát triển hiện tại của các ngành sân khấu, điện ảnh - truyền hình trong cả nước, được xã hội thừa nhận. Nội dung, chương trình đào tạo bám sát chương trình khung do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Các chương trình đào tạo đã được xây dựng theo học chế mềm dẻo, kết hợp giữa niên chế với học phần, tạo điều kiện cho người học tích lũy kiến thức. Trường đã chú trọng khuyến khích giảng viên đổi mới và đa dạng hoá phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra, đánh giá; triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về đổi mới phương pháp giảng dạy. Sinh viên tốt nghiệp ra trường đảm bảo về trình độ kiến thức cơ bản, kĩ năng nghiệp vụ, có khả năng thích ứng nhanh thị trường lao động. Tính đến hết quý 4/2014, tổng số cán bộ, giảng viên, công nhân viên Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội có 249 người.