Cùng với những di tích lịch sử, văn hóa tâm linh, Hồ Tây xứng đáng được xây dựng thành danh thắng văn hóa đô thị quốc gia.Nằm phía Tây Bắc Hà Nội, Hồ Tây từ lâu được biết đến như một thắng cảnh bậc nhất của Hà Nội. Từ thời Lý - Trần, các vua chúa đã xây dựng quanh hồ nhiều cung điện như cung Thúy Hoa, cung Từ Hoa thời Lý; điện Hàm Nguyên thời Trần; điện Thụy Chương thời Lê…
Chứa đựng giá trị văn hóa Thủ đôVốn là một đoạn sông Hồng cổ còn sót lại sau khi đã đổi dòng, Hồ Tây rộng khoảng 500 ha, không chỉ là địa chỉ du lịch lý tưởng, mà còn chứa đựng trong đó đầy ắp huyền thoại và những giá trị văn hóa sâu sắc của Thủ đô.
Hồ Tây xứng đáng được xây dựng thành danh thắng văn hóa đô thị quốc gia. |
Xung quanh hồ là hệ thống di tích dày đặc, trong đó có nhiều di tích nổi tiếng như chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, chùa Kim Liên, chùa Tảo Sách, chùa Vạn Niên…; các làng nghề trồng hoa, cây cảnh nổi tiếng như làng đào Nhật Tân, làng quất Tứ Liên, cá cảnh Yên Phụ, sen Quảng Bá… Cũng nơi đây, các di tích, các thắng cảnh văn hóa đã tạo nên một “vùng di sản” của đất kinh kỳ. Có lẽ vì vậy mà nhiều nhà văn hóa đã cho rằng đây là một vùng thơ ca, một vùng văn hóa tạo nên một dòng chảy văn hóa Hồ Tây hàng nghìn năm tuổi, đẫm hồn dân tộc.
TS Vũ Thúy Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội đánh giá, cùng với chiều dài lịch sử Thăng Long - Hà Nội, đã tạo nên Hồ Tây, một “không gian văn hóa” đặc sắc của Hà Nội. Men theo con đường gần 20 km bao quanh Hồ Tây là hàng chục ngôi đền, chùa, đình cổ kính đã được xếp hạng, với 102 bia đá, 165 câu đối, 140 bức hoành phi, 18 quả chuông cổ, trên 300 pho tượng đồng, gỗ, đá cùng khoảng 60 sắc phong.
Đền chùa ven Hồ Tây có những ngôi bề thế, rộng rãi, có những nếp chùa nhỏ bé, nằm khiêm tốn trong những khu vườn xanh lá, nhưng những ngôi cổ tự ấy đều góp phần làm nên nét đẹp đặc biệt, quyến rũ cho Hồ Tây. Không những vậy, trong những di tích này còn lưu giữ những hiện vật vô cùng quý giá, có một không hai ở Việt Nam, như tượng phật Thích ca bằng gỗ thếp vàng, Bảo tháp lục độ đài sen gồm 11 tầng và 66 pho tượng Phật bằng đá quý ở chùa Trấn Quốc; Tấm bia cổ nhất Hà Nội niên hiệu Thái Hòa tam niên Ất Sửu, tức năm 1445 thời Lê Nhân Tông được trưng bày ở chùa Kim Liên; Bức tượng Trấn Vũ đúc bằng đồng đen, được nhiều người biết đến như một tuyệt tác về kĩ thuật đúc đồng của người Việt hồi đầu thế kỷ XVII ở đền Quán Thánh… những di sản quý giá này nằm xung quanh bờ hồ, tạo cho Hồ Tây vẻ đẹp vừa huyền bí, vừa linh thiêng và thơ mộng.
Xung quanh Hồ Tây còn có các làng nghề cổ được lưu truyền trong sử sách như nghề chăn tằm dệt lụa ở Nghi Tàm (Quảng An), nghề nuôi cá vàng ở Yên Phụ, nghề trồng sen, ướp trà sen ở Quảng An, nghề trồng đào ở Nhật Tân, trồng quất cảnh ở Tứ Liên… Quanh Hồ Tây còn có nhiều làng cổ với bề dày văn hóa đặc sắc, mỗi ngôi làng có một vẻ đẹp văn hóa riêng, như làng cổ Nghi Tàm, cụm làng Kẻ Bưởi…; những lễ hội đặc sắc vùng Hồ Tây như hội thổi cơm thi ở làng Nghè, hội chèo thuyền cạn ở làng Hồ, hội thề Đông Cổ ở làng Đông thời Lý…; những nét văn hóa ẩm thực Hồ Tây đa dạng và đặc sắc như bánh Tôm, bún ốc, trà ướp sen… tất cả đều là những giá trị văn hóa điển hình, tạo nên không gian văn hóa Hồ Tây - điểm nhấn văn hóa đặc sắc trong lòng Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, đây cũng là những tiềm năng hết sức phong phú cho nhiều loại hình du lịch như du lịch thắng cảnh, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch làng nghề truyền thống…
Với những giá trị về cảnh quan đô thị, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể ở Hồ Tây, mà trong Luật Thủ đô có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 đã xác định, Hồ Tây là một trong những khu vực, di tích, di sản văn hóa phải được tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị.
Nâng cao hiệu quả đầu tư và quản lýTS.KTS Đào Ngọc Nghiêm đánh giá, Hồ Tây là khu vực đậm dấu ấn văn hóa suốt từng thời kỳ tiền Thăng Long đến nay. Những giá trị hiện diện của khu vực Hồ Tây, từ sự đa dạng về thiên nhiên, sinh thái, đến những giá trị cảnh quan nhân tạo, cảnh quan đô thị, đều cho thấy đây là khu vực xứng đáng được xem xét là Danh thắng quốc gia. Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, việc cần làm hiện nay là nhận diện quỹ giá trị vật thể, phi vật thể, đánh giá thực trạng bảo tồn, quản lý, xác định tiêu chí để hồ Tây sớm được vinh danh. Bên cạnh đó, TP Hà Nội cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, nâng tầm nhận thức của cộng đồng, chú trọng đầu tư xây dựng và hiệu quả quản lý.
Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hồ Tây không chỉ tạo nên cảnh quan nước và không gian xanh tuyệt vời của Thủ đô hiện đại, đáp ứng được các đòi hỏi lớn đối với không gian công cộng, mà nó còn có những di sản văn hóa - lịch sử vật thể và phi vật thể phong phú. Nếu các giá trị cảnh quan và di sản văn hóa - lịch sử của Hồ Tây được tôn tạo và khai thác thỏa đáng, thì đây sẽ là một trung tâm giải trí và du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, ông Liêm cũng cho rằng, để làm được việc đó thì trước tiên, Hồ Tây phải được xây dựng thành Danh thắng văn hóa đô thị quốc gia, rồi mới có thể hướng đến những mục tiêu khác.
“Hồ Tây hiện nay là một tài nguyên, làm thế nào để biến tài nguyên này thành tài sản, đem lại phồn vinh cho thành phố, đây là điều mà chính quyền đô thị cần tính đến” - TS Phạm Sỹ Liêm nói.
Phương Lan