Nhiều sai sót trong sách dành cho thiếu nhi liên tục được phát hiện, trong đó thậm chí có cả sách của các NXB lớn; điều này không chỉ là một tiếng chuông báo động cho khâu quản lý, phát hành sách, mà còn đáng lo ngại về ảnh hưởng xấu đến tinh thần của trẻ em.
Sách thiếu nhi cần xây dựng niềm tin với bạn đọc nhí và phụ huynh. |
Phụ huynh “nơm nớp”
Thời gian qua, Cục Xuất bản đã xử lý gần 400 vụ sai phạm trong lĩnh vực xuất bản, trong đó, đặc biệt đáng lo ngại có những ấn phẩm sách thiếu nhi sai phạm nghiêm trọng khi in hình minh họa không phù hợp, phản cảm, nhiều cuốn sai về nội dung, cốt truyện... Cụ thể, việc NXB Kim Đồng bị “tuýt còi” vì phát hành cuốn sách “Truyện cổ tích Việt Nam”, bao gồm những tác phẩm chọn lọc dành cho thiếu nhi, nhưng lại xuất hiện truyện Thạch Sanh “mới” với nhiều tình tiết bạo lực, phản cảm... Thậm chí có những cuốn sách truyện cho trẻ nhỏ của nhiều NXB có cả những cảnh hôn nhau, ăn mặc hở hang, lời nói thô thiển... đã bị dư luận lên án. Những sự việc đó đã dấy lên một sự lo ngại cho dòng sách thiếu nhi vốn đã bị sụt giảm niềm tin.
Đến các nhà sách, hiệu sách giáo dục, có thể nhận thấy các em nhỏ đi mua sách rất đông, cho thấy nhu cầu đọc ở độ tuổi này ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, không phải em nào cũng được bố mẹ đưa đi mua sách, mà phần nhiều các em tự đi mua hoặc tự đọc sách, truyện qua mạng.
Chị Đỗ Thu Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Người lớn thì có thể biết để chọn lọc sách nào nên đọc, sách nào không nhưng các em nhỏ thì hoàn toàn bị động khi tiếp nhận các thông tin trong sách. Vì thế mỗi lần đi mua sách tôi luôn phải đọc thật kỹ nội dung vì bây giờ nhiều sách, truyện bìa là của thiếu nhi nhưng bên trong toàn hình ảnh, lời nói người lớn, khiến cho chúng tôi rất lo sợ. Đến truyện cổ tích, và từ điển còn sai thì các em sẽ học tập ra sao?”.
Một chuyên gia tâm lý khẳng định, độ tuổi thiếu niên, nhi đồng là giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời vì các em đang dần tiếp nhận các kiến thức để hình thành nhân cách và tích lũy vốn sống sau này. Vì thế, nếu những gì các em tiếp nhận được từ “người thầy thứ ba” đó là sách, truyện mà lệch lạc thì rất có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến cách sống trong tương lai.
“Hiện nay, có rất nhiều cuốn sách với nội dung có thể “đầu độc” tinh thần trẻ em. Vì thế không phải cứ khuyến khích con đọc sách đã là tốt, phụ huynh cũng cần phải quan tâm xem con mình đọc sách gì, nội dung ra sao và đặc biệt là tính giáo dục của cuốn sách đó”, cô Hoàng Thùy Anh, Giáo viên trường THCS Nguyễn Khuyến khuyến cáo.
Cần siết chặt quản lýNhiều chuyên gia cho rằng, nội dung sách sai lệch, phản cảm, chất lượng sách kém ngày càng nhiều là do có một bộ phận làm sách yếu kém và tắc trách. Đội ngũ những người làm sách không nên chỉ quan tâm đến số lượng phát hành, doanh thu, mà phải quan tâm hơn nữa đến chất lượng nội dung”, một chuyên gia cho biết.
Các nhà sách, cửa hàng sách cũng cần có sự xem xét các dòng sách khi bày bán. Theo ông Nguyễn Văn Minh, trưởng phòng kinh doanh của Công ty cổ phần sách Alphabook: “Các nhà sách cũng cần phải có sự chọn lọc thật kỹ đầu vào các cuốn sách, nhất là đối với dòng sách dành cho độ tuổi thiếu nhi, khi biên tập, dịch phải có sự tham vấn của các chuyên gia tâm lý để hướng nội dung phù hợp với từng độ tuổi. Quan trọng nhất vẫn là người làm sách phải thật sự yêu sách, có tâm với sách và có trách nhiệm với độc giả. Thậm chí đôi khi phải sẵn sàng bỏ quyển sách đó đi nếu thấy “có vấn đề”.
Theo nhà văn Nguyễn Văn Học: “Các cơ quan quản lý cần siết chặt hơn nữa công tác in ấn, phát hành. Khi phát hiện có sai phạm, cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang xã hội hóa, ai cũng có thể viết được sách, làm sách cho thiếu nhi. Có như vậy thế hệ măng non mới có cơ hội tiếp xúc với những cuốn sách chất lượng”.
Qua những vụ việc vừa qua, với những kiến nghị từ độc giả, từ dư luận, nhiều NXB vi phạm đã cam kết sẽ rút kinh nghiệm và xem lại công tác kiểm duyệt nội dung tác phẩm. Cục Xuất bản đã vào cuộc và nghiêm trị những trường hợp sai phạm. Đây cũng là những hy vọng mới để có thể trả lại sự trong sáng cho sách thiếu nhi.
Tạ Nguyên