Xiếc Việt đi đầu trong hội nhập
Trải qua thời gian 7 ngày, với 24 tiết mục xiếc đến từ 6 đơn vị nghệ thuật xiếc trên toàn quốc, Cuộc thi Tài năng diễn viên Xiếc toàn quốc 2018 đã khép lại với 12 giải thưởng cho các tiết mục xuất sắc, 3 giải thưởng cho các thành phần sáng tạo gồm: Giải Tác giả xuất sắc, Giải Đạo diễn xuất sắc, và Giải Huấn luyện viên xuất sắc.
Theo NSND Lưu Văn Phúc, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Cuộc thi Tài năng diễn viên Xiếc toàn quốc 2018, nhìn vào các tiết mục chất lượng của cuộc thi lần này, có thể thấy, lực lượng những người làm nghệ thuật xiếc đã có những nỗ lực sáng tạo lớn, các tác phẩm được nâng lên rõ rệt. Điều đáng mừng hơn cả là ngành Xiếc đã có một lực lượng đạo diễn được đào tạo bài bản, mang lại sinh khí mới cho cuộc thi nói riêng và cách dàn dựng xiếc nói chung.
Không chỉ tỏa sáng trong nước, so với các loại hình sân khấu khác, xiếc Việt là một trong những loại hình nghệ thuật đi đầu trong hội nhập với thế giới, thể hiện qua hàng hàng loạt các chương trình, tiết mục được người làm nghệ thuật trong nước đánh giá cao, được mời sang nước ngoài biểu diễn dài hạn theo hợp đồng lên tới vài tháng, thậm chí là vài năm, như vở xiếc “Làng tôi”, “Sông trăng”, hay những màn trình diễn xuất sắc của 2 nghệ sỹ tài năng Quốc Cơ, Quốc Nghiệp…
Khi tham gia những cuộc thi tài năng, liên hoan xiếc quốc tế, xiếc Việt cũng liên tiếp giành giải thưởng cao, khẳng định vị thế. Có thể kể đến Liên hoan Xiếc quốc tế Cuba Circuba năm 2017, diễn ra tại thủ đô La Habana, đoàn Việt Nam với tiết mục nhào lộn trên không mang tên “Cánh chim Việt” do Ngọc Ánh và Thu Thùy (Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam) biểu diễn đã xuất sắc đoạt “Mái bạt vàng”, giải thưởng cao nhất của cuộc thi.
Cũng trong năm 2017, Liên hoan Xiếc quốc tế Golden Circus - một Liên hoan danh tiếng của châu Âu diễn ra tại thủ đô Roma (Italia), Ban tổ chức đã trao Huy chương Bạc duy nhất cho tiết mục “Tạo hình trên dây da” của 2 nghệ sĩ trẻ Văn Thái và Thu Hường (Liên đoàn Xiếc Việt Nam).
Trước đó, cũng tại liên hoan này năm 2014, tiết mục xiếc "Đu quan họ" của Liên đoàn Xiếc Việt Nam được trao Huy chương Vàng duy nhất của liên hoan. Tiết mục “Đu siêu nhân” đạt Huy chương Vàng tại Tây Ban Nha năm 2010 và Huy chương Vàng tại Liên hoan Xiếc quốc tế lần thứ 14 tại Pháp năm 2014…
NSND Nguyễn Ngọc Trúc, Chánh văn phòng Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đánh giá, nhìn vào một số tiết mục dự thi đạt chất lượng cao tại Cuộc thi Tài năng diễn viên xiếc toàn quốc 2018 cũng như các chương trình, tiết mục đã đạt giải thưởng và được dư luận quốc tế đánh giá cao thì những người làm xiếc không thiếu tài năng, nghệ sĩ xiếc đang có sự vận động, trăn trở từ việc áp dụng khai thác những tiến bộ trong khoa học, nâng được độ khó cho các kỹ năng, kỹ xảo xiếc, đồng thời cũng nghiên cứu đổi mới theo xu hướng tổng hợp hoá, dung nạp thêm các loại hình như kịch, kịch hình thể, kịch câm, ballet… để làm mới, đa dạng và phong phú hơn cho ngôn ngữ loại hình, đưa nội dung xuyên suốt vào tiết mục, tạo nên những tác phẩm xiếc hiện đại sinh động hơn, hấp dẫn hơn.
Khó tìm lực lượng kế cận
Nhìn vào danh mục thành tích ngành xiếc, có thể thấy rất tự hào, tuy nhiên, ít ai biết được, đằng sau những thành công đó là những khó khăn chồng chất của ngành xiếc, cũng như nghệ sỹ xiếc.
Một trong những khó khăn, trở ngại lớn của ngành xiếc hiện nay, là khó tìm lực lượng kế cận. TS Hoàng Minh Khánh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam cho biết, học sinh vào trường là được tuyển theo diện năng khiếu, tài năng và có những ưu đãi riêng, nhưng càng ngày càng ít học sinh đăng ký theo học. Những em nhà có điều kiện bố mẹ không cho theo học ngành này. Thiếu học sinh, nên giáo viên của nhà trường phải đi đến từng trường trung học cơ sở và trung học phổ thông ở nhiều tỉnh thành để sơ tuyển, tìm những học sinh có khả năng trở thành nghệ sĩ xiếc đưa về đào tạo, nếu không thì không đủ chỉ tiêu đào tạo mỗi năm.
Không chỉ ở khu vực phía Bắc, mà ngay các đoàn xiếc ở khu vực phía Nam, mảnh đất mà nghệ thuật biểu diễn phát triển mạnh hơn, thì việc tìm thế hệ kế cận cũng không dễ dàng. Theo NSƯT Phi Vũ, Phó Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam, lớp nghệ sỹ của Nhà hát Phương Nam hầu hết đều trên 30 tuổi. Bản thân ông dù năm nay đã ở tuổi 50, nhưng vẫn phải đứng trên sân khấu biểu diễn. Trong khi xiếc là môn nghệ thuật đòi hỏi sức trẻ, sự dẻo dai, bền bỉ của cơ thể.
Nhà hát Phương Nam cũng chủ động mở nhiều lớp đào tạo tại chỗ nhằm tìm kiếm nhân tài, nhưng không có người trẻ nào theo học, lý do chủ yếu là do nghề khó khăn, nguy hiểm, mà đãi ngộ lại thấp. “Nghệ sĩ xiếc phải luyện tập, cống hiến từ khi 9 - 10 tuổi. Phải thường xuyên luyện tập những tiết mục khó, nguy hiểm, trong khi lương nghệ sĩ xiếc trẻ chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng, sống không nổi. Nếu chẳng may gặp tai nạn thì tiền lương không đủ để bồi dưỡng”, NSƯT Phi Vũ chia sẻ.
Nghệ sĩ Bùi Anh Quân (Liên đoàn Xiếc Việt Nam) chia sẻ, anh 35 tuổi đời và có 18 năm làm nghề. Nhưng khi anh đi khám xương khớp, nhìn phim chụp bác sĩ khẳng định là của người ở tuổi 47, thoái hoá nhiều. Điều duy nhất anh mong muốn là Nhà nước có chế độ, chính sách mang tính đặc thù cho ngành xiếc. “Nhìn những nghệ sĩ anh chị không may gặp tai nạn như NSƯT Tuyết Hoàn, chúng tôi cũng không khỏi lo âu khi Nhà nước chưa có chế độ bảo hiểm nghề nghiệp mang tính đặc thù cho nghề xiếc”, nghệ sĩ Bùi Anh Quân bày tỏ.
Ngành xiếc đang bị bỏ rơi?
Không chỉ khó về nguồn nhân lực, về chế độ đãi ngộ, mà sự quan tâm của cơ quan quản lý đối với ngành xiếc dường như cũng hiếm hoi. Bằng chứng là kể từ Liên hoan xiếc toàn quốc được tổ chức tại Thừa Thiên Huế năm 2006 đến nay đã 12 năm, các nghệ sỹ xiếc trong nước mới có dịp được hội ngộ tại Cuộc thi Tài năng diễn viên xiếc toàn quốc 2018 tại Hà Nội.
NSND Vũ Ngoạn Hợp, Phó Chủ tịch Liên chi hội Xiếc Việt Nam bày tỏ, ông có cảm giác như ngành xiếc đang bị… bỏ rơi. Bởi khi còn đương nhiệm làm Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, ông đã có nhiều văn bản đề nghị các cơ quan có trách nhiệm cần tổ chức các cuộc thi, liên hoan mang tính đặc thù riêng cho xiếc, tuy nhiên xiếc vẫn chưa tổ chức được các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc thường niên hoặc định kỳ thường niên. Ông cũng đã từng xin cơ chế đào tạo tuyển nhân tài trong xã hội, nhưng không có kết quả.
PGS.TS Phạm Duy Khuê cũng chia sẻ, đã nhiều lần đặt câu hỏi về việc trao danh hiệu NSƯT, NSND cho diễn viên xiếc 14 - 15 tuổi, trả lương cho các em tương xứng với tài năng, chứ không phải đợi đến lúc có tuổi mới được xét, được tặng, được tưởng thưởng… Đấy là chưa nói đến các bệnh nghề nghiệp khác mà các nghệ sĩ “chưa già” nhưng đang phải gánh chịu. Tuy nhiên, những câu hỏi của ông đến nay vẫn chưa có câu trả lời… Được Nhà nước quan tâm, đầu tư và có những cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc thù là mong muốn của hầu hết các nghệ sỹ, những người tâm huyết và yêu nghệ thuật xiếc.
Theo NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, nghệ thuật xiếc Việt Nam bây giờ cần nhất là phải được các cấp lãnh đạo quan tâm, đề ra các chính sách đào tạo dài hơi với đặc thù của nghệ thuật xiếc như: Chính sách phát hiện tài năng nghệ thuật, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ... để đào tạo được đội ngũ diễn viên có trình độ. Đặc biệt là sự quan tâm, chăm lo khi các nghệ sỹ đang ở giai đoạn phát triển nhất, tỏa sáng nhất của nghề, đó sẽ là động lực để anh em nghệ sỹ tiếp tục cố gắng và cống hiến.