Nhiều bất cập
Lễ hội đả cầu cướp phết xã Bàn Giản (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) là lễ hội truyền thống có từ lâu đời, mang yếu tố văn hóa tâm linh, chứa đựng ý nghĩa tinh thần với người dân nơi đây.
Tuy nhiên, công tác tổ chức lễ hội còn nhiều bất cập, nên đã xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng phản cảm, bạo lực. Liên tiếp các hình ảnh lộn xộn, chen lấn, xô đẩy, thiếu chuẩn mực trong hành vi ứng xử… được báo chí đăng tải đã khiến cho lễ hội bị dư luận nhìn nhận theo chiều hướng tiêu cực. Đơn cử như lễ hội năm 2016 đã diễn ra trong không khí hỗn loạn, giẫm đạp kinh hoàng, thậm chí nhiều thanh niên dùng gậy gộc để ẩu đả nhau. Những năm trước đó, cũng đã diễn ra giẫm đạp, đổ máu tại lễ hội.
Cần tìm lại nét đẹp văn hóa cho Lễ hội đả cầu cướp phết Bàn Giản. |
Lễ hội đả cầu cướp phết được tổ chức vào ngày 7 tháng giêng hàng năm, để tưởng nhớ công lao của Tứ vị Hùng chấn trang Bàn Giản. Trang Bàn Giản từ xa xưa gọi là Làng Việt Cổ thời dựng nước Văn Lang, vùng đất này được chọn đại bản doanh “Hùng Chấn” của tứ vị tướng lĩnh con vua Hùng có nhiệm vụ canh giữ bảo vệ kinh đô Văn Lang chống giặc ngoại xâm. Các vị tướng lĩnh đã có công lớn dẹp giặc giữ yên bờ cõi “Bảo hộ quốc dân”, vun trồng cây đức, hun đúc nhân tài, dạy nhân dân trồng lúa nước, làm nương tăng gia sản xuất, luyện tập quân sỹ xây dựng quân khu. Tứ vị Hùng chấn mất đã hóa thành hồn thiêng sông núi trở thành Sơn thần, Thủy thần. Để tưởng nhớ công lao của Tứ vị Hùng chấn trang Bàn Giản, hàng năm cứ đến ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch nhân dân tổ chức Lễ hội truyền thống đả cầu cướp phết. Với ý nghĩa “Đả cầu, cướp phết là ôn lại trận chiến xưa, luyện binh, tuyển tướng, cầu phúc, cầu tài, cầu lộc đầu năm.
Lễ hội có nhiều hoạt động như: Đả cầu, cướp phết, thi giã bánh giày nhằm ôn lại chiến trận xưa, cầu phúc, cầu tài, lộc đầu xuân. Thông qua hội phết để rèn đức, luyện tài, tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, mọi người, mọi nhà an vui, hạnh phúc.
Tổ chức, nhưng phải hạn chế mặt trái
Trước thềm mùa lễ hội 2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc đã tổ chức tọa đàm, trao đổi, thống nhất công tác tổ chức, đề xuất thay đổi hình thức phù hợp đối với Lễ hội đả cầu cướp phết tại xã Bàn Giản; nhằm khắc phục yếu tố bạo lực, giữ gìn nét đẹp văn hóa của lễ hội truyền thống.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến trao đổi cũng như các đề xuất, hình thức thay đổi Lễ hội đả cầu cướp phết xã Bàn Giản; theo hướng khắc phục yếu tố bạo lực, giữ gìn nét đẹp văn hóa của lễ hội.
Cụ thể, để đảm bảo an ninh trật tự, mang lại nét đẹp văn hóa cho lễ hội truyền thống xã Bàn Giản, một số đại biểu cho rằng chỉ nên tổ chức vào các năm chẵn; cần tổ chức lễ hội trong một không gian hẹp để dễ kiểm soát trật tự an ninh; chỉ có sự tham gia của các đội, nhóm đại diện cho các thôn trong xã tranh cướp phết chứ không nên có sự tham gia tự do của tất cả người dân, du khách thập phương như trước đây. Cùng với đó, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa văn hóa, sự linh thiêng của lễ hội,…
Tiếp thu những ý kiến tại tọa đàm, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Lập Thạch khẳng định, đả cầu cướp phết là một trong những lễ hội đang được huyện chỉ đạo xây dựng kịch bản chi tiết nhằm đảm bảo chặt chẽ, đầy đủ và ổn định để tổ chức hằng năm. Trong đó, vấn đề cốt lõi được chú trọng là tìm giải pháp để hoạt động cướp phết diễn ra an toàn.
Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc nhấn mạnh: Lễ hội đả cầu cướp phết xã Bàn Giản vẫn được tổ chức hàng năm; mọi nghi lễ truyền thống vẫn được giữ nguyên, bên cạnh đó, phương án tổ chức hoạt động cướp phết nhất thiết phải thay đổi nhằm khắc phục các hiện tượng phản cảm, bạo lực. Những thay đổi về phương thức tổ chức cần được thể hiện rõ trong kịch bản tổ chức lễ hội, trong đó có sự thống nhất, đồng thuận của nhân dân, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước.