Bệnh viện sẵn sàng các tình huống
Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, với đặc thù mỗi ngày tiếp nhận từ 1.000 - 2.000 người tới khám các loại bệnh lý liên quan da liễu; việc tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế, đặc biệt nhận biết triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ và khai thác yếu tố dịch tễ của người bệnh, là rất quan trọng.
Là đơn vị chuyên khoa da liễu, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ ngay từ khi dịch chưa xâm nhập vào trong nước; hiện bệnh viện cũng đã chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở hạ tầng (phòng khám và buồng điều trị cách ly), phương tiện kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng hộ cá nhân, đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân hay các bệnh nhân khác khi có tình huống ca mắc đậu mùa khỉ xảy ra.
Trao đổi về công tác phòng chống, sàng lọc ca bệnh đậu mùa khỉ khi trong nước đã ghi nhận ca bệnh, BS. Bùi Quang Hào, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: “Ngay từ khi có chỉ đạo của Bộ Y tế về công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ, bệnh viện đã phân công cho các phòng chức năng, ban lâm sàng, cận lâm sàng, Khoa khám bệnh… tập huấn cho cán bộ y tế, kỹ thuật viên, điều dưỡng, để có thể phát hiện sớm khi có trường hợp ca bệnh đậu mùa khỉ. Bệnh viện đã triển khai tập huấn, đặc biệt cho các bác sĩ Khoa khám bệnh để khi xuất hiện bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng như: Có các bọng nước, bọng mủ trên cơ thể, nhất là với bệnh nhân có tiền sử đi về từ các vùng có dịch sẽ nhanh chóng được giám sát; với những ca chưa rõ ràng có thể cần hội chẩn với lãnh đạo bệnh viện để phối hợp các đơn vị chuyên khoa khác kịp thời xét nghiệm khẳng định chính xác ca bệnh và có biện pháp điều trị phù hợp; phòng ngừa bệnh lây lan bệnh ra cộng đồng và nhân viên y tế”.
Hiện bệnh viện đã triển khai tập huấn cho cán bộ, nhân viên về phát hiện, sàng lọc bệnh đậu mùa khỉ phát hiện triệu chứng; Bệnh viện cũng liên hệ với các cơ sở y tế đầu ngành về bệnh lý truyền nhiễm để có kế hoạch phối hợp chuyển bệnh phẩm đến các đơn vị làm xét nghiệm nhằm chẩn đoán xác định và chuyển bệnh nhân nếu là ca bệnh nặng.
Trước đó, ngay từ khi chưa có ca bệnh xâm nhập, Bộ Y tế đã có yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có các cơ sở khám bệnh phụ khoa, da liễu, HIV/AIDS và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm ca bệnh. Đồng thời các đơn vị sẵn sàng truy vết, điều tra và quản lý ca bệnh, xử lý không để bệnh lây lan cộng đồng; nhất là các trường hợp có triệu chứng, tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến giám sát, chăm sóc và điều trị, phòng chống lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Sở Y tế tỉnh, thành phố chuẩn bị sẵn sàng thu dung, phân luồng điều trị người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh kịp thời, an toàn, hiệu quả; đảm bảo phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở xét nghiệm, y tế, không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế.
Các sở y tế tổ chức diễn tập, sẵn sàng kịch bản và ứng phó trong trường hợp dịch bệnh đậu mùa khỉ xảy ra tại địa phương, không để bị động. Đồng thời, sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực và kinh phí để triển khai biện pháp thu dung, điều trị, phòng chống dịch.
Bộ cũng yêu cầu các cơ sở y tế dự phòng, cơ sở khám chữa bệnh, đơn vị tiếp nhận phải cung cấp thông tin liên lạc công khai, thuận tiện để người dân dễ dàng tiếp cận khi cần khai báo, tư vấn.
Clip BS. Bùi Quang Hào, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Da liễu Trung ương chia sẻ về công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ:
Biện pháp phòng bệnh là cắt đường lây truyền
Theo BS. Bùi Quang Hào, hiện bệnh đậu mùa khỉ được cho là lây truyền qua các đường như: Tiếp xúc trực tiếp giữa người với người, lây qua các vật dụng chứa mầm bệnh, lây từ động vật sang người. Khi đã biết các đường lây truyền của bệnh, chúng ta có thể căn cứ vào đó để có các biện pháp phòng ngừa.
Để phòng bệnh đậu mùa khỉ, cần thực hiện các biện pháp cắt đường lây truyền của bệnh như: Để tránh lây qua đường hô hấp, người dân cần đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, nên thường xuyên dùng khẩu trang, che miệng khi ho để không bắn phát tán giọt bắn ra môi trường không khí. Tránh lây qua tiếp xúc bằng cách đảm bảo tốt vệ sinh, nhất là vệ sinh tay bằng dung dịch sát khuẩn, xà phòng. Người dân ở những vùng nguy cơ cũng cần hạn chế đến nơi đông người.
Với những người có các triệu chứng nghi ngờ dù chưa biết có bị mắc đậu mùa khỉ hay không cũng nên hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh để tránh lây lan cho cộng đồng. Đặc biệt, người dân cũng nên đảm bảo dinh dưỡng thật tốt, tăng đề kháng cho cơ thể để phòng bệnh.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, người mắc đậu mùa khỉ thường có biểu hiện như: Đau đầu, sốt, phát ban trên cơ thể, xuất hiện mụn nước, bọng nước sau đó là bọng mủ… Khi có các biểu hiện như trên, người dân cần theo dõi, đến cơ sở y tế chuyên khoa khám ngay để đảm bảo được điều trị sớm nhất nếu mắc bệnh, và tránh lây lan mầm bệnh ra cộng đồng.