Với tình trạng sân bay quốc tế chính tại thủ đô Sudan đã hư hại nặng, việc sơ tán bằng đường hàng không gặp nhiều hạn chế. Do đó, một số nước đã chọn đường biển, đường bộ để sơ tán công dân.
Ngày 24/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết các phe phái đối địch ở Sudan đã đồng ý thực hiện lệnh ngừng bắn trên toàn quốc trong 72 giờ. Theo đó, Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) đã nhất trí thực hiện ngừng bắn trong 72 giờ, bắt đầu từ nửa đêm 24/4 (giờ địa phương)
Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh
Saudi Arabia là quốc gia đầu tiên thông báo sơ tán công dân ra khỏi Sudan. Nước này đã tiến hành cuộc sơ tán đầu tiên vào hôm 22/4, với tàu hải quân đón hơn 150 người. Riyadh sau đó cho biết 91 công dân Saudi Arabia và 66 công dân của 12 quốc gia khác bao gồm Qatar, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Ai Cập, Tunisia, Pakistan, Ấn Độ, Bulgaria, Bangladesh, Philippines, Canada và Burkina Faso "đã đến nơi an toàn" là Jeddah - thành phố lớn thứ hai của Saudi Arabia.
Bên cạnh đó, lực lượng hải quân của Saudi Arabia đã sơ tán các nhà ngoại giao, các quan chức quốc tế và dân thường qua Biển Đỏ từ Port Sudan đến thành phố Jeddah.
Mỹ
Mỹ cho biết lực lượng đặc nhiệm của nước này đã sử dụng trực thăng MH-47 Chinook cất cánh từ căn cứ quân sự của Mỹ tại Djibouti đến thủ đô của Sudan. Chỉ trong 1 tiếng đồng hộ, lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã giải cứu hàng chục người, đưa họ rời Khartoum.
Anh
Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 23/4 đăng lên mạng xã hội Twitter rằng lực lượng đặc nhiệm nước này đã hoàn thành “cuộc sơ tán nhanh chóng và phức tạp các nhân viên ngoại giao và gia đình họ rời Sudan”.
Tờ Guardian cho biết có 1.200 binh sĩ tham gia chiến dịch sơ tán này. Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Phát triển Liên hiệp Vương quốc Anh & Bắc Ireland (FCDO) Andrew Mitchell cho biết có khoảng 2.000 công dân Anh ở thủ đô của Sudan.
Liên minh châu Âu (EU)
Một số quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) đã phối hợp sơ tán nhân viên ngoại giao của họ. Vào ngày 24/4, người phụ trách chính sách đối ngoại của khối – ông Josep Borrell, cho biết hơn 1.000 công dân EU đã được sơ tán.
Có 21 nhà ngoại giao từ phái bộ EU ở Khartoum đã được sơ tán. Đại sứ EU Aidan O'Hara đã được đưa ra khỏi thủ đô Khartoum để đến nơi khác tại Sudan. Ông Borrel nói rằng ông O'Hara sẽ ở lại Sudan. “Vâng, ông ấy phải ở lại đó. Thuyền trưởng là người cuối cùng rời tàu”, ông Borrel nói.
Italy
Italy thông báo công dân nước này được đưa ra khỏi Sudan vào tối 23/4 cùng với một số công dân Thụy Sĩ và các nước châu Âu khác. Những công dân Italy được sơ tán đã đến thủ đô Rome vào tối 24/4 (giờ địa phương).
Đức
Lực lượng không quân Đức vào sáng 24/4 đã sơ tán 311 người bao gồm cả công dân Đức và công dân 20 quốc gia khác. Berlin cho biết có khoảng 200 công dân Đức tại Sudan.
Tây Ban Nha
Theo Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha, một máy bay quân sự chở 34 công dân nước này và hơn 70 người từ các quốc gia khác – Bồ Đào Nha, Italy, Ba Lan, Ireland, Mexico, Venezuela, Colombia và Argentina – đã rời Khartoum để đến Djibouti lúc 11 giờ tối 23/4.
Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu sơ tán công dân bằng đường bộ từ 23/4 nhưng cho biết các kế hoạch giải cứu từ một địa điểm ở Khartoum đã bị hoãn lại sau "vụ nổ" gần đó.
Jordan
Jordan cho biết 4 chiếc máy bay chở 343 người, bao gồm công dân Jordan, cư dân Palestine, Iraq, Syria và Đức đã rời Sudan. Một số quốc gia đã sử dụng căn cứ không quân ở Jordan để đưa máy bay đến Sudan.
Dưới đây là video máy bay chở người dân Jordan được sơ tán từ Sudan hạ cánh tại sân bay quân sự ở thủ đô Amman (nguồn: AFP)
Ai Cập
Ai Cập cho biết họ đã sơ tán 436 công dân ra khỏi quốc gia láng giềng Sudan. Bộ Ngoại giao Ai Cập xác nhận một nhân viên ngoại giao nước này là ông Mohamed Al-Gharawi đã bị bắn khi trên đường trở về đại sứ quán Ai Cập tại Khartoum ngày 24/4.
Tuần trước, RSF chiến đấu với quân đội Sudan đã thả hơn 200 binh sĩ Ai Cập mà lực lượng này bắt giữ. Cairo cho biết những binh sĩ này đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện được ký kết theo thỏa thuận với chính phủ Sudan trước khi xung đột nổ ra.
Ai Cập cho biết có hơn 10.000 công dân nước này tại Sudan. Nước này cũng khuyến khích các công dân ở những thành phố khác tại Sudan đến văn phòng lãnh sự quán ở Port Sudan và Wadi Halfa tại miền Bắc để sơ tán.
Yemen
Bộ Ngoại giao Yemen cho biết mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất cho việc sơ tán công dân nước này khỏi Khartoum đến Port Sudan và sau đó đến Yemen. Cơ quan này cũng ghi nhận có 1.350 công dân nước này tại Sudan muốn hồi hương.
Pháp
Từ 23/4, Pháp đã cử hai máy bay đến Khartoum sơ tán gần 500 người, bao gồm công dân Pháp và cả công dân 36 quốc gia khác. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Anne-Claire Legendre ngày 24/4 chia sẻ với kênh CNN rằng gần 500 người đã an toàn và được bảo đảm an ninh tại căn cứ không quân của Pháp tại Djibouti.
Nga
Đại sứ Nga tại Sudan chia sẻ 140 trong số khoảng 300 công dân nước này ở Sudan nói rằng họ muốn rời đi. Ông cho biết thêm khoảng 15 người, trong đó có một phụ nữ và trẻ em, bị mắc kẹt trong một nhà thờ Chính thống giáo Nga gần nơi giao tranh ác liệt ở thủ đô Khartoum.
Nigeria
Nigeria đã đề nghị một hành lang an toàn để sơ tán 5.500 công dân nước này, chủ yếu là sinh viên
Liên hợp quốc
Một đoàn xe khoảng 65 chiếc chở 700 nhân viên Liên hợp quốc, tổ chức phi chính phủ và đại sứ quán quốc tế đã rời Khartoum đến Port Sudan vào 23/4.
Trong khi đó, Ấn Độ đã gửi một tàu hải quân đến Port Sudan và hai máy bay quân sự đến Jeddah ở Saudi Arabia để chuẩn bị cho sơ tán.
Tunisia bắt đầu sơ tán công dân từ Khartoum vào 24/4. Nhật Bản xác nhận ba máy bay của nước này đã đến Djibouti để chở công dân rời Sudan.