Anh Lê Mỹ Dặm sinh ra và lớn lên ở miền quê Đức Thắng (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi). Tốt nghiệp ngành xây dựng tại một trường Cao đẳng tại Đà Nẵng, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn và việc làm không ổn định nên anh rời quê vào TP Hồ Chí Minh sinh sống và lập nghiệp hơn 7 năm nay.
Công việc chính của anh hiện nay là phụ hồ, tuy nhiên anh có niềm đam mê với cây cỏ nên thời gian rảnh rỗi anh đã tìm tòi, nghiên cứu, tìm hiểu về các loại cây và dùng những vật dụng bỏ đi để chế tác thành những loại cây mini.
Hơn 4 tháng TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội, các công trình xây dựng đang thi công phải tạm ngưng, anh rơi vào thế mất việc. Đang lúc nhàn rỗi, cộng với những nguyên vật liệu sẵn có trong nhà, anh bắt đầu thực hiện đam mê của mình.
Mấy ai ngờ rằng, chỉ với những cọng dây điện, đôi đũa hay thậm chí là móc treo đồ bị hỏng…l ại được anh Dặm sử dụng để tạo thành những loại cây thân thuộc. Những sản phẩm anh làm ra dù có kích thước nhỏ nhưng lại độc đáo, sống động đến không ngờ.
Cặm cụi sáng tạo, những sản phẩm sau khi hoàn thiện được anh Dặm chụp ảnh đăng tải lên mạng xã hội thu hút hàng ngàn người thích thú, khen ngợi và nhận được nhiều đánh giá cao về tính sáng tạo, độ tỉ mỉ.
Tìm đến căn nhà trọ ở phường Đông Hưng Thuận, Quận 12 (TP Hồ Chí Minh), nơi anh Mỹ Dặm đang thuê, ở vị trí trong góc của căn phòng, anh đang ngồi cặm cụi làm các mô hình cây giả. Anh quay ra chào chúng tôi bằng một nụ cười tươi rồi dẫn chúng tôi vào tham quan nơi anh “trồng” các loại cây đặt biệt của mình.
Mặc dù tự nhận là một người tay ngang không qua trường lớp đào tạo, chỉ tự nghiên cứu, tìm tòi thêm trên internet, tuy nhiên các sản phẩm của anh lại sống động và chỉnh chu đến không ngờ.
“Mình là người con xa xứ, hồi ức về tuổi thơ, quê hương thúc đẩy mình thực hiện ý tưởng này”, anh Mỹ Dặm tâm sự. Chắc có lẽ, những ký ức tuổi thơ đã trở thành những xúc cảm, là thứ “nguyên liệu” đặc biệt giúp những sản phẩm của anh mang cái hồn rất riêng.
Từ những loại cây đơn giản như bưởi, đu đủ, dừa, chuối đến những loại đòi hỏi độ tỉ mỉ rất cao như tre, cà phê, tiêu… đều có trong bộ sưu tập của anh Dặm.
“Từ trước đến nay, tôi cũng đã làm được 15-16 loại cây liên quan đến cây thuần Việt gắn liền với người dân quê. Cái khó nhất để làm ra một sản phẩm đó là mạch cảm xúc, đặt biệt là phải thổi được cái hồn vào trong tác phẩm của mình, có như vậy nhìn cây mới sống động được. Tùy theo từng tác phẩm, từng loại cây, nhiều chi tiết, nhiều lá, nhiều cành thì mình làm rất lâu, tầm khoảng 2 tuần, còn những cây ít chi tiết thì sẽ hoàn thành nhanh hơn”, anh Dặm cho biết.
“Mình phải là một người thực sự hiểu chi tiết về loại cây mà mình muốn làm, quan sát chi tiết để có thể tạo thành cái cây thật nhất có thể. Chẳng hạn như cây dừa, mình dùng phim nhựa để làm lá, móc treo đồ để làm lõi thân cây, ngoài cùng đắp bằng bẹ chuối khô, có thể uốn cong theo ý thích. Thông qua sản phẩm, mình muốn truyền tải thông điệp cho mọi người gắn bó với cỏ cây, với thiên nhiên hơn, đặc biệt là giới trẻ, các em thiếu nhi ở thành phố có một cái gì đó hồi ức về tuổi thơ bắt đầu từ những loại cây thân thuộc…”, anh Dặm nói.
Theo anh Dặm, những tác phẩm này giá trị về mặt tinh thần, bởi đây là những sản phẩm độc đáo được tạo nên từ bàn tay, khối óc của người có niềm đam mê.
Chia sẻ về dự định sắp tới, anh Dặm vẫn tiếp tục duy trì công việc chính là phụ hồ, thời gian rảnh rỗi buổi tối sẽ tiếp tục niềm đam mê của mình. Anh cho biết sẽ tạo thêm nhiều cây khác nữa để bổ sung vào bộ sưu tập như một cách để giải trí và thỏa mãn đam mê của mình.