Theo kênh CNN, gần 60.000 năm về trước, khi người tiền sử bắt đầu muốn khám phá bên ngoài khu vực châu Phi, một rừng bách đã mọc bên bờ sông gần Vịnh Mexico ở châu Mỹ. Khi các cây già đi, chúng lụi tàn và bị chôn vùi dưới lớp trầm tích. Mực nước biển dâng cao khiến những tàn tích trong khu rừng đó lại bị che phủ thêm một lần nữa.
Mới đây, các nhà khoa học đã có chuyến thám hiểm khu rừng này và tin rằng trong đó ẩn chứa nhiều bí mật, từ đó có thể dùng để chế thuốc và cứu mạng người.
Theo một báo cáo của Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia (NOAA) Mỹ, năm 2004, cơn bão Ivan quét qua bờ biển vùng Vịnh, làm biển dậy sóng và khiến khu rừng lộ ra khỏi lớp trầm tích.
Kể từ đó đến nay, khu rừng nằm sâu gần 20 m dưới đáy biển ngoài khơi bang Alabama của Mỹ đã được nhiều nhóm khoa học và nhà làm phim tới khám phá.
Tuy nhiên, cho đến tận tháng 12/2019, những bí ẩn dưới khu rừng cổ mới được khai quật một phần khi nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Northeastern và Đại học Utah cùng nhau tiến hành thám hiểm dưới sự tài trợ của NOAA. Họ đã mang về một thân cây và vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện một cộng đồng vi sinh vật đa dạng tồn tại trong thân cây đó.
Mặc dù khúc thân cây đó đã 60.000 năm tuổi song nó vẫn giữ được tình trạng tốt, không bị oxy hóa do được chôn vùi sâu dưới lớp trầm tích.
“Khúc thân cây này giống như những khúc gỗ bạn có thể nhặt được ngày nay. Nó vẫn còn vỏ và màu bên trong được giữ nguyên vẹn”, Brian Helmuth, Giáo sư chuyên ngành khoa học môi trường tại Đại học Northeastern – một trong những nhà khoa học tham gia lặn xuống khu rừng – nhận xét.
Tuy nhiên, điều khiến nhóm khoa học kinh ngạc hơn nữa là khi họ đem thân cây này về phòng thí nghiệm.
Trên 300 sinh vật biển được tách ra khỏi thân cây, nhưng các nhà khoa học chỉ đặc biệt tập trung vào những con hà đục gỗ - một loài động vật thân mềm đục thân.
Hà đục gỗ không còn xa lạ với những người làm khoa học. Chúng là loại động vật phổ biến và có thể dễ dàng tìm thấy dưới biển ở bất kỳ đâu có gỗ. Nhưng trong 100 chủng vi khuẩn xuất hiện trong loại hà đục gỗ kia, có rất nhiều chủng mới. Hiện nhóm khoa học đang giải trình tự DNA của 12 chủng vi khuẩn mới để đánh giá tiềm năng trong việc chế tạo thuốc điều trị.
Theo NOAA, một nghiên cứu khoa học trước đây về vi khuẩn trong hà đục gỗ đã tìm ra một loại kháng sinh có thể dùng để chữa bệnh ký sinh trùng. Chính vì vậy, các nhà khoa học cảm thấy vô cùng lạc quan về tiềm năng của những chủng vi khuẩn mới này.
“Chúng tôi đang kiểm tra tính kháng khuẩn, để phục vụ cho việc chế tạo thuốc giảm đau cũng như thuốc chống ung thư”, Margo Haygood – Giáo sư nghiên cứu hóa-y học tại Đại học Utah - cho hay.
Bên cạnh chế thuốc cứu người, các nhà khoa học cũng sẽ nghiên cứu các mẫu vi khuẩn mới để xem liệu chúng có ứng dụng trong ngành sản xuất giấy, vải, thực phẩm và nhiên liệu tái tạo hay không.