Giờ học tại lớp 12D9 của trường THPT Phan Đình Phùng. Học sinh Đoàn Thu Hiền vào vai giáo viên dạy tiếng Anh.
Xuất hiện trong tà áo dài, Thu Hiền tự tin đứng trước bạn bè, thày cô và đại diện Ban giám hiệu nhà trường dự giời; giới thiệu về giờ học bằng tiếng Anh. Nhiều học sinh tỏ ra hào hứng đáp lại “cô giáo”. Giờ tiếng Anh được tổ chức có những tương tác khá tự nhiên, sôi động thông qua những gameshow nhỏ. Không khí lớp học “nóng” dần lên bởi những điệu pha trò giữa giáo viên, học sinh hay ngược lại.
Video "một tiết làm cô giáo" của học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội):
Chia sẻ về tiết học tiếng Anh này, học sinh Ngô Trần Duy Đăng, lớp 12D9 cho biết: “Tiết học rất bổ ích. Lớp học rất sôi động, khiến chúng em hứng thú với bài giảng, truyền tải được thông điệp bài học tới học sinh. Đó là thành công của "cô giáo" Hiền”.
Học sinh Đoàn Thu Hiền chia sẻ: “Em cảm thấy rất vui vì có cơ cơ hội đứng trước bục giảng, đúng như ước mơ của em ngày bé. Đây là cơ hội hiếm có để những học sinh yêu nghề giáo như em phát triển khả năng của bản thân, toả sáng khả năng của mình. Đồng thời, là dịp chúng em trau dồi kiến thức, chuẩn bị hành trang cho tương lai”.
Tự hào về các kỹ năng, kiến thức của học sinh, cô Lã Thị Quyên, giáo viên tiếng Anh của trường nhận xét: “Dự giờ tiếng Anh do Hiền làm giáo viên tôi thấy em đã thể hiện được vai trò của nhà giáo đứng lớp. Đó là, tổ chức hoạt động khá phù hợp, hầu hết các học sinh đều được tham gia tiết học. Thúc đẩy sự giao tiếp của các bạn. Em cũng giao việc, giao bài khá hợp lý”.
Nhận định về xu thế hướng nghiệp, cô Nguyễn Thị Nhâm Huyền, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) cho biết: “Mặc dù đã được quan tâm, đầu tư song việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT vẫn còn có những hạn chế nhất định. Bên cạnh việc không định hình được sở thích, nhu cầu, năng lực của bản thân, nhiều học sinh vì áp lực của xã hội và gia đình đã không thể chọn cho mình một nghề nghiệp phù hợp. Tỷ lệ học sinh lựa chọn đầu quân vào ngành sư phạm không cao, học sinh giỏi vào ngành cũng không có nhiều, trừ những bạn thực sự yêu thích, say mê với nghiệp làm thầy”.
Cô Nhâm Huyền cho biết: “Xuất phát từ thế mạnh đặc thù của môi trường làm việc, song song với việc mở rộng giới thiệu đa dạng các ngành nghề đã dành sự quan tâm đầu tư sâu sắc hơn trong hướng nghiệp nghề sư phạm cho học sinh. Một trong những hoạt động nổi bật nhằm hiện thực hóa mục tiêu này là tổ chức cuộc thi “Một giờ làm thầy cô” dành cho đối tượng học sinh lớp 12. “Một giờ làm thầy cô” không chỉ là dịp để học sinh trong trường thể hiện tình cảm, lòng biết ơn và tri ân đối với thầy cô giáo mà mình yêu quý, trân trọng mà còn là sự cụ thể hóa nhiệm vụ đổi mới phương pháp hướng nghiệp trong chương trình năm học của nhà trường".
Bằng cách tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế về nghề nghiệp, Trường THPT Phan Đình Phùng giúp học sinh hiểu rõ hơn về nhiệm vụ của người thầy, khơi dậy trong học sinh niềm yêu thích đối với công việc. Đặc biệt là góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh có niềm đam mê theo học và làm việc trong ngành sư phạm. Hoạt động đã có tác động và ảnh hưởng tích cực, tạo động lực, truyền cảm hứng cho thầy cô và các bạn học sinh nhà trường.
Được biết, không chỉ có nghề giáo, Đoàn thanh niên nhà trường còn tổ chức các hoạt động hướng nghiệp với các nghề khác như nghề thiết kế thông qua những mô hình tái chế...
Dưới đây là một số hình ảnh "Một tiết thử làm giáo viên”: