Dắt là loài nhuyễn thể hai mảnh, nhỏ bằng đầu đũa, sống ở những bãi cát vùng cửa biển. Dắt được đãi lấy ruột dùng để nấu ăn. Loại dắt to, chắc, đầy sẽ được mang ra chợ bán hoặc đưa vào các nhà hàng phục vụ các thực khách đến với vùng đất biển mùa du lịch.
Hiện nay, tại Đồ Sơn, loại nhuyễn thể này còn được ngư dân khai thác, bán cho các thương lái thu mua để chế biến làm thức ăn nuôi tôm, cua tại các đầm thủy sản của ngư dân địa phương.
Con dắt được thương lái thu mua tại bờ với giá dao động khoảng 2.500 - 3.000 đồng/kg. Mặc dù giá thấp, nhưng vào mùa cao điểm, một đội ngư dân khai thác được sản lượng dắt lên đến hàng tấn để bán cho các thương lái. Theo đó, mỗi ngày, nghề cào dắt có thể mang lại thu nhập từ 300 - 500.000 đồng cho mỗi ngư dân. Chính vì thế, cào dắt trên khu vực biển gần bờ huyện Đồ Sơn là kế sinh nhai của rất nhiều ngư dân sống ven biển.
Dắt biển là loại nhuyễn thể, vỏ 2 mảnh, họ hàng với sò, ngao,… có màu trắng đục. Ngoài làm thực phẩm cho người, dắt còn được dùng làm thức ăn cho tôm, cua, cá.
Công việc của những người cào dắt tùy thuộc vào con nước. Khi thủy triều xuống thì người cào dắt bắt đầu đi khai thác. Do tập tính của dắt thường đi kiếm ăn vào buổi sáng, nên muốn bắt, người dân ven biển phải dậy từ rất sớm. Vào mùa, người cào dắt đi từ sáng sớm đến tận chiều mới trở về.
Nơi cào dắt thường là những bãi cát sát biển, có độ sâu từ 0,5 - 1m so với mặt nước biển. Dụng cụ chủ yếu để khai thác dắt là những vợt lưới dài 5 - 7m, được chế tạo chuyên biệt, có thể cào dưới nước và di chuyển một cách dễ dàng.
Người cào một tay cầm cán tre, tay còn lại tỳ vào thắt lưng đi với thế giật lùi. Trung bình cào một lượt là 15 - 20m, tính ra ngư dân phải đi khoảng trên 10km mỗi buổi và phải ngâm mình trong nước biển liên tục cả 4 - 5 tiếng đồng hồ.
Tuy nhiên, hiện rất nhiều người dân đã sử dụng thuyền máy để cào dắt, năng suất cũng vì thế cao hơn rất nhiều.
Clip ngư dân Đồ Sơn được mùa dắt:
Là người cào dắt bằng phương pháp thủ công từ sáng sớm tại khu vực bãi 1 Đồ Sơn, anh Nguyễn Trọng Đạt (45 tuổi) chia sẻ: “Tôi cào dắt cũng được chục năm rồi, sống gắn với biển nên mùa nào thức nấy. Đây là nghề theo mùa vụ nhưng cũng giúp cho gia đình tôi và nhiều bà con vùng biển có thêm thu nhập trang trải cuộc sống”.
"Nghề cào dắt và đãi dắt rất đơn giản, nhưng cũng cần sự cần cù, tỉ mỉ. Tiếp đến, công đoạn luộc dắt phải vừa chín tới để thịt dắt không bị khô, người đãi dắt phải kiên trì, khéo tay để loại bỏ vỏ, rác… ra bên ngoài. Để đãi ra 1kg ruột dắt phải cần khoảng 10kg dắt tươi cả vỏ. Ruột dắt sau khi đãi được nhập cho các quán ăn, nhà hàng, còn lại thì đi chợ bán lẻ”, anh Đạt cho biết thêm.
Không quá sang như những loại hải sản khác, nhưng con dắt vẫn mang hương vị đậm đà khó quên. Ruột dắt chế biến được rất nhiều món ngon và thanh mát trong mùa hè như canh riêu dắt, cháo dắt, dắt xào bầu, dắt xào hành răm xúc bánh đa...
Trong đó, món cháo dắt được người dân Đồ Sơn chia sẻ là cực thơm ngọt. Bát cháo trắng với một thìa dắt đã phi qua hành mỡ đủ se mặt, đủ thơm, thêm chút nước mắm chắt địa phương mang hương vị biển dễ làm xao xuyến những người con biển xa quê.
Mùa nào thức nấy, biển cả vẫn là mang lại nguồn sản vật của mình, giúp người dân vùng biển có thêm những bữa ăn ngon, những nguồn thu nhập không nhỏ.