Người dân 'rồng rắn' đi làm xét nghiệm COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh

Do quy định phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 mới được ra,vào tỉnh Đồng Nai và thành phố Dĩ An (Bình Dương), nên hai ngày qua, nhiều người dân ở TP Hồ Chí Minh đã “đổ xô” đến bệnh viện xếp hàng chờ đợi làm xét nghiệm COVID-19, khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh khá cao.

Sáng 6/7, ghi nhận của phóng viên Tin tức tại các Bệnh viện Quân dân y miền Đông, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (thành phố Thủ Đức)… rất nhiều người dân “rồng rắn” xếp hàng đi làm xét nghiệm COVID-19.

Chú thích ảnh
Nhiều người dân TP Hồ Chí Minh đổ xô làm xét nghiệm COVID-19. 

Theo ghi nhận, đa số người dân đi xét nghiệm là các lái xe, người chạy xe ôm, người làm việc tại TP Hồ Chí Minh, cần đi qua tỉnh Đồng Nai, Bình Dương để làm việc, giao hàng… Do số lượng người đi xét nghiệm quá đông, nhiều bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh đã xảy ra tình trạng tụ tập đông người trước cổng bệnh viện và không đảm bảo giãn cách để phòng dịch.

Chị Lê Thị Bích Hồng, ngụ ở thành phố Thủ Đức cho biết, hàng ngày chị phải đi giao hàng ở thành phố Dĩ An, vì vậy chị phải tranh thủ đi sớm đến bệnh viện Quân dân miền Đông để làm xét nghiệm COVID-19. Chị Hồng xếp hàng chờ nhận phiếu để điền các thông tin cá nhân từ 8 giờ sáng, nhưng phải tới 9 giờ 30 mới được lấy mẫu xét nghiệm. Nguyên nhân do số lượng người đến đăng ký làm xét nghiệm quá đông, phải xếp hàng chờ đến lượt.

Tương tự, anh Vũ Văn Thảo, ngụ ở phường Tăng Nhơn Phú B, thành phố Thủ Đức cho biết, trong sáng ngày 6/7 anh phải tranh thủ thời gian đi xét nghiệm để chiều tối có giấy chứng nhận, còn kịp đi giao phụ tùng xe ô tô tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

“Theo quy định, khi có giấy xác nhận âm tính tôi mới được chở hàng vào tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, tôi thấy giấy xét nghiệm này có thời hạn quá ít, chỉ dùng được trong 3 ngày.  Như vậy, cách ba ngày tôi lại mất thêm khoảng 280.000 đồng để xét nghiệm. Tính ra 1 tháng, tôi giao hàng đến tỉnh đồng Nai khoảng 10 lần như vậy sẽ mất khoảng 2,8 triệu đồng cho chi phí xét nghiệm. Điều này đang gây khó khăn cho các tài xế giao hàng như tôi, vì tiền công tôi chở hàng một tháng cho chủ chỉ khoảng 5- 6 triệu đồng”, anh Thảo bức xúc nói.

Chú thích ảnh
Do lượng người đi làm xét nghiệm COVID-19 khá đông nên khu vực giữ xe của các bệnh viện tại thành phố Thủ Đức trở nên "quá tải". 

Theo các bệnh viện tại thành phố Thủ Đức, hiện nay các bệnh viện đã bố trí một khu vực riêng để làm test nhanh, tránh tình trạng tụ tập đông người tại khu xét nghiệm trong các bệnh viện. Ngoài ra, các bệnh viện phối hợp với lực lượng địa phương để chia làn giãn cách khi đứng chờ xếp hàng vào làm xét nghiệm. Khi đến lấy giấy xét nghiệm, các bệnh viện cũng phát phiếu có ghi giờ hẹn để người dân tránh đến cùng giờ, gây mất trật tự trước cổng các bệnh viện trong mùa dịch. Tuy nhiên, do lượng người dân đến quá đông nên có thời gian, bệnh viện phải ngừng phát số để thực hiện giãn cách.

Chú thích ảnh
Mỗi người dân được phát một tờ giấy để điền các thông tin khi đi xét nghiệm. Tuy nhiên, chiều 5/7 do lượng người đến Bệnh viện Quân dân y miền Đông khá đông, nên bệnh viện đã phải ngừng phát giấy để nhắc nhở người dân đứng giãn cách phòng dịch. 

Không chỉ người dân đi vào các tỉnh Đồng Nai, thành phố Dĩ An, Bình Dương phải “rồng rắn” xếp hàng làm giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính tại các bệnh viện, nhiều người dân tại TP Hồ Chí Minh khi đi khám bệnh trong các bệnh viện tại thành phố cũng phải xét nghiệm tầm soát COVID-19 mới được vào bệnh viện khám. Như vậy, ngoài chi phí khám bệnh, người dân còn phải trả thêm chi phí 300 -700.000 đồng để làm giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính .

Chú thích ảnh
Trước khi vào làm giấy xét nghiệm, người dân được đo thân thiện và sát khuẩn tay để phòng dịch tại Bệnh viện Quân dân y miền Đông, thành phố Thủ Đức.

Chị Hồ Thị Lý, ngụ quận Bình Thạnh cho biết, hai ngày nay con trai chị bị nôn ói và đau đầu nhưng vẫn chưa đi thể đến khám bác sỹ thăm khám. Nguyên nhân do chị Lý và con trai chưa có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 nên không thể gặp bác sỹ trong bệnh viện. 

Chị Hồ Thị Lý chia sẻ: "Chiều ngày 5/7, tôi đưa con trai đi khám bệnh ở một bệnh viện khám đa khoa gần nhà. Đây cũng là Bệnh viện đa khoa tư nhân mà chị Lý thường xuyên cho con đi khám mỗi khi con bị bệnh. Tuy nhiên, lần này đến bệnh viện, bác sỹ  yêu cầu xuất trình thêm giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 thì mới tiếp nhận bệnh nhân".

Chú thích ảnh
Bệnh viện Quân dân y miền Đông đã bố trí thêm những khu vực test nhanh để giãn lượng người vào làm xét nghiệm cùng một lúc trong sáng 5/7. 

“Lo lắng cho con đang bị bệnh, tôi đã chở con đến Bệnh viện 175, quận Gò Vấp để làm giấy xét nghiệm COVID-19. Tuy nhiên, khi đến nơi tôi thấy người dân đang đứng xếp hàng rất dài chờ làm xét nghiệm COVID-19. Thậm chí, có người xếp hàng ở đây cảnh báo đã đứng chờ hơn 2 giờ đồng hồ vẫn chưa tới lượt, vì vậy tôi đành bỏ cuộc đưa con về nhà và đã ra  hiệu thuốc gần nhà mua thuốc uống tạm vài ngày. Khi nào không ổn, tôi sẽ cho con đến bệnh viện khám bệnh. Bởi tôi sợ, tình hình dịch bệnh đang phức tạp nhưng người dân xếp hàng chờ đợi ở nơi đông người sẽ khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao. Chưa kể, nếu mẹ con tôi gặp ca F0 nào đó cũng đang đi làm xét nghiệm thì không biết phải xoay xở thể nào”, chị Hồ Thị Lý than thở.

Chú thích ảnh
Mỗi người dân đi làm xét nghiệm test COVID-19 sẽ bỏ ra khoảng 280 -700.000 đồng/lần.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng Khoa Nhiễm, thành viên thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của Bệnh viện Nhi Đồng 1, nếu nói xét nghiệm âm tính rồi đi lại đâu đó vài ngày là an toàn cho nơi họ đến là không chính xác. Về lý thuyết, nếu xét nghiệm đúng âm tính thì chỉ từ khi xét nghiệm trở về trước là không lây, còn ngay sau đó vẫn có thể chuyển sang dương tính bất cứ lúc nào. Ngoài ra, thời hạn giấy xét nghiệm có nơi 3 ngày, có nơi 7 ngày, nhưng theo quy định của nhà quản lý, cao nhất 2 ngày cũng chỉ cho kết quả là an tâm chứ. Để đảm bảo công tác phòng dịch không phải là giấy xét nghiệm âm tính, mà  trong suốt quá trình đi lại, giao hàng giữa các tỉnh, thành, người dân cần phải thực hiện nghiêm việc 5K và đặc biệt khi giao hàng cũng phải đảm bảo an toàn khi tiếp xúc.

Chú thích ảnh
Việc người dân tự đi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 sẽ làm giảm áp lực cho việc lấy mẫu cộng đồng. Tuy nhiên, người dân cần tuân thủ các quy định phòng dịch. 

 

Bài, ảnh, clip: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh lên kịch bản ứng phó với tình huống có 500 trường hợp mắc bệnh nặng
TP Hồ Chí Minh lên kịch bản ứng phó với tình huống có 500 trường hợp mắc bệnh nặng

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca dương tính ngày càng tăng, tương ứng số trường hợp nặng cần hồi sức tích cực cũng tăng, cùng với kế hoạch tăng số giường điều trị theo kịch bản 10.000 - 15.000 trường hợp mắc, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch ứng phó với kịch bản có 500 trường hợp mắc COVID-19 nặng trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN