Người di cư hối hả chạy men theo đường quốc lộ sau khi trốn khỏi được trại đăng kí ở Roszke. |
Vụ ẩu đả xảy ra tại một trại đăng kí ở thành phố Roszke khi người di cư bắt đầu ném đá vào cảnh sát, nhằm phá vỡ hàng rào bảo vệ, tìm đường tràn vào Budapest. Lực lượng an ninh buộc phải dùng hơi cay để trấn áp đám đông quá khích. Đã có hơn 300 người thoát ra khỏi trại và tiến đến gần quốc lộ, đi bộ về phía thủ đô Budapest cách đó 170km, hô vang hai tiếng “Nước Đức, nước Đức”, theo sau là cảnh sát. Một số người sau khi nghe cảnh sát thuyết phục đã đồng ý về lại trung tâm tiếp nhận.
Video cảnh sát Hungary dùng hơi cay trấn áp đám đông tại trại đăng ký:
Trong khi một số nước châu Âu như Đức và Pháp bày tỏ thiện chí sẵn sàng tiếp nhận dòng người di cư thì các nước như Hungary và Séc lại phản đối đề xuất “quota bắt buộc” đối với các thành viên EU. Thủ tướng Hungary Viktor Orban cảnh báo "một khi chúng ta không thể bảo vệ biên giới châu Âu, thì dù tiếp nhận nhận bao nhiêu người đi chăng nữa cũng đều không có ý nghĩa gì”. Hungary đang dần trở thành trạm trung chuyển của hàng ngàn người di cư và tị nạn từ Trung Đông và châu Phi muốn đi về phương Bắc để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn tại các quốc gia châu Âu.
Hàng rào dây thép gai dọc biên giới Hungary - Serbia. |
Bộ trưởng quốc phòng Hungary Csaba Hende – người đã xin từ chức vào hôm thứ Hai (ngày 7/9) - báo cáo có nhiều vấn đề xảy ra quanh khu vực thiết lập hàng rào biên giới ngăn chặn người di cư. Nước này đã chặn các nhóm di cư định vượt biên, yêu cầu họ phải đăng kí trước tại biên giới theo đúng luật đã quy định của EU. Bên cạnh hàng rào dây thép gai dọc biên giới với Serbia, chính phủ Hungary cũng chi 73 triệu USD yêu cầu quân đội khẩn trương xây dựng một hàng rào cao 4m dọc tuyến biên giới dự tính sẽ hoàn thành vào cuối tháng này.
Theo nhiều phản ánh, tại các trại đăng kí được dựng tạm thời ở dọc biên giới hai nước, người tị nạn tại đây không được chăm sóc một cách chu đáo. Vỏn vẹn 1 trại đăng kí cho hàng trăm người chỉ có 4 nhà vệ sinh, không có đủ các vật dụng giữ ấm cần thiết trong cái lạnh 5 độ C, cũng như cảnh thiếu thốn lương thực thực phẩm có thể là nguyên nhân khiến người di cư tập trung tại đây mất bình tĩnh và nóng lòng muốn sang các quốc gia khác.