Những chiến sĩ áo trắng lặng thầm trong ICU

Những ngày Tết, khi người người, nhà nhà đầm ấm sum họp thì trong ICU điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, các chiến sĩ áo trắng vẫn lặng thầm chiến đấu với dịch bệnh, những ca trực dài và chưa có ngày được nghỉ ngơi.

Chú thích ảnh
Các y bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vẫn miệt mài làm việc trong dịp Tết. 

Miệt mài làm việc xuyên Tết

Chiều 30 Tết, có niềm vui bỗng nhen lên giữa những căng thẳng, áp lực ở nơi tuyến đầu dịch bệnh; đó là những người bệnh COVID-19 hồi phục kịp ra viện về đón Tết với gia đình. Các y bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tất bật lo hoàn thành thủ tục, trả đồ đạc cho bệnh nhân và cũng rưng rưng tiễn họ trở về với gia đình như mừng cho chính người thân của mình.

Phấn khởi trong chốc lát rồi họ lại vội vã trở về với công việc, với những người bệnh nặng vẫn đang nằm bất động, chờ cơ hội để chiến thắng tử thần.

“Tết với chúng tôi vẫn như ngày thường, vì ca trực vẫn thế, bệnh nhân nặng vẫn nằm đó, chúng tôi vẫn phải nỗ lực hết sức từng phút, từng giờ. Công việc trong ICU là không kể ngày, đêm; đôi khi mải mê chúng tôi cũng không nhớ ra ngoài kia đang là Tết; chỉ khi giữa ca trực, thấy bữa ăn có thêm bánh chưng, giò mới chợt nhớ ra”, BS. Ngô Thanh Hà, Phụ trách Đơn nguyên cấp cứu tầng 3, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cười hiền.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là tuyến cuối cùng của điều trị COVID-19, tất cả các bệnh nhân nặng từ các tỉnh miền Bắc đều được điều chuyển về đây, nên ở đây luôn là những ca nặng nhất, thường xuyên ghi nhận các ca tử vong.

Theo BS. Ngô Thanh Hà, riêng tại Đơn nguyên cấp cứu tầng 3, Khoa Cấp cứu luôn có khoảng 60- 70 bệnh nhân COIVD-19 nặng; đa phần bệnh nhân là những người cao tuổi, có nhiều bệnh nền. Vì vậy, khi mắc COVID-19, người bệnh đều tiến triển nặng, tổn thương phổi, suy hô hấp nặng.

Chú thích ảnh
Chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.

Theo BS. Ngô Thanh Hà, các bệnh nhân ở đây hầu hết đều phải hỗ trợ thở oxy mask, HFNC, tình trạng đáp ứng oxy kém... phải theo dõi, chăm sóc rất sát sao. Bệnh viện đã chia làm 3 ca 4 kíp; tuy nhiên số lượng bệnh nhân tăng, dồn dập cũng khiến nhân viên y tế cảm thấy kiệt sức.

Đặc biệt, những ngày gần đây, mỗi ngày riêng đơn nguyên Cấp cứu tầng 3 trung bình có khoảng 2- 3 bệnh nhân tử vong, tổng số ca tử vong ở bệnh viện dao động từ 5- 7 ca/ngày; vì vậy công việc của các y bác sĩ vốn đã rất áp lực lại xen lẫn những nỗi ám ảnh khi ngày ngày phải chứng kiến bệnh nhân tuột khỏi tay mình bất cứ lúc nào.

“Ngày Tết, nhân viên y tế chúng tôi có 2 nỗi buồn: Đó là số bệnh nhân nặng tăng lên, chúng tôi xót xa, bất lực nhìn nhiều bệnh nhân không qua khỏi; và nỗi nhớ nhung người thân khi phải xa gia đình trong mùa đoàn tụ. Nhưng nhiệm vụ của chúng tôi là vậy, chúng tôi phải nhìn vào những điều tươi sáng để cố gắng mỗi ngày, tìm niềm vui ở những ca tiến triển tốt, những bệnh nhân hồi phục, ra viện”, BS. Ngô Thanh Hà chia sẻ.

Chú thích ảnh
Các y bac sĩ vẫn tất bật với công việc trong ca trực.

Lời hứa bù đắp cho các con khi hoàn thành nhiệm vụ

Nghe thông báo có một bệnh nhân COVID-19 nguy kịch không qua khỏi, điều dưỡng Nguyễn Xuân Hưởng khẽ thở dài, anh và đồng nghiệp lại làm nhiệm vụ thay người nhà bệnh nhân hoàn tất mọi thủ tục để đưa người bệnh đi mai táng.

Tham gia chống dịch từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, điều dưỡng Nguyễn Xuân Hưởng đã trải qua đủ mọi buồn vui, nhọc nhằn của người nhân viên y tế nơi tuyến đầu. Tết năm nay với anh là một cái Tết đặc biệt khi trực tại bệnh viện, ăn Tết cùng các bệnh nhân COVID-19.

“Dù có chút buồn vì phải xa nhà nhưng nhân viên y tế chúng tôi luôn tự nhủ bệnh nhân đang cần mình, hơn ai hết mình phải cố gắng hết sức. Chúng tôi ở trong này chống dịch, người nhà cũng rất thương và sốt ruột. Vì vậy, cứ tranh thủ chút thời gian giữa ca trực, tôi lại gọi điện về nhà để bố mẹ và vợ con yên lòng, nhất là trong những ngày Tết. Mỗi lần trò chuyện xong, nhận lời động viên an ủi từ người thân, tôi cũng thấy giảm bớt quên mệt mỏi, tinh thần thoải mái hơn để tiếp tục làm việc”, điều dưỡng Nguyễn Xuân Hưởng tâm sự.

Chú thích ảnh
Là tuyến cuối điều trị COVID-19 nên các bệnh nhân vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung đều là các ca nặng, nguy kịch, áp lực rất lớn với các y bác sĩ.

Cũng bước chân vào “cuộc chiến” trong ICU từ đợt dịch thứ 4, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Thắm, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã phải gác lại những nỗi niềm riêng, để 2 con nhỏ ở nhà cho người thân chăm sóc, đi làm nhiệm vụ của người chiến sĩ áo trắng.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thắm cho biết: “Hiện tại lượng bệnh nhân nặng rất đông, ngày càng tăng, buộc các nhân viên y tế phải gồng mình làm việc, đôi khi tới 200% công suất. Ngoài công việc tiêm truyền cho bệnh nhân, chúng tôi còn phải tắm rửa, thay bỉm, vệ sinh cho người bệnh, cho bệnh nhân ăn… Với bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế còn thay vai trò là người thân của bệnh nhân ở nơi họ hoàn toàn đơn độc này. Chúng  tôi cũng cố gắng để chăm sóc bệnh nhân tốt hơn, giảm thiểu các ca bệnh tử vong, giúp bệnh nhân sớm hồi phục, nhanh chóng được ra viện và trở về với gia đình; đó cũng là niềm an ủi, bớt đi phần nào căng thẳng, áp lực”.

Những ngày cận Tết, hai con nhỏ của chị thường xuyên gọi điện hỏi thăm mẹ có được về nhà ăn Tết không, càng khiến chị thương các con nhiều hơn.

“Năm mới, mẹ không về ăn Tết với các con được, các con ở nhà hãy cố gắng, mẹ hứa sẽ bù đắp nhiều hơn cho các con khi hoàn thành nhiệm vụ. Mẹ sẽ gửi quà và lì xì về cho các con”, điều dưỡng Nguyễn Thị Thắm nghẹn ngào gửi mấy lời về động viên các con đang ở nhà ngóng mẹ Tết này.

Clip các y bác sĩ miệt mài làm việc trong ICU:

 

Bài, ảnh, clip: Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Chuyện trực Tết của những bác sĩ trong khoa Cấp cứu
Chuyện trực Tết của những bác sĩ trong khoa Cấp cứu

Trong khi mọi người sum họp bên gia đình, cùng nhau đếm ngược từng giây đón mừng năm mới thì trong khoa Cấp cứu của các bệnh viện, y bác sĩ lại phải tranh thủ từng giây để “giành lại sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN