Theo Tập đoàn Trí Nam, 500 xe đạp được nhập về TP Hồ Chí Minh vào đầu tháng 11, trong đó có 8 xe phục vụ cho thuê, còn lại dự phòng.
Xe được bố trí ở 43 vị trí trên vỉa hè một số tuyến đường ở Quận 1, nằm gần các trạm dừng, nhà chờ xe buýt, công viên, điểm du lịch... để phục vụ người dân đi lại với các chặng đường ngắn. Mỗi trạm có diện tích từ 10 - 15m2, cho 10 - 20 xe đậu 2 dãy.
Xe đạp sử dụng có gắn khóa thông minh, tính năng định vị GPS, đóng hoặc mở khóa thông qua kết nối mạng 2G, 3G, 4G, Bluetooth trên di động. Người dùng cài đặt ứng dụng Mobike trên điện thoại rồi quét tìm trạm có xe ở gần, sau đó quét mã code mở khóa xe; đăng ký giá cước theo thời gian sử dụng...
Tham dự lễ và trực tiếp đạp xe để trải nghiệm, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Đạp xe đạp rất khác so với ngồi trong ô tô, ngồi trên xe máy và xe buýt vì được hít thở gió từ sông Sài Gòn và đặc biệt là được ngắm cảnh quan của TP Hồ Chí Minh”.
Cũng theo ông Trần Quang Lâm, phát triển xe đạp công cộng theo hình thức xã hội hóa tạo thêm sự lựa chọn về phương thức giao thông cho người dân đi lại và du khách tham quan khu vực trung tâm thành phố, qua đó tăng cường hiệu quả sử dụng xe buýt và các phương tiện công cộng trong tương lai (MRT, BRT, vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy...) theo hướng văn minh, hiện đại, hạn chế nhu cầu sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
"Trước mắt, thành phố cho chủ đầu tư thuê mặt bằng đỗ xe đạp miễn phí, sau một năm sẽ tính lại giá thuê. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, nếu mô hình xe đạp công cộng này thành công sẽ nhân rộng phạm vi hoạt động ra một số quận khác", ông Trần Quang Lâm nói.