Doanh nghiệp nước ngoài tăng đầu tư vào Việt Nam

Nhằm đón đầu cơ hội và lợi thế khi Việt Nam gia nhập TPP và AEC (Cộng đồng chung Asean), hiện rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài tăng đầu tư vào nước ta. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dòng vốn này sẽ còn chảy mạnh hơn nữa khi các cam kết trên có hiệu lực.


Dồn dập các dự án

Có thể thấy, khi Việt Nam gia nhập TPP và AEC, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang nhìn Việt Nam như một cơ hội vô cùng to lớn. Không chỉ có những ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ ăn uống, du lịch mà ngay cả công nghệ cao, như Samsung, LG, Microsoft, Jabil... cũng mở rộng đầu tư vào Việt Nam với mức vốn lên tới hàng chục tỷ USD, trong đó chỉ riêng của Samsung đã lên tới trên 14 tỷ USD. Ngoài ra, các nhà bán lẻ nước ngoài như Aeon, Auchan, Metro Cash&Carry, BigC, Lotte... cũng đang “bành trướng” thị phần của mình tại Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có hơn 290 tỷ USD vốn FDI đã được cam kết đầu tư vào Việt Nam.

Việc Công ty Sapporo Việt Nam trở thành công ty 100% vốn thuộc sở hữu của Tập đoàn Sapporo Nhật Bản là để Sapporo chủ động hơn chiến lược kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Ngày 18/11 vừa qua, Tập đoàn Cargill đã công bố sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam. Cụ thể, Cargill sẽ đầu tư 30 triệu USD để xây dựng nhà máy thức ăn gia súc mới tại Bình Dương, dự kiến giữa năm 2017 sẽ đi vào hoạt động với tổng công suất 260.000 tấn/năm. Ngoài ra, Cargill còn thỏa thuận hợp tác với Cảng Quốc tế Sài Gòn Việt Nam để xây dựng trạm lưu trữ 80.000 tấn ngũ cốc và các loại hạt có dầu tại Phú Mỹ với giá trị 10 triệu USD. Ông David MacLennan, Giám đốc điều hành Cargill, cho biết: “Việt Nam là một thị trường hết sức quan trọng đối với sự tăng trưởng toàn cầu của chúng tôi. Và khi TPP được ký kết, việc kinh doanh tại Việt Nam càng thuận lợi hơn. Do đó, đầu tư những dự án mới này cũng là một trong những chiến lược kinh doanh nhằm đón đầu cơ hội”.

Mới đây nhất, vào ngày 26/11, Carlson Rezidor Hotel Group, một trong những tập đoàn khách sạn lớn thế giới, đã ký kết hợp đồng quản lý với Công ty cổ phần Đầu tư và Du Lịch Eurowindow Nha Trang để phát triển dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Radisson Blu Vịnh Cam Ranh, dự kiến mở cửa vào quý I/2019. Ông Thorsten Kirschke, Chủ tịch Carlson Rezidor Hotel Group khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chia sẻ: “Tập đoàn đã nhắm đến thị trường Việt Nam trong hơn năm qua bởi Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển khu nghỉ dưỡng, khách sạn. Trong quá trình mở rộng thị trường trong khu vực, chúng tôi mong muốn mở rộng sự hiện diện của mình đến Việt Nam”. Ông cũng cho biết, dự án Radisson Blu Vịnh Cam Ranh mới chỉ là bước khởi đầu, bởi trong những năm tới, tập đoàn này sẽ đưa hàng loạt thương hiệu khác từ tập đoàn sang đầu tư ở nhiều địa phương khác như Phú Quốc, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...

Còn HanesBrands (NYSE: HBI), tập đoàn dệt may hàng đầu của Mỹ, sau 8 năm hoạt động tại Việt Nam với 3 nhà máy đặt tại Hưng Yên và Huế, mới đây cũng đã công bố việc nâng tổng vốn đầu tư tại thị trường Việt Nam lên gần 55 triệu USD, tăng hơn 11 triệu USD so với năm 2014. Chia sẻ về kế hoạch này, ông Ajay Godbole, Giám đốc điều hành khu vực châu Á, Tập đoàn Hanesbrands cho biết đây là động thái hướng đến tương lai rộng mở khi Việt Nam gia nhập TPP.

“Trải thảm” đón dự án

Để tận dụng lợi thế khi Việt Nam gia nhập TPP, các địa phương trong nước cũng đã đưa ra nhiều cam kết mang lại thuận lợi lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thông qua việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư; nâng cao trách nhiệm của đội ngũ công chức nhà nước trong thực thi công vụ liên quan đầu tư và kinh doanh... nhằm hút dòng tiền đầu tư FDI.

Báo cáo tác động của TPP do Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR) công bố mới đây đánh giá khi Việt Nam tham gia vào TPP, đầu tư nước ngoài được dự đoán sẽ tăng khoảng 13 tỷ USD, mức tăng gần bằng tăng thu hút FDI vào Nhật Bản, gấp đôi mức tăng FDI vào Australia, Malaysia... Nguyên nhân, Việt Nam là nước có lợi thế xuất khẩu khi giá nhân công rẻ, chi phí đầu vào trung bình rẻ hơn so với nhiều nước khác, nguyên liệu nhiều ngành như nông sản, thủy sản có tại chỗ.

Điển hình như TP Hồ Chí Minh, nơi được xem là trung tâm kinh tế của cả nước, đã không ngừng hoàn thiện cơ sở hạ tầng để kêu gọi đầu tư. Nhờ vậy, số lượng dự án FDI tại TP Hồ Chí Minh luôn chiếm lớn nhất. Theo đó, chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, TP Hồ Chí Minh đã thu hút 425 triệu USD từ FDI, tăng 50% so với năm ngoái, trong đó 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp Anh quốc đầu tư nhiều nhất vào thành phố (chiếm 59% vốn FDI), theo sau là các nhà đầu tư đến từ quần đảo British Virgin (15%) và Hàn Quốc đứng thứ ba (10%). Mới đây, TP Hồ Chí Minh đã công bố kế hoạch mở 7 KCN mới với tổng diện tích khoảng 2.000 ha để đón dòng vốn FDI trong ngành dệt may, dịch vụ và các ngành chế biến thực phẩm.

Bên cạnh sự chuẩn bị của các địa phương, một số KCN cũng tăng cường phát triển các dự án hạ tầng công nghiệp và đô thị mới ở một số tỉnh, thành để đón đầu cơ hội. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Becamex IDC, cho biết giữa tháng 9 vừa qua, Becamex IDC đã cho khởi công xây dựng khu liên hợp công nghiệp và đô thị Becamex - Bình Phước với quy mô hơn 4.633 ha ở tỉnh Bình Phước nhằm đón đầu các làn sóng đầu tư nước ngoài đang gia tăng vào Việt Nam.
Bài và ảnh: Hải Yên
Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài

Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư vừa được Chính phủ ban hành, trong đó quy định tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài như về thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN