Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn “Hiệp định TPP – Cơ hội và thách thức phát triển ngành Công nghiệp Việt Nam”. Ảnh: Danh Lam - TTXVN |
Tại Diễn đàn "Hiệp định TPP - Cơ hội và thách thức phát triển ngành công nghiệp Việt Nam" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 1/3, hầu hết ý kiến đại biểu cho rằng, cần có liên kết chặt hơn để tận dụng cơ hội từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trao đổi tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, hiện nay, không chỉ riêng ngành thép, mà ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực sản xuất cơ khí, công nghiệp khác, số lượng lớn là các doanh nghiệp nhỏ lẻ, yếu về nguồn tài chính, công nghệ, cùng với đó là trình độ quản lý.
Do vậy, trong bối cảnh hội nhập vào TPP, một khu vực thị trường rộng lớn với những điều kiện rất gắt gao về xuất xứ, chất lượng…, thì bản thân các doanh nghiệp phải tự nâng cao chất lượng sản phẩm của mình, cùng với đó là gắn kết với nhau để tạo ra một tập thể mạnh, đủ sức và tầm cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, giữ vững thị trường trong nước và tiến tới đưa hàng hoá ra nước ngoài.
“Các cơ quan chức năng cũng cần đi sát sườn với doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ về phòng vệ thương mại, kiểm soát tốt các quy định về kiểm định chất lượng hàng hoá, đồng thời hỗ trợ thông tin, tiếp cận thị trường khối TPP cho doanh nghiệp”, ông Sưa nhấn mạnh.
Cũng theo Vụ Công nghiệp nặng – Bộ Công Thương, để mở rộng sản xuất và xuất khẩu, đồng thời có thể giảm thiểu tác động tiêu cực từ mở cửa thị trường và sức ép của hàng nhập khẩu, không chỉ cần sự liên kết của các doanh nghiệp, mà cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp cũng phải có sự phối hợp chặt chẽ ngay từ bây giờ.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần đánh giá tác động của TPP đối với các lĩnh vực hàng hoá, đầu tư, dịch vụ… để có cơ sở xây dựng và điều chỉnh chính sách phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng và lợi thế trong khối TPP… Đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng trong khu vực; tăng hàm lượng giá trị gia tăng bằng việc nâng cao năng lực, công nghệ, hợp tác dài hạn với các đối tác…
Về phía doanh nghiệp, cũng cần tìm hiểu sâu hơn, nắm bắt thông tin đầy đủ hơn về các hiệp định thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, để có thể tận dụng cơ hội.
Theo các chuyên gia, sự yếu kém của ngành công nghiệp Việt Nam đã được nhắc đến nhiều lần. Đơn cử như ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam, sau nhiều năm hưởng ưu đãi nhưng nhiều chỉ tiêu về tỷ lệ nội địa hóa đã không hoàn thành mục tiêu đề ra. Với lộ trình cắt giảm thuế quan, đến năm 2018, sản phẩm ô tô nhập khẩu từ các quốc gia thành viên ASEAN và ASEAN + 3 (gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) sẽ giảm xuống mức 5% và 0%, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ chịu áp lực cạnh tranh lớn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định, khi tham gia TPP, thách thức không nhỏ cho lĩnh vực công nghiệp là nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan về các hiệp định thương mại tự do; bên cạnh đó, cần củng cố, đào tạo, nâng cao trình độ và tay nghề đội ngũ nhân lực.
Về dài hạn, các doanh nghiệp trong nước cần bám sát lộ trình và các quy định về mở cửa thị trường của Hiệp định TPP nhằm xây dựng kế hoạch đầu tư, sản xuất hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tận dụng được cơ hội tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực.
Thứ trưởng nhấn mạnh, các đơn vị của Bộ Công Thương cần tổng hợp những đánh giá của chuyên gia, qua đó tham mưu, giúp nhà nước xây dựng các chính sách, pháp luật để đón đầu cơ hội trong hội nhập.