Cơ hội phát triển mạnh
Theo các chuyên gia lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), TPP sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển lĩnh vực gia công phần mềm để đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực như xuất khẩu, nhập khẩu, logistic, vận tải, thủ tục hải quan... cho đến thuế, thanh toán điện tử...
Lĩnh vực phần mềm sẽ có cơ hội phát triển khi Việt Nam tham gia TPP. |
PGS.TS Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam, cho biết Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thực thi sẽ tạo ra cơ hội cho dòng vốn đầu tư nước ngoài “chảy” vào Việt Nam, các mặt hàng từ Việt Nam xuất khẩu ra thế giới và 3,5 triệu người sẽ có việc làm, qua đó thúc đẩy tăng trưởng GDP. Việt Nam cũng sẽ có rất nhiều cơ hội trong lĩnh vực CNTT bởi TPP sẽ mở ra thị trường rộng lớn hơn cho ngành công nghệ phần mềm. Do đó, các doanh nghiệp CNTT Việt Nam cần nhanh chóng chứng tỏ năng lực để tạo ra những giá trị gia tăng hơn nữa, chứ không thể hài lòng với hiện tại.
Ông Hùng Nguyễn, Giám đốc điều hành LogiGear tại Việt Nam, cũng cho rằng TPP mở ra cho ngành công nghiệp CNTT đang phát triển của Việt Nam nhiều cơ hội, qua đó Việt Nam có thể chứng minh với thế giới khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực gia công phần mềm. Có thể thấy, một loạt nghiên cứu gần đây của các công ty nghiên cứu và tư vấn độc lập đã xếp hạng Việt Nam sẽ là một trong những điểm đến của ngành công nghiệp gia công phần mềm.
Cùng quan điểm này, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC), cho hay trong các lĩnh vực CNTT thì lĩnh vực phần mềm có nhiều cơ hội nhất. Bởi thông qua TPP, doanh nghiệp phần mềm Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường, đặc biệt khi Trung Quốc, Ấn Độ là những quốc gia Việt Nam đang cạnh tranh trực tiếp trong lĩnh vực này đã không tham gia TPP.
Hiện nay, ngành gia công phần mềm Việt Nam được đánh giá cao, nằm trong số các thị trường gia công phần mềm hàng đầu ở châu Á gồm có Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Việt Nam... Theo đánh giá của bà Yuko Adachi, đại diện cho công ty nghiên cứu thị trường Gartner, một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Bangladesh, Thái Lan... cũng có sự tăng trưởng nhanh trong ngành này. Tuy nhiên, ngành gia công phần mềm Việt Nam vẫn đang chứng tỏ khả năng cạnh tranh trong khu vực, chứng tỏ sự hấp dẫn với các khách hàng đang có nhu cầu.
Vẫn còn nhiều thách thức
Mặc dù có nhiều cơ hội, nhưng ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch HĐQT công ty FPT Software, vẫn lo ngại khi bắt đầu vào “sân chơi” TPP, bởi các doanh nghiệp phần mềm trong nước phải tuân thủ luật chơi chung trên toàn cầu và các quy định về sở hữu trí tuệ. Mặt khác, trình độ ngoại ngữ của đội ngũ kỹ sư, lập trình viên của Việt Nam chưa thực sự tốt. Môi trường đào tạo, giáo dục cũng chưa đi sát với thực tế. Ngoài ra, một trong những vấn đề nhạy cảm khiến nhiều quốc gia trên thế giới e ngại khi làm việc với Việt Nam chính là vấn đề an toàn thông tin (an ninh mạng) và bản quyền tại Việt Nam còn khá yếu.
Theo nhận định của bà Yuko, ngành gia công phần mềm Việt Nam được đánh giá là tăng trưởng tốt nhưng sự phát triển hiện vẫn không tương xứng với tiềm năng. Tuy nhiên, đáng mừng là từ năm 2014 đến nay, hợp đồng gia công phần mềm của Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng tốt. Hiện đã có nhiều công ty Việt Nam bắt đầu quan tâm hơn đến vấn đề bảo mật bằng việc sử dụng các phần mềm bản quyền. “Nếu Chính phủ chú trọng hơn nữa đến đảm bảo an ninh dữ liệu, bản quyền, nhà đầu tư vào Việt Nam sẽ yên tâm hơn khi quyết định chuyển giao các dữ liệu, thông tin quan trọng giữa các đối tác trong và ngoài nước”, bà Yuko chia sẻ.
Ông Trương Gia Bình cũng cho rằng, Việt Nam cần phải cải cách triệt để những thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn cho các doanh nghiệp. “Tôi xin lấy ví dụ, tại Thái Lan, người ta chỉ mất 3 thủ tục để thành lập doanh nghiệp thì Việt Nam là 17 thủ tục và thời gian chờ đợi được cấp phép kinh doanh tại nước ta cũng lâu hơn nhiều. Bên cạnh đó, xu hướng hiện tại là các quỹ đầu tư mạo hiểm rót rất nhiều tiền vào các công ty, cá nhân mới khởi nghiệp nhưng tại Việt Nam chưa có quy định rõ ràng, vì vậy những tổ chức này đều vắng bóng tại nước ta. Nếu không thu hút những quỹ đầu tư mạo hiểm, chúng ta sẽ không có những sản phẩm, dịch vụ tốt...”, ông Bình nói.
Trước những cơ hội và thách thức trên, bà Yuko Adachi đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường gia công phần mềm. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là chi phí và trình độ nhân công. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ giữa các nhà cung cấp, các hiệp hội CNTT và Chính phủ để giải quyết các mối quan tâm về an ninh dữ liệu.