Những năm 1950, phong trào dân quyền ngày càng lớn mạnh ở nước Mỹ đã đe dọa trực tiếp đến sự sống còn của KKK. Tòa án tối cao đã ủng hộ việc xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc trong nhà trường ở Little Rock, Arkansas, mở đầu cho quá trình kết thúc quyền lực tối thượng của người da trắng. Sự tức giận và nỗi thất vọng của những kẻ trung thành với quan điểm phân biệt chủng tộc đã nhanh chóng biến thành bạo lực.
Các thành viên KKK tấn công một người da đen tại sân ga Birmingham ngày 14/5/1961. |
Từ năm 1948 đến 1957, chỉ riêng ở Birmingham đã xảy ra 48 vụ đánh bom mà nguyên nhân chính là tư tưởng phân biệt chủng tộc. Với 350.000 dân, thành phố công nghiệp lâu đời này là thành phố lớn nhất và cũng là bất ổn nhất ở tiểu bang Alabama. Người dân da đen ở đây bị kỳ thị trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội và đặc biệt là trên thị trường lao động khi họ chỉ được làm những công việc tầm thường, trả lương thấp.
Cảnh sát trưởng Eugene "Bull" Connor, một người ủng hộ tư tưởng phân biệt chủng tộc, đã thừa nhận rằng hầu hết các vụ đánh bom ở Birmingham không được ai quan tâm giải quyết. Thực tế mà người dân thành phố thường xuyên được chứng kiến là các thành viên KKK cùng chung xe tuần tra với cảnh sát. Ngay cả những nhân viên cảnh sát mà không phải là thành viên KKK cũng không dám có phản ứng gì vì sợ rằng họ sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của các phần tử KKK cuồng tín.
Ngay cả đời sống chính trị ở Birmingham cũng bị bao phủ bởi quyền lực hắc ám của KKK. Nếu một vị quan chức nào đó không thuận theo tư tưởng phân biệt chủng tộc của KKK thì bản thân người đó hoặc gia đình của người đó sẽ bị hăm dọa theo nhiều cách. Thông thường có thể là một cuộc gọi vào lúc nửa đêm hay một lá thư nặc danh. Nếu quan chức nào vẫn cố tình không làm theo ý muốn của KKK thì nhà cửa của họ sẽ bị đốt cháy hoặc bị đánh bom.
Thống đốc bang Alabama, George Wallace, người ủng hộ tư tưởng phân biệt chủng tộc của KKK. |
Chỉ trong một tháng của năm 1957 đã có 4 nhà thờ và ít nhất 7 ngôi nhà của người da đen ở Birmingham bị đánh bom. Hầu hết các vụ tấn công này xảy ra ở khu vực Fountain Heights, nơi nhiều gia đình người da đen đang chuyển đến định cư. Vì đánh bom xảy ra thường xuyên nên Fountain Heights đã được gọi bằng một cái tên khác là “Đồi thuốc nổ”.
Những vụ khủng bố của KKK lan ra với tốc độ của dịch bệnh, bạo lực xuất hiện khắp mọi nơi ở Birmingham. Và công lý đã được thực thi như thế nào? Vào Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1957, bốn phần tử KKK đã bắt cóc và tra tấn một người giúp việc da đen. Những kẻ này sau đó đã bị bắt và bị phạt tù dài hạn. Nhưng khi George Wallace trở thành Thống đốc Alabama, ông đã trả tự do cho 4 kẻ khủng bố này mà không cần đưa ra một lời giải thích nào. Đó là công lý ở Birmingham.
Những vụ tấn công khủng bố vẫn tiếp tục diễn ra ở Birmingham vào những năm đầu 1960 trong khi làn sóng cải cách dân quyền đang lên cao. Mùa xuân năm 1963, nhà hoạt động dân quyền Martin Luther King Jr. đến Birmingham để tổ chức một phong trào phản kháng chống lại chính quyền thành phố. Những gì diễn ra ở đây đã khiến ông rơi nước mắt. Ông viết từ nhà tù của thành phố rằng “sự đối xử bất công của chính quyền thành phố với người da đen ở tòa án là một thực tế tồi tệ. Nhà thờ và nơi ở của người da đen tại Birmingham bị đánh bom nhiều hơn tại bất cứ nơi nào trên nước Mỹ”.
Với những nỗ lực của Martin Luther King, một số doanh nghiệp địa phương đã giảm bớt ưu tiên dành cho người da trắng và bắt đầu tuyển dụng lao động da đen vào những công việc tốt hơn. Nhưng trong một đêm, bom đã phát nổ cùng lúc tại một khách sạn địa phương và nhà riêng của anh trai Martin Luther King. Hàng nghìn người da đen giận dữ đổ ra đường, bạo loạn bùng phát, buộc Tổng thống Kennedy phải cử quân đội liên bang đến dẹp loạn.
Nhiều vụ đánh bom đã xảy ra sau đó. Trong tháng 8, một vài quả bom đã phát nổ ở “Đồi thuốc nổ”. Không ai thiệt mạng, nhưng một lần nữa, xung đột nhanh chóng bùng phát. Một người đàn ông da đen bị cảnh sát Birmingham bắn chết, hàng chục người khác bị thương hoặc bị bắt giữ. Cảnh sát bị ném gạch và chai lọ. Cửa hàng bị cướp phá. Các toán thanh niên da đen và da trắng lang thang trên phố, sẵn sàng trút sự tức giận và nỗi thất vọng của mình lên những người mà họ tình cờ bắt gặp. Tác giả Elizabeth H. Cobbs đã viết trong cuốn sách “Long Time Coming” rằng: “Phần lớn chúng tôi cảm thấy như bị mắc kẹt giữa hai làn đạn trong một cuộc chiến. Chiến sự lúc nào cũng lơ lửng trên đầu chúng tôi”. Làn sóng hỗn loạn này tiếp tục kéo dài đến hết mùa hè năm 1963.
Nguyễn Bình
Đón đọc kỳ 3: Vụ đánh bom tàn ác