Bombingham-Kỳ cuối: Tìm lại công lý

Chưởng lý Doug Jones.

Đến năm 1997, 34 năm sau vụ đánh bom nhà thờ Baptist, FBI và cảnh sát Birmingham thông báo mở lại cuộc điều tra do có những thông tin mới có thể đưa thủ phạm ra trước công lý. Trong nhiều tháng, một lực lượng đặc biệt đã lần theo những manh mối mới và phỏng vấn nhân chứng cũ với mục đích cuối cùng là đưa bằng chứng mới ra trước bồi thẩm đoàn. Tờ Thời báo New York số ra ngày 11/7/1997 cho biết: Trong hồ sơ của tiểu bang và liên bang đã có nhiều bằng chứng có giá trị chống lại các nghi phạm. Chỉ còn lại một việc đơn giản là buộc những kẻ phạm tội phải chịu sự trừng phạt mà chúng đã lẩn tránh suốt 34 năm qua.


Nhưng FBI vẫn không hài lòng. FBI tức giận khi bị miêu tả trên truyền thông đại chúng là kẻ cản bước. Trong một thông cáo báo chí, FBI cho biết họ có lý do hợp lệ để từ chối cung cấp thông tin cho các nhà chức trách địa phương. Trước tiên, FBI không muốn để lộ thông tin vì điều đó sẽ gây nguy hiểm cho nguồn tin - những người đã chui sâu vào KKK. Thứ hai, là sự mất niềm tin của các đặc vụ liên bang vào những kẻ ủng hộ KKK trong lực lượng cảnh sát Birmingham. Lý do này đã được chính cựu Tổng Chưởng lý Alabama, Bill Baxley, xác nhận khi ông viết trong một bài báo rằng, "họ (FBI) có lý do để không tin vào nhân viên thực thi pháp luật ở miền Nam trong những vụ án có liên quan đến phân biệt chủng tộc”.


Thomas Blanton và Bobby Frank Cherry – hai nghi phạm cuối cùng bị đưa ra xét xử.

Cuộc điều tra tiến triển rất chậm chạp. Các đặc vụ liên bang đã tìm ra và phỏng vấn Bobby Frank Cherry, lúc đó 59 tuổi và sống trong một chiếc xe moóc xiêu vẹo ở phía đông Texas. Thomas Blanton Jr. vẫn còn sống ở Birmingham và bị cảnh sát Birmingham thẩm vấn. Cả hai nghi phạm khăng khăng mình vô tội và nói họ không hề tham gia vào các vụ giết người. Nghi phạm thứ tư, Herman Frank Cash đã chết năm 1994. Các nhân chứng cũ được triệu tập một lần nữa để lấy lời khai.
Mùa xuân năm 2000, vụ án được đưa ra xét xử trước một bồi thẩm đoàn ở Birmingham. Ngày 16/5/2000, Cherry và Blanton bị bắt và bị truy tố với 8 cáo buộc giết người cấp độ một.


Chưởng lý Birmingham Doug Jones tuyên bố trước báo giới: “Đây là một bi kịch của sự phân biệt chủng tộc cực đoan. Nó đã làm nhơ bẩn thành phố Birmingham trong suốt 37 năm qua”.


Phiên tòa xử Thomas Blanton được mở tháng 4/2001. Tuy nhiên, những bằng chứng chống lại Blanton đều là gián tiếp. Không có nhân chứng hay vật chứng nào có thể khẳng định Blanton là một trong những kẻ đánh bom nhà thờ Baptist. Hơn nữa, hiện trường vụ án cũng không cung cấp cho các nhà điều tra nhiều bằng chứng “nặng ký”. Trong một báo cáo, FBI cho biết, sau khi kiểm tra tỉ mỉ các mảnh vỡ tại hiện trường, “phòng thí nghiệm đã không thể xác định được loại chất nổ do không thu thập đủ mẫu. Không có mảnh vỡ nào của thiết bị hẹn giờ, kíp nổ hoặc ngòi nổ được tìm thấy”. Bên công tố cũng không thể xác định thuốc nổ đã được mua như thế nào, mang đến nhà thờ Baptist ra sao hay ai là người đã đặt bom. Sau năm, các nhân chứng cũng phai mờ dần ký ức liên quan tới vụ nổ. thậm chí một số người đã qua đời.


Tuy nhiên, năm 1964, FBI đã cấy một con chip trong căn hộ của Blanton. Khi ấy, Blanton, Chambliss và Cherry không bị cáo buộc tội đánh bom nhà thờ Baptist nhưng bị coi là nghi phạm. Nhờ đó, FBI đã ghi lại hàng chục cuộc hội thoại giữa Blanton với các thành viên của KKK khác, trong đó có những tuyên bố của Blanton có thể xem như lời nhận tội đánh bom nhà thờ Baptist.


"Tôi thích đi bắn súng. Tôi thích đi câu cá. Tôi thích đi đánh bom", Blanton đã nói như vậy với một người bạn. Có lúc Blanton buột miệng: "Tôi sẽ đặt bom nhà thờ." Trong một lần khác, Blanton kể với vợ hắn rằng "bọn anh đã lên kế hoạch đánh bom". Hay khi nói chuyện với một thành viên KKK khác về loạt vụ đánh bom ở Birmingham, Blanton đã thốt lên: "Họ sẽ không bắt tôi khi tôi đánh bom nhà thờ tiếp theo chứ?".


Luật sư biện hộ Robbins cho rằng, những lời nói trên chỉ là “câu chuyện của 2 kẻ ít học, thích chạy xe lòng vòng, uống rượu say và lắm lời”. Tuy nhiên, các công tố viên lập luận rằng, những lời nói này của Blanton có giá trị như lời thú tội.


Sau 2 giờ thảo luận, bồi thẩm đoàn dành cho Blanton 4 cáo buộc giết người cấp độ một. Hắn bị kết tội 4 án tù chung thân.


Đến lượt Bobby Frank Cherry, lúc này đã 71 tuổi. Luật sư biện hộ đề nghị tòa hoãn xử nghi phạm này với lý do ông ta bị bại não, nhưng nhiều người không tin điều đó. Thậm chí, bên công tố còn mời cả những nhà tâm lý học đến tòa để chứng nhận Cherry giả vờ bị bệnh. Tháng 1/2002, Thẩm phán James Garrett tuyên bố Cherry có đủ năng lực hành vi để ra trước tòa và thế là “bánh xe công lý lại quay”.


Phiên tòa xử Cherry bắt đầu vào tháng 5/2002 và người đại diện cho cơ quan công tố vẫn là Chưởng lý Doug Jones.


Vợ cũ của Cherry, bà Willadean Brogdon đã ra làm chứng trước tòa. Bà cho biết: "Ông ấy bảo rằng mình là người đã châm ngòi nổ". Tại phiên tòa, cháu gái của Cherry, Teresa Stacy cũng ra làm chứng chống lại ông ta khi cho biết: “Ông ta kể mình đã trợ giúp để cho nổ tung nhóm người da đen ở Birmingham”. Các nhân chứng khác cũng xác nhận, Cherry liên tục khoe khoang về vụ đánh bom nhà thờ Baptist. Những cuốn băng bí mật được FBI ghi lại năm 1964 và từng được sử dụng để kết tội Thomas Blanton, lại một lần nữa được dùng làm bằng chứng. Cuối cùng, Cherry cũng phải lãnh án tù chung thân như Blanton.


Ngồi cuối phòng xử án khi phiên tòa kết thúc là bà Sarah Collins Rudolph, 51 tuổi, người bị mất cô em gái Addie trong vụ đánh bom nhà thờ Baptist. Bà nói với báo giới: "Bây giờ, tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Chúng tôi đã chờ đợi ngày này từ rất lâu rồi".


Nguyễn Bình

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN