“Bông hồng Tôkyô” và phiên tòa thế kỷ-Kỳ 1: Một mình nơi đất khách

“Bông hồng Tôkyô” là biệt danh mà những người lính quân đồng minh ở mặt trận Thái Bình Dương đặt cho một nữ phát thanh viên Nhật Bản, người có giọng đọc quyến rũ, đầy ma lực trong chương trình Không Giờ. Nhưng ít ai biết được “Bông hồng Tôkyô” lại là một công dân Mỹ. Bà đã trở nên nổi tiếng khi bị Mỹ bắt giữ, xét xử và tống giam vì tội phản bội đất nước; trong khi đáng ra bà phải được tung hô như một anh hùng của nước Mỹ.

 

Kỳ 1: Một mình nơi đất khách

 

Iva Ikuko Toguri sinh ngày 4/7/1916 ở Los Angeles. Cha cô là một người Nhật nhập cư. Cô được truyền dạy đức tin Giám Lý, nghe chương trình phát thanh Annie mồ côi, tham gia đội nữ hướng đạo sinh địa phương, chơi cho đội quần vợt của nhà trường, dạy đàn piano và hâm mộ nam diễn viên điện ảnh Jimmy Stewart.

 

Iva Toguri thời niên thiếu.

Ngoài việc học, cô dành khá nhiều thời gian chăm sóc người mẹ bị bệnh tiểu đường. Ước mơ cháy bỏng của cô là sau này lớn lên trở thành bác sĩ. Để thực hiện ước mơ này, cô theo học Đại học California và nhận bằng cử nhân chuyên ngành động vật học vào năm 1941. Khi dì Shizu của cô lâm bệnh nặng, Iva thay mặt gia đình đến Nhật Bản để thăm hỏi. Cô khai nghề nghiệp là sinh viên y khoa - cô vẫn theo đuổi giấc mơ từ hồi còn nhỏ.


Hôm 5/7/1941, sau khi vừa tròn 25 tuổi, Iva lên đường đến Nhật Bản trên con tàu Arabia Maru mà không có hộ chiếu; Bộ Ngoại giao không cấp hộ chiếu trong một thời hạn đăng ký gấp như vậy và thay vào đó cô được cấp một giấy thông hành cho phép cô được tự do đến và rời khỏi nước Nhật. Thế nhưng, tờ giấy này chỉ có hiệu lực khi cô rời khỏi nước Mỹ, còn không có hiệu lực khi cô quay trở về. Khi cô đăng ký trở về Mỹ vào tháng 11 năm đó, người ta đã từ chối cô với lý do rằng không có bằng chứng cho thấy cô là công dân Mỹ. Cô bị mắc kẹt ở Nhật Bản khi chiến tranh nổ ra vào tháng 12.


 

Bông hồng Tôkyô trước thế chiến II.

 

Nhà chức trách địa phương coi Iva là kiều dân của nước thù địch. Họ nói cô nên đổi thành quốc tịch Nhật Bản để thuận tiện cho việc lưu lại Nhật. Cô từ chối và yêu cầu được giam giữ cùng với kiều dân các nước khác nhưng bị khước từ với lý do cô là phụ nữ; hơn nữa cô còn mang dòng máu Nhật Bản trong người. Khi nổ ra trận không kích của Không quân Mỹ vào Tôkyô do sĩ quan Doolittle chỉ huy, Iva quá sung sướng khi trông thấy máy bay Mỹ - cho dù cô phải vội vã chạy tìm nơi trú ẩn!


Thái độ ủng hộ Mỹ của cô khiến những người láng giềng cảm thấy khó chịu và phàn nàn với gia đình chú cô rất nhiều lần. Tuy nhiên, không vì thế mà cô kìm nén việc thổ lộ tình cảm của mình với nước Mỹ. Không muốn làm ảnh hưởng đến gia đình người dì, Iva xin ra ngoài thuê một phòng trọ để ở. Không có nghề nghiệp và hầu như không biết chữ tiếng Nhật nào, cô phải dạy đàn piano để lấy tiền trả cho việc học tiếng Nhật. Sau này, cô tìm được công việc đánh máy, dịch bài cho hãng thông tấn Domei. Khi làm việc ở đây, cô tình cờ trông thấy tên của gia đình mình trong danh sách những người Mỹ gốc Nhật Bản bị giam giữ ở Trung tâm Gila, bang Arizona.


 

Đại úy người Mỹ Wallace Ince.

Ở đây, cô cũng gặp người bạn thực sự đầu tiên trên đất Nhật Bản, một người gốc Bồ Đào Nha tên là Felipe d’Aquino. Anh có cùng quan điểm ủng hộ Mỹ với cô và động viên cô rất nhiều về mặt tinh thần khi cô một mình phải bươn trải nơi đất khách. Một đêm trở về nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc, Iva thấy tất cả đồ đạc của cô bị quăng ra phố và gian phòng trọ thì bị lực lượng cảnh sát mật Kempeitai của Nhật lục soát. Cô lại yêu cầu được giam giữ cùng với những người có quốc tịch của các nước đồng minh, nhưng phía Nhật trả lời rằng việc nuôi giữ cô quá tốn kém trong khi cô có thể tự kiếm sống.


Do không được ăn uống đầy đủ, Iva phải nhập viện sáu tuần bởi bị suy dinh dưỡng, bệnh nứt da và tê phù. Cô phải vay mượn tiền của Felipe và bà chủ nhà trọ để thanh toán viện phí và tìm một việc làm khác để lấy tiền trả nợ. Cô lại xin được chân đánh máy ở Đài phát thanh Tôkyô, dịch các bài viết ra tiếng Anh để phát trên đài. Mục tiêu mà đài phát thanh này hướng đến là làm giảm nhuệ khí chiến đấu của quân đồng minh ở mặt trận Thái Bình Dương. Ở đây cô gặp viên Thiếu tá người Ôxtrâylia Charles Cousens, một phóng viên nổi tiếng của Đài phát thanh Sydney bị Nhật bắt ở Xinhgapo, và các đồng nghiệp của anh là đại úy người Mỹ Wallace Ince và trung úy người Philíppin Normando Reyes, những người bị bắt trong trận đánh trên đảo Corregidor, trong vịnh Manila, Philíppin.


Iva rất vui mừng khi được gặp những người lính đã chiến đấu cho phe của cô và thương cảm cho sự đói khổ và lao lực quá mức của họ. Cô nắm lấy tay Cousens và động viên anh không được nản chí, và cô sẽ cố gắng thường xuyên gặp họ. Cảnh giác trước sự thân thiện thái quá và thái độ công khai ủng hộ Mỹ của cô, các tù binh chiến tranh nghi ngờ cô là gián điệp của Kempeitai. Nhưng vài tháng sau, khi cô bí mật mang thức ăn và thuốc chữa bệnh cho họ, những người tù dần dần cảm thấy tin tưởng cô. Khi Đài phát thanh Tôkyô yêu cầu Cousens giới thiệu một nhân vật nữ để dẫn chương trình Zero Hour (Không Giờ) với anh, anh liền đề cử Iva Toguri.


Khoảnh khắc quyết định cuộc đời cô đã đến.


Đình Vũ (tổng hợp)

 

Đón đọc kỳ 2: Đứa trẻ mồ côi của Thái Bình Dương

“Bông hồng Tôkyô” và phiên tòa thế kỷ-Kỳ 3: Truy tìm “Bông hồng Tôkyô”
“Bông hồng Tôkyô” và phiên tòa thế kỷ-Kỳ 3: Truy tìm “Bông hồng Tôkyô”

Brundidge đưa ra mức thưởng trị giá 250 USD cho bất kỳ người nào có thể giúp anh ta liên lạc với “Bông hồng Tôkyô” và 2.000 USD cho chính “Bông hồng Tôkyô” để thực hiện một buổi phỏng vấn riêng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN