Lợi dụng việc kiểm soát lơ là của nhân viên an ninh tại sân bay Aten (Hy Lạp), bốn kẻ khủng bố đã lên máy bay trót lọt. Mục tiêu của bọn chúng là khống chế những hành khách người Ixraen và Do thái làm con tin để đổi lấy 53 tên khủng bố đang bị giam giữ tại Ixraen, CHLB Đức, Pháp, Thụy Sĩ… Một cuộc đấu trí và đấu súng đầy căng thẳng đã diễn ra từ đây…
Kỳ 1: Vũ khí khủng bố lên máy bay chở khách
Chuyến bay số 139 của hãng hàng không Pháp khởi hành từ Ten Avíp đi Pari vào buổi sáng chủ nhật, ngày 27/6/1976 với một điểm dừng giữa chặng bay ở Aten. An ninh ở sân bay Aten vốn có tiếng là lỏng lẻo. Không có nhân viên an ninh nào sử dụng máy dò kim loại và những người làm nhiệm vụ kiểm tra hành lý bằng máy X quang lại thường không quan sát kỹ màn hình.
Quang cảnh sân bay quốc tế Entebbe. |
Bốn hành khách đến từ một chuyến bay chuyển tiếp từ Bahrain - một người đàn ông, một phụ nữ quốc tịch Đức và hai người Palextin - không mấy khó khăn, đã lên được máy bay cùng với những khẩu súng ngắn và lựu đạn được cất giấu kỹ lưỡng trong người và những vali hành lý. Chiếc Airbus 300 rời Aten lúc 12 giờ 20 chiều. Và những hành khách trên chuyến bay không hề biết rằng, tính mạng của họ đã rơi vào tay những kẻ khủng bố.
Sau khi cất cánh được bảy phút, người đàn ông Đức tiến về phía khoang lái của cơ trưởng, trong khi đồng bọn của hắn bắt đầu khống chế khoang hành khách. Chúng tuyên bố cướp máy bay và buộc cơ trưởng Michel Bacos chuyển hướng máy bay về phía nam.
Cơ trưởng Michel Bacos và một kẻ khủng bố. |
Việc mất liên lạc và chiếc máy bay thay đổi lịch trình bay đã báo hiệu cho chính quyền Ixraen biết rằng chiếc máy bay, với phần đa là hành khách Ixraen và người Do thái, đã bị cướp. Máy bay chuyển hướng đến Benghazi (Libi) để tiếp nhiên liệu và tiếp tục cất cánh lúc 9 giờ 30 phút tối. Một nữ hành khách giả vờ cần phải cấp cứu khẩn cấp và van xin bọn khủng bố để được xuống máy bay ở Benghazi nên thoát nạn.
Chiếc Airbus hạ cánh xuống sân bay Entebbe (Uganđa) vào lúc 3 giờ 15 phút sáng thứ hai. Trên máy bay lúc này, ngoài bốn tên không tặc còn có 243 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn. Sau đó có thêm 6 tên khủng bố nữa, vốn hoạt động ở thủ đô Môgađixu của Xômali, tham gia vào kế hoạch cướp máy bay này. Chúng mang thêm các vũ khí khác bao gồm cả súng tiểu liên AK-47 để khống chế con tin.
Lúc nửa buổi ngày thứ hai, các con tin được chuyển từ máy bay đến một nhà ga cũ kỹ đổ nát mà người ta sử dụng làm nhà kho kể từ khi nhà ga và đường băng mới được xây dựng vào đầu những năm 1970. Lúc này, có thêm rất nhiều binh lính Uganđa với súng ống lăm lăm canh gác các con tin. Người Ixraen sớm nhận thấy rằng, Tổng thống Uganđa, Idi Amin, không chỉ ủng hộ mà còn tích cực tham gia chiến dịch cướp máy bay này của những tên không tặc. Một nhóm khủng bố mới được điều đến canh giữ con tin để những tên không tặc nghỉ ngơi sau một “chiến dịch” được coi là thành công với bọn chúng.
Cho đến tận 3 giờ chiều thứ ba, những tên không tặc mới đưa ra yêu sách thông qua Đài phát thanh Uganđa. Theo đó, nếu 53 phần tử khủng bố - 40 tên trong số này khi đó đang bị Ixraen giam giữ và những tên khác bị giam ở CHLB Đức, Kênia, Pháp và Thụy Sĩ - không được thả tự do trước 2 giờ chiều thứ ba (giờ Ixraen), tất cả các con tin sẽ bị xử tử, không trừ một ai.
Ixraen đã từng đối mặt với các vụ bắt cóc con tin trước đây, và nước này thường giải cứu con tin thông qua hành động quân sự, thay vì nhượng bộ các phần tử khủng bố. Tuy nhiên, cũng có vài lần bọn khủng bố đạt được những gì chúng yêu cầu. Trong vụ cướp một máy bay dân dụng của hãng hàng không El Al năm 19, Ixraen đã thả 15 tên khủng bố để đổi lấy các con tin. Trong một lần khác, họ phải thả 50 tên khủng bố để đổi lấy hai phi công người Ixraen lái một máy bay dân dụng của hãng hàng không TWA cất cánh từ thủ đô Đamát của Xyri.
Trong khi đó, kết quả của các hành động quân sự nhằm giải cứu con tin cũng rất khác nhau. Năm 1972, bọn khủng bố cướp một máy bay dân dụng của hãng hàng không Sabena khi máy bay này hạ cánh xuống Ten Avíp, và yêu cầu thả 317 “chiến binh tự do”. Lính Ixraen cải trang thành nhân viên kỹ thuật tấn công giết chết hai tên không tặc và bắn bị thương tên thứ ba trong một cuộc đọ súng diễn ra vẻn vẹn chỉ trong 90 giây. Tất cả 101 con tin được giải thoát ngoại trừ một phụ nữ do quá hoảng loạn nên đã nhảy lên và bị bắn chết.
Trong một vụ khủng bố khác vào năm 1974, cuộc giải cứu 88 con tin, chủ yếu là trẻ em, bị các phần tử khủng bố người Palextin giam giữ tại một trường học ở thành phố Ma’alot của Ixraen lại là một thảm hoạ. Tất cả các phần tử khủng bố đều bị lực lượng biệt kích Ixraen tiêu diệt, nhưng 22 trẻ em cùng với 56 người khác đã bị thương.
Trong khi đó ở Entebbe, những con tin bị dồn vào một không gian chật hẹp ở nhà ga cũ vốn đã xuống cấp nghiêm trọng. Tổng thống Idi Amin đến đó bằng máy bay trực thăng. Ông ta nói với các con tin rằng, cuộc khủng hoảng này là lỗi của Ixraen vì đã không chấp thuận yêu sách của những tên không tặc. Amin lên làm Tổng thống Uganđa sau một cuộc đảo chính diễn ra năm 1971. Vẻ bề ngoài của ông ta khiến những ai từng gặp liên tưởng đó là một anh hề khệnh khạng. Bộ quân phục mà ông ta mang trên mình được gắn đủ mọi loại huân huy chương mà Amin tự phong cho mình. Nhưng thực tế, Amin không đơn giản như vẻ bề ngoài, mà là một con người rất nguy hiểm. Đã có hàng chục nghìn người bị giết trong các vụ thanh trừng và đàn áp do ông ta chỉ đạo. Những người Ixraen từng làm công tác huấn luyện cho các lực lượng vũ trang Uganđa trong khoảng thời gian từ năm 1963 đến 1972 biết rất rõ về ông ta. Amin tuyệt giao với người Ixraen khi họ từ chối giúp ông ta tấn công Tandania và Kênia.
Đình Vũ (tổng hợp)
Đón đọc kỳ 2: Phương án cứu mạng