Cướp biển hào hoa ở New Orleans

Cướp biển hào hoa ở New Orleans-Kỳ cuối: Nỗi đau bị ruồng bỏ

Năm 1812, chiến tranh nổ ra giữa Mỹ và Anh. Gần như ngay lập tức quân Anh xâm chiếm được các vùng lãnh thổ Illinois và Michigan. Do chưa được chuẩn bị trước, các pháo đài của Mỹ ở Michilimacinac, Detroit và Chekagou (Chicago) đã lần lượt rơi vào tay quân Anh. Tiếp theo, quân Anh chiếm thung lũng ở thượng nguồn sông Mississippi nhằm mục đích kiểm soát dòng sông đó và mặt trận phía tây. Động thái cuối cùng trong kế hoạch chiến lược này là họ sẽ chiếm nốt vùng hạ lưu con sông. Một cuộc xâm lược từ phía nam đến vịnh Mêhicô và New Orleans sắp xảy ra.


 

(Từ trái qua phải) Jean Laffite, Thống đốc bangLouisiana William C.C. Claiborne, Đại tướng Andrew Jackson.

Do lo sợ Lafitte sẽ hỗ trợ quân Anh, Thống đốc Claiborne ra lệnh bắt hắn. Lực lượng hải quân Mỹ tiến hành lùng sục hai bên bờ sông Mississippi. Đội trưởng Andrew Holmes được giao nhiệm vụ tuần tra trên các nhánh sông với hy vọng tóm cổ đám hải tặc.


Hạm đội Sư tử của Anh đã vào vịnh Mêhicô, nhằm hướng New Orleans thẳng tiến. Trong trận chiến New Orleans nổ ra sau đó, Jean Lafitte không những cung cấp lực lượng, vũ khí đạn dược cho đội quân của Tướng Andrew Jackson mà còn trực tiếp chỉ huy một cánh quân kìm chân một trung đoàn quân địch định vượt sông để hợp quân với lực lượng tấn công chủ lực.


 

 

Bức vẽ mô tả trận chiến New Orleans.

Vì hành động “anh hùng” của đám hải tặc này, Jackson sẵn sàng thực hiện lời hứa của ông là không để Lafitte và đám thuộc hạ bị cáo buộc bất kỳ tội danh nào. Ông gửi một bức thư đến Oasinhtơn ca ngợi tinh thần chiến đấu dũng cảm của chúng. Do có sự tiến cử này, Tổng thống Madison sớm ban bố lệnh tha thứ hoàn toàn cho Lafitte và tổ chức của hắn, phục hồi quyền công dân đầy đủ cho những tên cướp biển.


Đến tận năm 1815, Lafitte có thể tùy ý đi lại mà không còn phải ám ảnh về một cái giá treo cổ treo lơ lửng trên đầu, nhưng đổi lại, một số tài sản của hắn đã bị chính quyền tịch thu. Người dân hò reo bất cứ nơi nào hắn xuất hiện. Trẻ con nói với bố mẹ chúng rằng, lúc lớn lên chúng muốn trở thành “anh hùng” như Jean Lafitte. Hắn tiếp tục đến các sàn nhảy và người ta vẫn thường trông thấy các quý cô xinh đẹp ở trong vòng tay hắn.


Tuy nhiên, hắn không thể mãi sống với một cuộc sống bình lặng, xa rời sóng và gió biển, xa rời những phi vụ cướp tàu cùng những chiến lợi phẩm là vàng bạc, là vải vóc... Phần lớn đồng bọn của hắn đã trở lại Barataria và sống cuộc sống của các ngư dân kiêm hải tặc. Chỉ còn vài tên trong thành phố để hắn có thể cùng uống rượu, cùng ôn lại những kỷ niệm đã qua, nhớ lại vị mặn của biển cả và những buổi dạ tiệc cùng những cô nàng mang vẻ đẹp hoang dại mà vô cùng quyến rũ. Cái xã hội hiện đại này có vẻ như không phù hợp với Lafitte. Hắn bắt đầu cảm thấy buồn chán.


Lafitte muốn lấy lại các con tàu cùng các tài sản của hắn trước đây. Thay mặt thân chủ, luật sư Grymes đề nghị chính quyền trả lại “tài sản riêng” cho người “anh hùng” của New Orleans. Chính quyền đồng ý trả lại tài sản cho Lafitte song cũng không quên khẳng định rằng, số tài sản mà Lafitte có được là nhờ ăn cướp. Cũng từ đó, chính quyền thành phố không còn trọng dụng hắn. Lafitte cay đắng vì bị đất nước mà hắn đã từng phụng sự ruồng bỏ một cách không thương tiếc. Khi 8 trong số các con tàu của hắn bị đưa ra bán đấu giá, hắn đã phải bỏ tiền ra mua lại.


Sau vụ đòi lại tài sản đó, người dân thành phố tự hỏi: Tại sao hắn muốn lấy lại các con tàu? Tại sao hắn lại hành động như thể rất muốn quay lại biển cả? Tầng lớp thượng lưu ở New Orleans bắt đầu quay lưng lại với hắn; có thể hắn ta không hơn một tên cướp biển. Điều khiến hắn cảm thấy tổn thương nhất là nhiều người nghĩ hắn tham gia trận chiến New Orleans chỉ để lấy lại các con tàu và số tài sản cướp bóc được trước đó.


Những lời đồn đại ngày một tăng. Khi một cuộc đấu giá của chính phủ được tổ chức để bán một số đồ trang sức và vật dụng lấy từ kho hàng của hắn trên đảo Grande Terre, người ta đã phát hiện thấy một món đồ nữ trang độc đáo. Món nữ trang này là của một phụ nữ người Creole giàu có và nổi tiếng. Vài năm trước đây, bà thực hiện một chuyến sang Pháp rồi dự kiến quay trở lại Mỹ, nhưng bị mất tích sau đó. Người ta đồn rằng, chính Lafitte đã cướp chiếc tàu của người phụ nữ này và món đồ trang sức kia là chiến lợi phẩm trong vụ cướp đó. Trước những lời đồn đại này, Lafitte cảm thấy rất tức giận vì hắn chưa bao giờ động đến một con tàu thuộc về nước Mỹ! Sau đó hắn nhớ lại. Có một lần - chính lần đó! - một trong những thủ hạ của hắn đã bất tuân mệnh lệnh và đánh chìm một tàu của Mỹ. Hắn đã treo cổ kẻ hỗn láo đó để răn đe những kẻ khác. Nhưng hắn đã giấu nhẹm vụ này đi.


Rốt cục, có lẽ hắn không hơn một tên hải tặc và Barataria mới chính là mảnh đất của hắn. Năm 1817, Jean Lafitte rời khỏi New Orleans và không bao giờ trở lại mảnh đất này thêm một lần nào nữa.


Đình Vũ (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN