Từ khi còn nhỏ, Jeni Haynes đã liên tục bị chính bố ruột là Richard Haynes cưỡng bức và bạo hành. Để chống chọi với cuộc sống kinh khủng đó, bộ não của Jeni đã sử dụng một phương pháp phi thường là "tạo ra nhân cách khác" để giúp bản thân thoát khỏi nỗi đau. Cứ như vậy, suốt hành trình bị lạm dụng dai dẳng, Jeni Haynes cuối cùng đã tạo ra 2.500 nhân cách khác nhau để có thể tiếp tục sống.
Trong phiên toà mang tính bước ngoặt tháng 3/2019, Jeni đã đưa những nhân cách khác của mình ra để đối chất với người bố tàn độc, trong đó có nhân cách là bé gái 4 tuổi tên Symphony. Tính đến thời điểm đó, đây được cho là trường hợp đầu tiên ở Úc và trên thế giới, một bệnh nhân mắc chứng rối loạn đa nhân cách (MPD) đưa các nhân cách khác của mình ra hầu toà.
Cuối cùng, vào ngày 6/9, Richard Haynes (74 tuổi) đã bị toà án Sydney kết án 45 năm tù.
“Tôi không an toàn trong chính tâm trí mình”
Gia đình Haynes chuyển từ Bexley, London, Anh đến Australia vào năm 1974. Khi đó Jeni chỉ mới 4 tuổi, nhưng đã bắt đầu bị bố ruột lạm dụng. Hành vi này xảy ra gần như hàng ngày và ngày một trở nên tàn nhẫn.
Jeni từ bỏ việc tố cáo ẩn danh vì ý thức được rằng bản thân chính là nạn nhân của vụ việc, để thủ phạm thực sự phải trả giá cho tội ác của mình. “Việc lạm dụng đã được bố tôi tính toán và lên kế hoạch. Ông ta hoàn toàn thực hiện một cách có chủ ý để thoả mãn thú tính. Ông ta nghe rõ tiếng tôi khóc lóc và cầu xin, ông ta thấy hết tất thảy nỗi đau và tổn thương kinh hoàng mà ông ta gây ra cho tôi. Nhưng ngày hôm sau, ông ấy vẫn lặp lại”.
Richard Haynes thậm chí còn tẩy não con gái mình rằng hắn có khả năng đọc được suy nghĩ và đe doạ chỉ cần Jeni nghĩ đến việc kể với mẹ và 2 em thì hắn sẽ giết họ.
“Thế giới nội tâm của tôi đã hoàn toàn bị bố xâm chiếm, tôi thậm chí không thấy an toàn ngay cả trong chính đầu óc mình và không còn có thể suy xét về những chuyện đang xảy ra”.
Người bố “quỷ dữ” hạn chế các hoạt động của Jeni ở trường, cô cũng phải học cách khiến bản thân thật nhỏ bé và lặng lẽ, bởi chỉ cần có người khác để ý đến sự tồn tại của cô, Jeni sẽ bị bố trừng phạt. Việc lạm dụng kéo dài đến tận khi Jeni 11 tuổi, gia đình chuyển về Anh và bố mẹ ly hôn vào năm 1984. Nhưng cô tin rằng không có bất kỳ ai, kể cả mẹ, biết về chuỗi ngày địa ngục mà cô đã trải qua.
Những “người” đã giúp Jeni Haynes có thể tiếp tục sống
Theo các chuyên gia, tình trạng của Jeni là Rối loạn nhận dạng phân ly (DID) và là “chiến lược sinh tồn” hình thành khi một đứa trẻ bị lạm dụng trong chính ngôi nhà của mình - một môi trường vốn dĩ được cho là an toàn.
Trả lời phỏng vấn với BBC, Jeni Haynes nói rằng nhân cách đầu tiên mà cô có là một cô bé 4 tuổi tên là Symphony. Symphony dường như đã đồng hành suốt cả thời thơ ấu của cô, khi Jeni bị bố lạm dụng, Symphony cũng phải cùng chịu đựng những nỗi đau đó.
“Xin chào, tôi là Symphony. Jeni đang gặp rắc rối và tôi sẽ thay mặt để kể cho bạn nghe mọi chuyện. Giọng nói với tông cao, trong trẻo, nhẹ nhàng nhưng cũng gấp gáp vang lên. Và rồi, Symphony bắt đầu thuật lại những đau thương về “tội ác của bố” trong hồi ức từ cách đây hàng chục năm.
Ngoài Symphony, một loạt những “người” cũng đã giúp Jeni như chàng thiếu niên có phong cách giống ca sỹ Billy Idol với biệt hiệu "Muscles. Đây là một chàng trai điềm tĩnh và có khả năng che chở. Hay như Volcano (Núi lửa), một người cao và khoẻ, mặc trang phục vải da màu đen từ đầu đến chân, nhuộm tóc vàng hoặc là Linda/Maggot, một cô gái dáng người cao và mảnh khảnh, mặc mẫu váy của thập niên 50, có búi cao, lông mày sắc sảo...
Tội ác che giấu hàng thập kỷ được phơi bày
Lần đầu tiên Jeni báo cáo về vụ lạm dụng là từ 2009, nhưng phải mất 10 năm cuộc điều tra mới có kết quả và khiến Richard Haynes bị kết án. Năm 2017, Richard Haynes được áp giải từ Anh đến Australia. Trước đó, ông ta luôn miệng nói rằng những điều con gái nói là bịa đặt và vu khống.
Kể từ khi biết được sự thật, mẹ Jeni đã mạnh mẽ ủng hộ con gái theo đuổi công lý. Nhưng trong nhiều thập kỷ, cô đã phải vật lộn tìm kiếm sự giúp đỡ, bởi nhiều nhà tư vấn luật và bác sĩ tâm lý không tin tưởng câu chuyện của cô hoặc nhận thấy nó ở mức độ quá kinh khủng vượt qua khả năng của họ.
Đến tháng 3/2019, Jeni Haynes mới được phép làm chứng cho bản thân trước toà với tư cách là Symphony và 5 “người” khác. Mỗi “người” sẽ kể lại việc lạm dụng với những khía cạnh khác nhau. Phiên toà được xét xử chỉ với 1 thẩm phán, vì các luật sư cho rằng vụ án quá kinh khủng có thể gây chấn thương tâm lý với cả bồi thẩm đoàn.
Ban đầu Richard Haynes phải đối mặt với 367 cáo buộc liên quan tới cưỡng bức và tấn công tình dục. Việc có nhiều nhân cách đã giúp Jeni lưu giữ hầu hết các ký ức mà không bị mất đi vì bị tổn thương tâm lý. Vì thế, cô có thể cung cấp bằng chứng chi tiết về từng hành vi phạm tội của bố ruột trước toà.
“Ký ức của tôi, với tư cách là một người mắc chứng rối loạn đa nhân cách (MPD) vẫn còn nguyên vẹn đến tận bây giờ. Chúng chỉ bị thời gian đóng băng, nếu cần, tôi chỉ cần “rã đông” cho chúng”, Jeni nói với BBC. Như Symphony có thể hồi tưởng lại một cách chi tiết nhất có thể về tội ác của người bố trong 7 năm ở Australia, Muscles có thể đưa ra bằng chứng về việc lạm dụng thể chất và Linda có thể làm chứng việc Richard can thiệp đến các mối quan hệ của Jeni.
Các công tố viên cũng đã mời đến nhiều nhà tâm lý học và chuyên gia về Rối loạn nhận dạng phân ly (DID) để đưa ra bằng chứng và xác thực những điều Jeni nói.
Đến ngày thứ 2 của phiên toà, sau lời khai suốt 2,5 giờ đồng hồ của Symphony, Richard Haynes đã nhận 25 tội danh. Ngày 6/9/2019 ông ta bị kết án 45 năm tù nhưng do sức khoẻ yếu nên sẽ chỉ phải ngồi tù ít nhất 33 năm.
Mặc dù mang trong mình một trái tim "đầy vết xước" với những nỗi ám ảnh đeo đẳng suốt cuộc đời, Jeni Haynes vẫn cố gắng học tập để lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ ngành luật và triết học. Nhưng cô gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công việc ổn định. Hiện tại, Jeni và mẹ vẫn phải sống nhờ vào tiền trợ cấp phúc lợi.
Jeni cho biết cô và cả 2.500 nhân cách của mình “dành cả cuộc đời để sống trong sự cảnh giác và đề phòng. Chúng tôi phải che giấu sự đa dạng của mình và cố gắng nhất quán trong hành vi, thái độ, cách trò chuyện… Rất khó để quản lý được hết những giọng nói, quan điểm hay thái độ. Lẽ ra tôi không phải sống thế này, chính bố tôi đã gây ra chứng Rối loạn đa nhân cách của tôi”.
Vào thời điểm trước khi toà tuyên án, Jeni Haynes cũng bộc bạch: “Tôi rất muốn câu chuyện của mình được chia sẻ rộng rãi. Tôi mong rằng 10 năm nỗ lực đấu tranh để giành công lý cho bản thân của mình sẽ như một ngọn lửa soi đường, để những người mắc chứng Rối loạn đa nhân cách do bị lạm dụng khác cũng có thể tìm được hướng đi đúng”.