Kỳ 1: Hội Tam Hoàng - Những điều giật mình
Từ lâu nay, hai đặc khu hành chính Hồng Công và Ma Cao của Trung Quốc ngoài việc nổi tiếng thế giới về tài chính và du lịch, còn được biết đến bởi một lĩnh vực khác. Đó là thế giới ngầm của những băng đảng xã hội đen, với những kẻ chuyên đâm thuê chém mướn, bảo kê nhà hàng sòng bạc, buôn lậu ma túy và nhiều hoạt động phi pháp khác. Những băng đảng này nổi tiếng đến mức người ta đã liệt ra danh sách “Tứ đại hắc bang” ở mỗi đặc khu. Trong số những băng đảng này, có những băng hiện đang bám vòi bạch tuộc ở cả Hồng Công và Ma Cao.
Quy mô ngang quân đội Trung Quốc
Hội Tam Hoàng là một thuật ngữ được dùng để mô tả những băng nhóm xã hội đen người Hoa hoạt động ở Hồng Công, Ma Cao, Đài Loan, Trung Quốc Đại lục và những quốc gia có đông cộng đồng người Hoa sinh sống như Malaixia, Xinhgapo, Mỹ, Canađa, Ốxtrâylia, Niu Dilân, Anh… Các băng nhóm xã hội đen này được liệt vào những băng nhóm tội phạm có tổ chức lớn nhất thế giới.
Các thành viên Hội Tam Hoàng thường xăm trổ đầy người. |
Theo thống kê chưa đầy đủ, Hội Tam Hoàng có số thành viên chính thức vào khoảng 1,5 triệu người ở Trung Quốc Đại lục và khoảng 2,5 triệu thành viên trên toàn thế giới, ngang với quân số của quân đội Trung Quốc - đội quân đông nhất thế giới. Tiền thân của Hội Tam Hoàng là Thiên Địa Hội (hay còn gọi là Hồng Hoa Hội). Tổ chức này thực chất ban đầu là một phong trào “phản Thanh phục Minh” của các lực lượng nổi dậy chống lại ách cai trị của tộc người Mãn Châu thiểu số dưới thời nhà Thanh. Khi đó, người Hán coi người Mãn Châu là những kẻ xâm lược nước ngoài. Thiên Địa Hội ra đời vào những năm 1760, với mục đích lật đổ nhà Thanh và khôi phục sự cai trị của người Hán ở Trung Quốc. Do những tác động của xã hội, Thiên Địa Hội đã tách ra thành một số tổ chức nhỏ hơn. Một trong số đó là Hội Tam Hoàng.
Theo lịch sử ghi lại, nguồn gốc ra đời của Hội Tam Hoàng bắt nguồn từ các vị sư chùa Thiếu Lâm. Vào thời điểm đó, do bất mãn với triều đình nhà Thanh, các nhà sư người gốc Hán tại ngôi chùa nổi tiếng này đã tụ họp thành phong trào kháng chiến chống triều đình. Tuy nhiên, do hình thức này mang tính tự phát nên nó đã nhanh chóng bị đập tan. Tôn chỉ hoạt động của Hội Tam Hoàng thời đó hoàn toàn mang ý nghĩa tích cực. Trong thời kỳ sơ khai, Hội Tam Hoàng với 3 trụ cột hoạt động chủ yếu ở các khu vực Bắc Giang, Đông Giang và Tây Giang thuộc tỉnh Quảng Đông nên biểu tượng của hội này là huy hiệu hình tam giác. Các thành viên Hội Tam Hoàng thường xăm trổ đầy người, trong đó chủ yếu là hình thanh kiếm và Quan Vân Trường.
Con đường trở thành tội phạm
Trong cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911, triều đình nhà Thanh sụp đổ. Hội Tam Hoàng khi đó mất phương hướng hoạt động vì kẻ thù thực sự của họ không còn nữa. Bên cạnh đó, do người dân Trung Quốc đi theo chính quyền mới, nên Hội Tam Hoàng mất đi sự ủng hộ lớn lao cả về vật chất và tinh thần. Phần lớn thành viên của hội này không theo kịp xu thế phát triển mới của đất nước. Nhiều người trong số họ cho rằng gần 200 năm đấu tranh là vô nghĩa, và không những thế họ còn bị coi là những kẻ phiến loạn. Nhiều hội viên Hội Tam Hoàng trở nên suy sụp và manh động.
Một nhóm thành viên Hội Tam Hoàng Hồng Công. |
Sau khi mất đi mục tiêu hoạt động, một phần Hội Tam Hoàng đã di cư sang Đông Nam Á và nhiều nước khác, mang theo cơ cấu tổ chức của Hội. Đến đầu thế kỷ 20, Tam Hoàng trở thành một tổ chức tội phạm có tổ chức thực sự với hàng loạt hoạt động trên mọi lĩnh vực, từ buôn lậu vũ khí, mại dâm, bắt cóc, tổ chức vượt biên bất hợp pháp, đến tống tiền, làm hàng giả, cho vay nặng lãi, bảo kê sòng bạc...
Sau khi chính quyền Mao Trạch Đông quyết tâm trấn áp, hội này đã di chuyển phần lớn sang Hồng Công. Và từ đó, Hồng Công trở thành căn cứ hoạt động mạnh nhất của tổ chức tội phạm này, với khoảng 50 băng đảng lớn nhỏ, có quy mô ít nhất là 80.000 thành viên. Số liệu thống kê cho thấy, trong những năm 50 của thế kỷ trước, số thành viên Hội Tam Hoàng ở Hồng Công có thời điểm lên tới 300.000 người.
Cùng với sự phát triển của kinh tế Hồng Công, Hội Tam Hoàng cũng phát triển như vũ bão, vươn vòi bạch tuộc vào mọi lĩnh vực có thể kiếm tiền trong đời sống xã hội và vươn sang khu vực láng giềng Ma Cao. Vũ khí chủ yếu của các thành viên Hội Tam Hoàng tại Hồng Công trước đây là dao phay, hay còn gọi là "dao chặt dưa hấu". Năm 1997, Hồng Công được chính quyền Anh trao trả về Trung Quốc, Hội Tam Hoàng đã nhanh chân di chuyển địa bàn hoạt động sang những nơi khác.
Tuy nhiên, có một điều đặc biệt là mọi hoạt động của Hội Tam Hoàng đều diễn ra cực kỳ bí mật. Do vậy, có rất ít thông tin về tổ chức tội phạm này lọt được ra ngoài. Các chuyên gia nghiên cứu thuộc trường Đại học Hồng Công nói rằng, hầu hết các chi nhánh của Hội Tam Hoàng được thiết lập trong khoảng thời gian từ năm 1914 đến năm 1939 và đã có thời điểm hội này có tới 300 băng nhóm lớn nhỏ. Năm 1951, có 9 băng nhóm chính của Hội Tam Hoàng hoạt động ở Hồng Công. Các băng nhóm này phân chia địa bàn hoạt động dựa trên nhóm sắc tộc, với mỗi băng phụ trách một khu vực, và đều có tổng hành dinh riêng. Sau các vụ bạo động năm 1956, chính quyền Hồng Công áp đặt các điều luật chặt chẽ hơn, các băng nhóm thuộc Hội Tam Hoàng cũng hoạt động không còn mạnh mẽ như trước.
Hiện nay, số băng nhóm của hội này duy trì ở con số khoảng 50, trong đó có 7 băng nhóm chính vẫn thường xuyên nằm trong “tầm ngắm” của cảnh sát Hồng Công và Ma Cao, gồm Hòa Hợp Đào, Hòa Thắng Hòa, Tân Nghĩa An, Thủy Phòng, Hòa Thắng Nghĩa và 14K. Nhiều chi hội của Hội Tam Hoàng không chỉ hoạt động bí mật mà còn vươn ra ánh sáng dưới hình thức doanh nghiệp. Nhiều chi hội độc lập ở Đại lục, Ma Cao, Đài Loan và Hồng Công còn liên minh với nhau để thu lợi. Mục tiêu hàng đầu của Hội Tam Hoàng chỉ có một chữ duy nhất là... tiền. Để đạt được mục đích này, Hội Tam Hoàng đã nhúng tay vào nhiều hoạt động phi pháp và không từ mọi thủ đoạn.
Tiến Trung
Đón đọc kỳ tới: Hòa Hợp Đào - Băng nhóm "thâm niên" nhất