Phiên tòa thế kỷ xét xử O. J. Simpson-Kỳ 6: Cuộc đấu trí bắt đầu

Mở màn phiên tòa, công tố viên Marcia Clark và Chris Darden trình bày vụ án trước bồi thẩm đoàn. Họ cho rằng Simpson thực hiện vụ giết người lúc khoảng 22 giờ 15, khi hàng xóm của Nicole nghe thấy tiếng chó sủa đầu tiên. Sau đó, họ trình bày các bằng chứng chống lại Simpson.


 

Simpson (trái) và luật sư Shapiro tại phiên tòa.

 

Ngày hôm sau, đến lượt các luật sư bào chữa cho Simpson “ra tay”. Luật sư Johnnie Cochran cho rằng Simpson là một người vô tội, bị cáo buộc sai trái từ bên công tố muốn thắng vụ án bằng mọi giá. Sau khi Cochran trình bày các luận điểm phản bác lại công tố, Simpson đứng dậy, tiến tới khu vực bồi thẩm đoàn, cho họ xem hai đầu gối đầy sẹo và bị thương của mình nhằm chứng minh anh ta không đủ sức khỏe để giết bất kỳ ai.


Bên bào chữa đã thực hiện một cuộc tấn công tổng lực nhằm chứng minh thân chủ vô tội với hai vũ khí: một là quan điểm phân biệt chủng tộc của cảnh sát, hai là quy trình xử lý mẫu máu và AND của cảnh sát.


 

Bà Marcia Clark, Trưởng công tố viên.

 

Thám tử Fuhrman vẫn là mục tiêu chính mà nhóm luật sư của Simpson nhắm tới. Quan tòa đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi cho phép luật sư hỏi ông Fuhrman rằng có hay không chuyện ông dùng từ “mọi đen” cách đây 10 năm. Trong thực tế, việc cách đó 10 năm, thám tử Fuhrman có thái độ phân biệt chủng tộc hay không chẳng có nghĩa lý gì với vụ điều tra này. Ông Fuhrman đã trở thành phương tiện để nhóm luật sư giúp thân chủ của họ thoát tội. Đến mức, bố của nạn nhân Ronald Goldman, ông Fred, đã phải thốt lên trong một cuộc họp báo rằng: “Giờ đây phiên tòa lại biến thành phiên xét xử thám tử Fuhrman. Nhóm luật sư đã đưa phiên tòa đi quá xa”. Trong một lần thiếu kiềm chế, ông Fred còn bật dậy phản đối lời lẽ của luật sư Cochran, cho rằng vị luật sư này mới chính là kẻ phân biệt chủng tộc tồi tệ nhất.


Nhưng dường như luật sư của Simpson đã đạt được mục đích khi cáo buộc ông Fuhrman là một cảnh sát nguy hiểm, có xu hướng tạo thông tin giả chống lại các bị cáo người Mỹ gốc Phi.


 

Simpson thử găng tay trước tòa.

Đến lượt nhà tội phạm học Dennis Fung và trợ lý của anh bị luật sư “đưa lên thớt”. Luật sư Peter Neufeld cho rằng Fung và trợ lý đã cẩu thả khi thu gom mẫu máu tại hiện trường vụ án. Họ đã cho chiếu một đoạn băng ghi cảnh cô trợ lý tỳ một bàn tay lên đường bẩn, rồi dùng tay bẩn lau cái kẹp gắp bằng chứng, đánh rơi vài miếng gạc dính máu. Cô thừa nhận có mắc sai lầm nhưng bác bỏ cáo buộc cố tình thay đổi bằng chứng.


Nhóm luật sư còn cho rằng cảnh sát đã lấy thừa máu của Simpson ở trụ sở cảnh sát để sau đó nhỏ ra hiện trường gài bẫy anh ta.


Các công tố viên đưa ra con bài của mình là chiếc găng tay da. Theo sổ sách của cửa hàng bán găng tay, Nicole Brown mua hai đôi găng tay da ngày 20/12/1990. Mẫu găng tay này chỉ được sản xuất với số lượng hạn chế là 300 đôi và được bán ở cửa hàng bách hóa Bloomingdale ở New York từ năm 1989 đến năm 1992. Cửa hàng bán được 240 đôi và trả lại găng tay tồn cho nhà sản xuất. Đôi găng tay có đường may nổi bật và rất dễ nhận. Công tố viên trình ảnh trên báo chí và đoạn băng cho thấy Simpson đeo loại găng tay này trong chương trình truyền hình về bóng bầu dục năm 1993 và 1994.


Trước tòa, luật sư Vannatter - người có tay cùng kích thước với Simpson - đã thử một đôi găng tay giống hệt đôi ở hiện trường. Ông xỏ nó vào dễ dàng. Công tố viên Christopher Darden đã đề nghị Simpson thử ngay tại tòa. Trước ống kính máy quay, Simpson loay hoay đeo găng tay, bảo rằng nó quá chật so với mình.


Ông Richard Rubin, cựu Phó Chủ tịch hãng sản xuất găng tay Aris Gloves, giải thích rằng do hơi ẩm nên đôi găng tay đã co lại một cỡ. Cuối phiên tòa, Simpson thử một đôi khác cùng cỡ và lần này nó vừa khít. Tuy nhiên, màn thua ban đầu của công tố viên liên quan đến chiếc găng tay dường như không gỡ lại được dù Simpson đi vừa đôi găng tay.


Về dấu giày ở hiện trường, một nhân viên Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) và là chuyên gia hàng đầu về dấu giày, khẳng định đó là dấu của đôi giày hiệu Bruno Magli do Italia sản xuất, bán lẻ 160 USD/đôi và chỉ được phân phối cho 40 nhà bán lẻ ở Mỹ. Chỉ có 300 đôi cỡ 12 (cỡ giày của Simpson) được bán. Chỉ 9% dân số Mỹ đi giày cỡ 12. Simpson bảo là mình không có đôi giày này, rằng đôi giày này xấu xí khủng khiếp. Thế nhưng, ngày 26/9/1993, một bức ảnh của hãng tin AP chụp Simpson cho thấy anh ta đi một đôi giày Bruno Magli tại sân vận động Rich ở New York. Tuy nhiên, thông tin này chẳng có mấy ấn tượng với hội thẩm đoàn.


Một chuyên gia khác của FBI về tóc và sợi vải đã trình bày trước tòa về những sợi tóc tìm thấy trên áo Goldman và trong mũ lưỡi trai ở hiện trường vụ án. Theo chuyên gia, tóc trong mũ và 12 sợi tóc trên áo nạn nhân phù hợp với đặc điểm tóc của Simpson. Các sợi tóc dính trên chiếc găng tay ở khu nhà của Simpson cũng tương tự tóc của Nicole và Goldman.


Sợi vải bông đen và xanh dính trên áo sơ mi Goldman chính là sợi vải tìm thấy trên đôi tất trong phòng ngủ của Simpson. Chuyên gia này khẳng định sợi vải casơmia này được lấy ra từ chiếc mũ lưỡi trai và phù hợp với sợi vải trên đường may chiếc găng tay. Ngoài ra, sợi vải dính trên chiếc Ford Bronco cũng phù hợp với sợi vải trên chiếc găng tay tìm thấy ở gần nhà Simpson và chiếc mũ lưỡi trai. Một lần nữa, những thông tin này lại không tác động đến hội thẩm đoàn.


Vậy là quá nhiều trong số “núi bằng chứng” mà công tố viên đưa ra đã bị mất tác dụng trước hội thẩm đoàn. Nguyên nhân hoặc là vì công tố viên chuẩn bị và trình bày bằng chứng chưa kỹ càng, hoặc là vì các luật sư của Simpson quá khôn khéo trong biến báo các bằng chứng theo ý họ, gieo rắc vào đầu hội thẩm đoàn những hoài nghi hợp lý.


Quyết định của hội thẩm đoàn như thế nào trong vụ này là một phần thú vị đáng được chờ đợi.


Thùy Dương

 

Đón đọc kỳ tới: Ngày phán quyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN