Vào thời của Max Weber thì lập luận của ông về “tài lãnh đạo có sức lôi cuốn” là chấp nhập được. Tuy nhiên, xã hội học chính trị thời đó còn chưa phát triển và nếu căn cứ theo quan điểm của Weber, chúng ta bỏ qua bối cảnh xã hội trong đó cần xét đến mọi hình thức lãnh đạo. Rees làm việc này tốt hơn, dù nhiều lúc ông đã vượt xa khỏi phạm trù miêu tả đơn thuần của Weber.
Trẻ em bị đẩy ra mặt trận trong những ngày tàn của chế độ phát xít Đức. |
Tác giả Rees bàn về chiều sâu của cuộc khủng hoảng xã hội ở Đức thời Cộng hòa Weimar, sự suy đồi của tầng lớp trung lưu, hàng triệu người thất nghiệp, sự khát khao đến tuyệt vọng một tầm nhìn xa và cấp tiến. Ông viết: "Trên tất cả, cái mà Hitler mang đến cho những người ủng hộ hắn là sự cứu rỗi. Trong các bài diễn thuyết, hắn ít đề cập đến chính sách mà nói nhiều hơn về vận mệnh.
Hắn cho rằng sống vào một thời điểm quyết định của lịch sử như vậy là một đặc ân. Đảng Quốc Xã đang ở giữa một 'cuộc viễn chinh huy hoàng... sẽ trở thành một trong những sự kiện phi thường và nổi bật nhất trong lịch sử thế giới'. Hitler ngụ ý rằng con đường phía trước sẽ rất khó khăn nhưng hành trình sắp tới sẽ đem đến cho mỗi người dân Đức cơ hội tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời họ. Vì thế, Hitler cho rằng người Đức đặc biệt không chỉ vì họ là chủng tộc thượng đẳng, mà còn do họ được sinh vào thời điểm đặc biệt và có những nhiệm vụ vĩ đại ở phía trước".
Nước Đức trong tình trạng siêu lạm phát thời Cộng hòa Weimar. |
Thành công đã nuôi dưỡng cho huyền thoại về chính trị gia-vị cứu tinh này. Cuộc xâm lược thôn tính nước Áo, tái vũ trang khu vực Rhineland, phong tỏa Sudetenland, chiếm đóng Tiệp Khắc, chinh phục Ba lan, chiến tranh chớp nhoáng tại phía tây lục địa. Và một loạt thắng lợi ngoạn mục về ngoại giao và quân sự đã đập tan mọi sự chống đối của giới tướng lĩnh cựu trào cùng những thành phần khác trong bộ máy chóp bu truyền thống của Đức. Hitler dường như không thể bị đánh bại. Huyền thoại sống về cỗ máy tuyên truyền của Gobbels (Bộ trưởng Thông tin và Tuyên truyền của Đức Quốc xã) dường như đã được chứng thực.
Tác giả Rees biện luận rằng uy lực của Hitler - dựa trên mối quan hệ "có tài năng lãnh đạo phi phàm" với hàng triệu đảng viên, binh sĩ và dân thường Đức - đã đạt đến những tầm cao khiến con người này trở nên bất khả chiến bại trên chính trường, ngay cả khi cuộc chiến đổi chiều và tất cả những người có lý trí đều nhận định nước Đức sẽ thất bại. Trong bối cảnh cuối năm 1942 trở đi, khi thất bại của cuộc chiến đang cận kề, cái mà tác giả Rees gọi là "sự kết hợp giữa cơn say không tưởng và tinh thông kỹ trị" lên tới đỉnh điểm, do giới chức Quốc xã, giới hoạch định kế hoạch và bọn giết người hàng loạt bắt đầu lập nên một trật tự mới cấp tiến nhằm chiếm đóng toàn châu Âu. Lúc này, tham vọng to lớn và ghê tởm của Hitler đã bật đèn xanh cho cuộc thử nghiệm trên một quy mô khổng lổ nhằm “tạo dựng lịch sử”.
Cuộc tấn công Áo được cho là để cứu rỗi tinh thần người Đức. |
Tuy nhiên, lúc này uy tín, sức lôi cuốn quần chúng đã giảm sút. Sau những thất bại, quyền lực của Hitler ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào một nỗi sợ kép: khủng bố trong nước và kẻ thù nước ngoài. Vì thế, nhà nước chuyên chế đã tiêu diệt mọi hình thức đối lập chính trị, triệt để đến mức không còn tồn tại một lực lượng có tổ chức nào đủ khả năng thách thức chính quyền. Kết quả là chế độ Đức Quốc Xã đã sống sót tới cùng và Đế chế Đệ tam đã không đầu hàng. Thay vào đó, cả hai chế độ đã sụp đổ trên đỉnh điểm của bạo lực và man rợ đúng như ước muốn của Hitler. Và đây có lẽ là luận điểm rõ ràng nhất..
Trong hai năm rưỡi cuối cùng của cuộc chiến, gần như mọi chuyện đều đi lệch hướng: Mũi tấn công của Hồng quân Liên Xô áp sát phía đông hơn bao giờ hết, và hàng triệu lính Đức đã phải bỏ mạng trong những nỗ lực bất thành nhằm ngăn chặn người Nga. Quân Anh và Mỹ vượt qua Bắc Phi, Italia, Pháp để tiến đến biên giới Đức, tất cả các thành phố lớn của nước Đức đều bị tàn phá và hàng triệu dân thường thương vong sau các cuộc oanh kích. Lúc này, “uy tín, sức lôi cuốn quần chúng” không thể sống sót, tồn tại.
Sức hút của Hitler - một mối quan hệ xã hội, một khái niệm truyền thông, một trò ảo thuật chính trị, một sản phẩm của cuộc khủng hoảng sâu rộng trong xã hội Đức những năm 1930 - cần được đặt trong một ngữ cảnh rộng hơn nếu muốn hiểu đầy đủ, tường tận. Điều đáng chú ý ở đây là các hiệp hội, các đảng xã hội và toàn bộ cơ sở hạ tầng của công đoàn Đức bị hủy diệt và tan rã. Điều này lần lượt tạo ra sự đổ vỡ của nền dân chủ, sự phân tán của xã hội dân sự, và sự tuyệt chủng của mọi hình thức đời sống chính trị trừ Đảng Quốc Xã. Chỉ theo cách đó, một kẻ phân biệt chủng tộc, sinh ra trong quán trọ, hay la thét mới có thể khiến thế giới lâm vào cảnh hỗn chiến, tang thương.
Cuốn sách của Laurence Rees thực sự tuyệt vời, song nó chỉ là góc nhỏ trong một bức tranh khổng lồ.
Phương Hiền