Thủ phạm đánh bom Phố Wall năm 1920 vẫn là ẩn số

Phong trào “Chiếm lấy phố Wall” bùng nổ ngày 17/9 ở New York (Mỹ) và đã lan ra 951 thành phố tại 82 quốc gia thuộc tất cả các châu lục. Đây là phong trào phản đối các chính sách kinh tế, tài chính bất công, vụ lợi đã và đang mang lại những khoản lợi nhuận kếch sù cho 1% giới chủ và tầng lớp thượng lưu, trong khi gánh nặng nờ nần lại đè nặng lên vai người đóng thuế chiếm 99%. Trên thực tế, phong trào kiểu thế này đã từng diễn ra hơn 90 năm trước.

Hiện trường vụ đánh bom.


Sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, do sản xuất nông nghiệp, công nghiệp dần rơi vào một giai đoạn suy thoái tạm thời. Từ đó, cuộc sống của người dân Mỹ ngày càng cực khổ, các hoạt động biểu tình, bãi công thường xuyên diễn ra.

Khi đó, Phố Wall của Mỹ, trung tâm tài chính của thế giới, trong mắt người dân chính là “phố giàu có” và một số kẻ theo chủ nghĩa vô chính phủ có thái độ cực kỳ thù ghét khu phố này. Bắt đầu từ năm 1920, những người theo chủ nghĩa vô chính phủ và các công đoàn thường xuyên tổ chức các cuộc biểu tình phản đối tình trạng nghèo túng và thất nghiệp. Họ cảm thấy thất vọng và phẫn nộ đối với sự lũng đoạn trong các hệ thống ngân hàng và kêu gọi chiếm lấy Phố Wall, đuổi đi những những kẻ tai to mặt lớn người Mỹ đang bòn rút tài sản của nhân dân. Tuy nhiên, các hoạt động này chỉ thực sự thu hút sự chú ý lớn sau vụ đánh bom bên ngoài ngân hàng JP Morgan.

Cảnh sát tiến hành cứu người bị thương và thu thập chứng cứ để điều tra.


Đúng 12 giờ 01 phút trưa ngày 16/9/1920, một chiếc xe ngựa màu đỏ chở đầy thuốc nổ từ từ tiến về tòa nhà lớn ở số 23 khu phố Wall. Đây chính là trụ sở chính của ngân hàng JP Morgan, cơ quan tài chính có ảnh hưởng và quy mô lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. Chỉ vài phút sau, một tiếng nổ lớn vang lên khiến cả khu vực này rung chuyển. Các mảnh kính vỡ tung tóe khắp nơi găm vào những người xung quanh. Xác bốn con ngựa bị nổ tung thành các mảnh, văng sang cả khu phố bên cạnh. Tuy nhiên, người lái xe ngựa đã nhanh chân trốn thoát và không để lại bất kỳ dấu vết nào. Theo mô tả của các nhân chứng sống sót sau vụ nổ, bầu trời lúc đó bỗng dưng tối sầm, cát bụi mù mịt, cột khói bụi bốc cao hàng trăm mét. Góc phố nhộn nhịp của trung tâm tài chính Mỹ bỗng chốc trở thành một đống hoang tàn. Vụ nổ bất ngờ này đã cướp đi sinh mạng và khiến trên 130 người bị thương.

Cũng may là vụ nổ xảy ra lúc giữa trưa, khi hầu hết mọi người đang ở trong nhà. Nếu vụ nổ xảy ra lúc tan tầm thì hậu quả sẽ không thể lường hết. Một điều may mắn nữa là ngân hàng JP Morgan, mục tiêu của đợt tấn công khủng bố, vài ngày trước đã cho lắp thêm các tấm chắn bằng kim loạt ở tất cả các cửa sổ. Do đó, ngân hàng này không bị thiệt hại nặng nề và chỉ có duy nhất một người bị thương. Lúc đó, ông chủ ngân hàng JP Morgan đang đi nghỉ ở bên kia bờ Đại Tây Dương nên vẫn bình an vô sự.

Vết tích trên tường ngân hàng JP Morgan sau vụ nổ.


Ngay sau vụ nổ, xe cứu thương, xe chữa cháy và xe cảnh sát ầm ầm lao đến hiện trường, khẩn trương cứu những người bị thương. Cảnh sát cũng ngay lập tức tiến hành điều tra. Họ đã tìm thấy một số tờ truyền đơn ở hòm thư gần Phố Wall được gửi trước và sau khi xảy ra vụ đánh bom. Những tờ truyền đơn này được coi là chứng cứ quan trọng bởi nó có ghi một số thông tin liên quan đến vụ nổ. Trên tờ truyền đơn viết: “Chúng ta không thể chịu đựng được nữa, cần giải phóng tất cả các tù nhân chính trị, nếu không chết chóc sẽ thuộc về các ngươi”. Phần cuối tờ truyền đơn này có ghi: “Người theo chủ nghĩa vô chính phủ”.

Từ đây hướng điều tra tập trung vào những người theo chủ nghĩa vô chính phủ. Dần dần, một người tên là Enwind cũng lọt vào tầm ngắm của cảnh sát. Ông ta là một luật sư, khi còn trẻ từng là một tay chơi tennis chuyên nghiệp, tương đối nổi tiếng và có quan hệ với nhiều người ở khu Phố Wall. Hai tuần trước khi xảy ra vụ nổ, khi gặp mọi người ông ta đều nói Phố Wall không lâu nữa sẽ có một vụ nổ lớn, địa điểm sẽ ở gần ngân hàng JP Morgan. Ông ta còn quả quyết vụ nổ sẽ xảy ra ngày 15/9 và thực tế nó chỉ xảy ra muộn hơn so với dự đoán một ngày.



Trước những căn cứ trên, cảnh sát đã triệu tập Enwind đến để thẩm vấn. Tuy nhiên, sau nhiều lần thẩm vấn, cảnh sát cũng không biết được thêm thông tin gì, trong khi ông này có bằng chứng ngoại phạm là hôm xảy ra vụ nổ đang ở Canađa. Do vậy cảnh sát cho rằng đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên và đã thả Enwind ra.

Các cuộc điều tra tìm thủ phạm tiếp tục được tiến hành liên tục trong suốt 20 năm sau đó, song cảnh sát vẫn không tìm được bất kỳ manh mối nào và đành phải ngừng điều tra. Đến nay, thủ phạm vụ đánh bom Phố Wall năm 1920 vẫn còn là một bí mật.

Lê Hải

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN