Sau khi âm mưu vượt ngục bị phá sản, các thành viên băng cướp bị giám sát chặt chẽ đến tận phiên xét xử bắt đầu ngày 20/1/1964. Riêng thủ lĩnh Bruce Reynolds mãi đến năm 1969 mới sa lưới. Bản án dành cho mỗi tên là từ 20 đến 30 năm tù.
Kỳ cuối: Cuộc trốn chạy của một tù nhân
Dù đóng một vai trò nhỏ trong vụ cướp tàu nhưng Ronald Biggs lại là cái tên được nhắc đến nhiều nhất. Nguyên nhân là vì hắn đã cả gan vượt ngục, chạy trốn khỏi tay của cảnh sát hàng chục năm trời, mỗi hành động của hắn khiến báo chí tốn không ít giấy mực.
Raimunda cùng con trai tại Brazil năm 1974. |
Trong vòng vài tuần sau khi bị tuyên án, các thành viên bị đưa đến nhiều nhà tù khác nhau để thụ án. Trong khi phần lớn băng cướp đến nhà tù Brixton thì Biggs lại bị đưa đến nhà tù Lincoln và về sau là nhà tù Wandsworth.
Ngay từ ngày đầu ở Wandsworth, Biggs đã nghĩ đến chuyện trốn tù. Ngày 12/8/1964, trong khi Biggs vẫn đang nghiền ngẫm kế hoạch vượt ngục, thì có tin Charlie Wilson trốn khỏi nhà tù Winson Green ở Birmingham. Sau khi Wilson trốn thoát, các thành viên còn lại của băng cướp bị tăng cường giám sát đặc biệt. Dù bị quản nghiêm ngặt nhưng Biggs vẫn có một khoảng thời gian trong ngày dành cho việc tập thể dục ngoài trời. Hắn đã tận dụng thời cơ này móc nối với hai bạn tù khác là Paul Seabourne và Eric Flowers để bàn chuyện vượt ngục. Eric đang thụ án 12 năm tù còn Paul sắp mãn hạn 4 năm tù và có thể giúp đồng bọn từ bên ngoài.
Kế hoạch khá đơn giản. Vào ngày 8/7/1965, Biggs và Flowers cùng tập thể dục với nhau. Ngay sau 3 giờ chiều, một chiếc xe tải đã đậu sẵn bên ngoài bức tường nhà tù, thang dây được ném vào. Trong khi hai tù nhân khác đánh lạc hướng cai tù, Biggs và Flower đã trèo qua tường rồi được Seabourne đợi sẵn để hỗ trợ. Nhân cơ hội, vài tù nhân khác cũng leo vội qua tường và kết quả là chiếc xe phải “cõng” 7 người thay vì 4.
Biggs tại đám tang Reynolds. |
Đi được vài km, bọn chúng chia nhau đi các nơi khác nhau. Về sau, Seabourne bị bắt lại, còn Biggs và Flower trốn được sang Antwerp ở Bỉ. Chúng phải bỏ ra rất nhiều tiền để mua hộ chiếu, quần áo và phẫu thuật thay đổi khuôn mặt. Khi lành vết phẫu thuật, Biggs đến Sydney (Australia) dưới một cái tên giả. Biggs còn đoàn tụ được với vợ con và sống lẩn trốn vài năm dưới vỏ bọc mới ở Australia.
Năm 19, trùm băng cướp là Reynolds cũng bị bắt. Những tên còn lại cũng lần lượt chui vào lưới cảnh sát, trừ Biggs - kẻ duy nhất còn tự do. Tuy nhiên, cảnh sát cũng lần ra nơi ở của Biggs, khiến hắn và vợ con quyết định mỗi người một ngả. Hắn rời Australia, còn vợ con hắn ở lại đất nước này.
Chỉ vài ngày sau, cảnh sát đã đột kích nhà Biggs thuê ở Melbourne và bắt giam vợ hắn, Charmaine. Cô ta bị kết tội vào Australia trái phép và về sau được thả. Với sự hỗ trợ của bạn bè, Biggs chỉ lẩn trốn được vài tháng rồi lại bị cảnh sát mò ra tung tích. Hắn lại gom ít tiền trốn đến Panama rồi đặt vé máy bay đến Rio de Janeiro, Brazil. Hắn đặt chân đến Rio de Janeiro ngày 11/3/1970 dưới cái tên Michael Haynes, ở trong một khách sạn rẻ tiền. Thời điểm này, Biggs không còn bao nhiêu tiền vì đã tiêu phần lớn số tiền được chia chác sau vụ cướp trong quá trình lẩn trốn cảnh sát.
Sống tằn tiện, làm những việc vặt để kiếm sống, Biggs dần ổn định cuộc sống ở Rio. Hắn thường xuyên liên lạc với vợ nhưng vẫn có người tình ở Brazil. Trong thời gian này, Biggs nhận được tin con trai cả chết trong tai nạn ô tô. Sống trong cảnh túng quẫn và nhớ thương gia đình, hắn dần dần nghĩ đến việc nộp mình để được về quê hương.
Tuy nhiên, mọi chuyện trở nên phức tạp khi Raimunda, người tình của hắn, có bầu. Biggs cần tiền hơn bao giờ hết để chu cấp cho cả vợ con và người tình. Cực chẳng đã, hắn đã nhờ một người bạn liên lạc với các tờ báo lớn ở Anh để họ đăng độc quyền tin hắn nộp mình cho cảnh sát. Đổi lại, báo chí phải trả cho hắn 50.000 bảng.
Tháng 1/1974, người bạn của Biggs nhận được liên lạc từ tờ Daily Express và đề nghị mua câu chuyện. Sau khi Biggs gửi cho tờ báo một lá thư kèm chữ ký và dấu vân tay để xác nhận danh tính, tờ Daily Express đã đồng ý cử phóng viên tới gặp hắn ở Rio. Ngày 30/1, phóng viên tên là Mackenzie đã tới gặp Biggs ở khách sạn. Sau khi thỏa thuận, cuộc phỏng vấn bắt đầu. Sang đến ngày thứ 3, khi đang phỏng vấn thì có tiếng gõ cửa và một nhóm người ập vào phòng. Họ là quan chức cảnh sát địa phương, lãnh sự Anh, phó lãnh sự Brazil và hai thám tử Sở cảnh sát London. Biggs bị tóm gọn.
Biggs không ngờ rằng mình đã bị lừa ngay từ đầu. Khi cảnh sát ập vào, họ vờ như là đã theo dấu chân của phóng viên để bắt Biggs. Nhưng thực ra, tờ Daily Express đã liên lạc với cảnh sát trước khi cử phóng viên tới gặp Biggs. Kết quả là, cảnh sát bắt được kẻ cần bắt còn Daily Express có tin nóng mà không tốn một xu.
Trong thời gian bị giam ở Brazil, Biggs biết rằng do hắn đang sống với một phụ nữ Brazil mang thai con của hắn nên chính quyền nước này sẽ không “đành lòng” trục xuất hắn. Năm 1997, Brazil và Anh ký kết hiệp định dẫn độ. Hai tháng sau, chính quyền Anh chính thức đề nghị Brazil đưa Biggs về nước, tuy nhiên Tòa án Tối cao Brazil đã từ chối. Điều đó có nghĩa là Biggs được quyền sống ở Brazil nốt quãng đời còn lại.
Nhưng lúc này, Biggs lại không muốn kháng lại nỗ lực dẫn độ của Anh. Lâm bệnh nặng, hắn muốn được quay về thụ án nốt và chết ở quê hương. Tháng 5/2001, Biggs, lúc này đã 71 tuổi, đã gửi thư điện tử cho Sở cảnh sát London, cho biết hắn muốn có hộ chiếu về Anh và sẽ tình nguyện giao mình cho họ ngay tại sân bay Heathrow. Hắn viết: “Mong ước cuối cùng của tôi là được bước vào quán rượu Margate với tư cách là một người Anh và mua một ít rượu. Tôi hi vọng có thể sống đủ lâu để làm điều đó”.
Ngày 5/7/2001, một máy bay riêng chở Biggs đã hạ cánh xuống Heathrow. Ngay lập tức, Biggs bị tra tay vào còng và đưa về bệnh viện nhà tù để thụ án nốt 28 năm trong án tù 30 năm. Sức khỏe của Biggs ngày càng yếu, phải ăn qua đường ống truyền.
Do các bác sĩ nói Biggs “không còn hi vọng gì” nên năm 2009 tòa án đã đồng ý thả tự do cho Biggs theo lời kêu gọi của gia đình. Sau khi ra tù, sức khỏe Biggs khá dần lên và hiện hắn vẫn còn sống. Biggs thậm chí còn tới dự đám tang của thủ lĩnh băng cướp Bruce Reynolds.
Thùy Dương