Trong một báo cáo có thể khiến các đồng minh NATO hoảng sợ, nhật báo Đức Bild mới đây tiết lộ rằng các tàu ngầm của nước này, nằm trong số ít nhất 100 tàu của quân đội Đức, được trang bị hệ thống định vị do Nga sản xuất, có tên gọi là Navi-Sailor 4100.
Vấn đề ở đây không phải đó là những hệ thống định vị kém chất lượng, mà là chúng có thể bị phá hoại hoặc thao túng bởi các cơ quan tình báo nước ngoài.
Thông tin nói trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng dâng cao giữa Nga và phương Tây xung quanh các vấn đề như Crimea hay phe đối lập tại Nga. Moskva đã huy động xe tăng, binh sĩ và trực thăng tới sát biên giới Ukraine, dấy lên cảnh báo trong tuần trước tại Lầu Năm Góc.
Phản ứng trước báo cáo trên, một sĩ quan hải quân Đức giấu tên phát biểu với tờ Bild: “Tất nhiên chúng tôi lo ngại dữ liệu có thể bị lấy trộm, chẳng hạn bởi các cơ quan tình báo nước ngoài”.
Theo bài báo, từ năm 2005, dưới thời Thủ tướng Gerhard Schroeder, khoảng 100 tàu của hải quân Đức đã được trang bị hệ thống định vị mới từ công ty Transas của Nga, một công ty được thành lập ở
St.Petersburg vào năm 1990.
Tờ Bild cho biết, chính phủ Đức quyết định ủng hộ Transas và đã cho lắp đặt thiết bị định vị Navi Sailor 4100 (có vai trò định vị vị trí, tốc độ, tuyến đường) trên hầu hết các tàu ngầm hiện đại U-35 của Đức (đi vào hoạt động từ năm 2015) và U-36 (hoạt động từ năm 2016).
Transas cũng được trang bị cho hạm đội của Nga với các thiết bị mô phỏng chiến đấu, và thậm chí từng giành được Tướng Nikolai Makarov, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga thời kỳ 2007-2012 trao giải thưởng.
Năm 2018, doanh nghiệp này được công ty Wartsila của Phần Lan mua lại, nhưng bộ phận vũ khí vẫn thuộc sở hữu của người Nga.
Các cựu kỹ sư Transas hiện đang phát triển các máy bay không người lái cho quân đội Nga. Nhờ quan hệ thân thiết với các thể chế an ninh Nga, bộ phận này của Transas hiện đang rơi vào tầm ngắm của các đơn vị tình báo phương Tây.
Báo cáo của tờ Bild cho rằng hệ thống mã hóa dữ liệu của hệ thống do Transas cung cấp không tuân thủ các tiêu chuẩn an ninh quân sự của khối NATO, mà Đức là một thành viên.
“Trong trường hợp xảy ra tấn công mạng kịch bản xấu nhất, dữ liệu định vị có thể bị tấn công và con tàu có thể hoàn toàn mất khả năng hoạt động”, tờ Bild dẫn lời một quan chức an ninh Đức giấu tên nói.
Ông Tobias Lindner, thành viên Ủy ban quân sự quốc hội Đức, đã lên tiếng cảnh báo sau bài báo của tờ Bild: “Quân đội Đức phải đảm bảo rằng phần mềm định vị của hải quân không được phép có nguy cơ rò rỉ an ninh. Bộ Quốc phòng phải nhanh chóng giải thích tại sao phần mềm của một nhà sản xuất thuộc các nước NATO lại không được sử dụng”.
Đức đã trở thành “chiến trường” của nhiều cuộc tấn công mạng liên tiếp trong những năm gần đây.
Berlin cho rằng tình báo Nga đứng sau cuộc tấn công mạng năm 2015, khiến ước tính 16 GB dữ liệu và email từ hệ thống công nghệ thông tin của Quốc hội Đức, trong đó có email từ Văn phòng Quốc hội của Thủ tướng Merkel đã bị đánh cắp. Moskva bác bỏ cáo buộc này cũng như nhiều cáo buộc tấn công mạng từ Mỹ và các nước phương Tây.