Nếu không chịu chuyển mình, hải quân các nước sẽ không tránh khỏi thất bại và Mỹ cũng không phải là một ngoại lệ. Tuy nhiên, hải quân Mỹ luôn được trang bị các loại vũ khí mới. Dưới đây là 5 hệ thống vũ khí chủ chốt giúp hải quân Mỹ duy trì được ưu thế vượt trội trong thế kỉ 21.
Tàu sân bay lớp Ford: Xét về mặt kĩ thuật, tàu sân bay lớp Ford có vẻ không phải là vũ khí của tương lai. Chiếc đầu tiên trong lớp này – tàu USS Gerald R. Ford, được khởi đóng năm 2013 và đưa vào phiên chế năm 2017. Nhưng phải đến năm 2020 USS Gerald R. Ford mới thực hiện các chuyến tác chiến biển đầu tiên. Sau USS Gerald R. Ford, hải quân Mỹ sẽ tiếp nhận thêm hai tàu sân bay lớp Ford.
Đây là tàu sân bay lớn nhất thế giới, với lượng choán nước 100.000 tấn, lớn hơn cả tàu sân bay lớp Nimitz chạy bằng năng lượng hạt nhân vốn đang đóng vai trò là lực lượng xương sống của hải quân Mỹ. USS Gerald R. Ford là mẫu tàu sân bay đắt tiền, có giá lên đến 13 tỉ USD/chiếc, nhưng bù lại là sức mạnh chiến đấu nổi trội.
USS Gerald R. Ford có thể mang theo 90 máy bay các loại, nhiều trong số này là máy bay không người lái. So với tàu sân bay lớp Nimitz, tàu sân bay lớp Ford được trang bị hệ thống cảm biến tốt hơn, hệ thống ống phóng máy bay hiện đại hơn, động cơ hạt nhân công suất lớn hơn có khả năng cung ứng nguồn năng lượng gấp ba lần so với các thế hệ tàu sân bay cũ.
Tàu ngầm lớp Columbia: Tàu ngầm lớp Columbia sẽ thay thế tàu ngầm lớp Ohio và chiếc đầu tiên sẽ được khởi đóng trong năm 2021. Giống tàu ngầm lớp Ohio, tàu ngầm lớp Columbia sẽ được trang bị tên lửa hạt nhân Trident II, với số lượng ít hơn, 16 tên lửa thay vì 20 tên lửa.
Mẫu tàu ngầm mới này cũng sẽ có khả năng tàng hình tốt hơn so với những loại tàu ngầm trước đây, nhờ hệ thống động cơ truyền động siêu tĩnh. Hải quân Mỹ đã ký hợp đồng trị giá 9,5 tỉ USD với Công ty General Dynamics Electric Boat đóng 2 chiếc tàu ngầm lớp Columbia đầu tiên, kế đến là loạt 12 chiếc tương tự để thay thế các tàu ngầm lớp Ohio cũ. Dự kiến, chiếc đầu tiên sẽ được bàn giao cho hải quân Mỹ vào năm 2027 và chiếc thứ hai vào năm 2029.
Tên lửa siêu vượt âm: Cho đến thời điểm hiện nay, chưa có thông tin chính xác về thiết kế và chức năng của loại vũ khí này, bởi mọi thứ vẫn ở giai đoạn nghiên cứu, phát triển. Nhưng cũng giống như Nga và Trung Quốc, nói cách khác là bị thôi thúc trước việc Moskva và Bắc Kinh phát triển tên lửa siêu vượt âm, hải quân Mỹ trong tương lai sẽ sở hữu hệ thống vũ khí đầy sức mạnh trên (được định danh là loại tên lửa có tốc độ lớn hơn 5 lần tốc độ âm thanh, Mach 5).
Hải quân Mỹ mới đây đã ký hợp đồng 13 tỉ USD với các nhà thầu quân sự nội địa, nhằm phát triển hệ thống tên lửa siêu vượt âm phóng từ tàu ngầm lớp Columbia.
Về cơ bản, tên lửa siêu vượt âm của hải quân Mỹ sẽ là loại thiết bị lượn siêu vượt âm (HGV). Khác với tên lửa siêu thanh của Nga thường sử dụng mẫu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), loại tàu lượn siêu vượt âm này được phóng lên tầng trên của khí quyển như bình thường bởi các tên lửa đạn đạo, nhưng sau đó các thiết bị lượn siêu thanh sẽ tách ra và bay thấp hơn, hướng tới mục tiêu ở tốc độ khủng khiếp (20 Mach), khó đoán hơn, khó bị đánh chặn hơn. Đây sẽ là loại vũ khí chiến lược, tạo ra thay đổi bước ngoặt trong tác chiến hải quân.
Tàu tấn công mặt nước cỡ lớn: Các tàu khu trục của hải quân Mỹ hiện nay như tàu lớp Aegis, tàu lớp Burke đều là sản phẩm từ thời Chiến tranh Lạnh, tuổi đời đã cao và sẽ cần phải thay thế. Hải quân Mỹ đã lên kế hoạch cho việc này, thông qua chương trình đóng Tàu tấn công cỡ lớn (LSC). Đây là loại tàu chiến thế hệ mới, giữ lại các điểm ưu việt trong thiết kế của cả tàu tuần duyên, tàu khu trục, tàu không người lái.
Tại thời điểm này, chưa có nhiều thông tin về LSC. Nhưng đây sẽ là mẫu tàu thừa hưởng những thế mạnh của tàu lớp Arleigh và Zumwalt, đồng thời được nâng cấp đột phá về uy lực vũ khí. Thay vì các tên lửa và súng máy thông thường, LCS có thể được trang bị nhiều chủng loại vũ khí của thế kỉ 21, như pháo điện tử hải quân hay hệ thống vũ khí laser.
Tiêm kích thế hệ thứ 6: Bất chấp chương trình phát triển tiêm kích thế hệ thứ 5 F-35 đang còn dang dở, với nhiều điểm còn gây tranh cãi, hải quân Mỹ đang có kế hoạch phát triển tiêm kích thế hệ thứ 6. Đây là điều bình thường, bởi một chương trình lớn như vậy phải mất hàng chục năm từ nghiên cứu tiền khả thi đến hoàn tất.
Câu hỏi gây tranh cãi nhất hiện nay chính là việc: Hải quân Mỹ sẽ chọn mẫu tiêm kích không người lái hay có người lái. Bên cạnh đó, khả năng tàng hình cũng là một yếu tố được đặc biệt lưu ý về thiết kế.
Các kĩ sư cũng sẽ phải tính đến hệ thống vũ khí được trang bị trên mẫu tiêm kích mới, không chỉ có tên lửa tầm xa, mà còn cả thiết bị bay tấn công, các mẫu drone nhỏ, làm nhiệm vụ kết hợp với tên lửa tiêu diệt mục tiêu đối phương.