Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Giám đốc Kinh doanh tại Airbus Defense and Space, ông Bernhard Brenner, cho rằng điều quan trọng cả 7 bộ trưởng của chính phủ Thụy Sĩ đánh giá gói thầu tổng thể như thế nào. Theo ông Brenner, quyết định không nên chỉ dựa trên các tiêu chí quân sự. Các yếu tố kinh tế và chính trị cũng quan trọng như nhau.
Ông Brenner nói thêm rằng Airbus là nhà sản xuất duy nhất đề nghị lắp ráp máy bay chiến đấu của họ ở Thụy Sĩ nếu được chọn. Điều này tạo ra rất nhiều việc làm. Hơn 200 công ty Thụy Sĩ đã là nhà cung cấp cho tập đoàn. Ông Brenner cũng lập luận rằng cần xem xét các yếu tố chính trị, bằng cách chọn một máy bay chiến đấu của châu Âu, nó sẽ đơn giản hóa đối thoại với Liên minh châu Âu (EU).
Theo tờ SonntagsBlick, hồ sơ của Airbus kèm theo một lá thư từ 4 bộ trưởng quốc phòng châu Âu gửi cho Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Sĩ Viola Amherd. Bức thư nói về quan hệ đối tác xuyên biên giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm cơ sở hạ tầng và an ninh mạng.
Trước đó, quốc hội Thụy Sĩ đã phê chuẩn kế hoạch chi 6 tỷ CHF để mua 30 máy bay tiêm kích mới nhằm đảm bảo sự ổn định và an ninh quốc gia. Airbus Eurofighter là một trong 4 chiếc máy bay chiến đấu đang được tiến hành cho hợp đồng trị giá 6 tỷ CHF này. Những chiếc khác bao gồm Rafale của Pháp từ nhà sản xuất Dassault, F/A-18 Super Hornet của Boeing và F35-A của Lockheed Martin.
Hãng truyền hình SRF của Thụy Sĩ ngày 21/6 đưa tin rằng các nguồn tin trong chính phủ chỉ ra rằng máy bay chiến đấu của Lockheed Martin là chiếc máy bay được yêu thích nhất dựa trên kết quả đánh giá.
Các cử tri Thụy Sĩ hồi năm ngoái đã thông qua gói tài trợ 6 tỷ CHF với tỷ lệ sít sao cho phép các lực lượng vũ trang tiếp tục mua máy bay chiến đấu mới để thay thế phi đội máy bay phản lực F-5 Tigers và F/A-18 Hornet đã già cỗi của họ vào năm 2030. Máy bay phản lực mới sẽ được chuyển giao vào năm 2025.
Việc mua máy bay mới thu hút sự chú ý của dư luận do chính sách trung lập của Thụy Sĩ. Máy bay Thụy Sĩ khó có thể được triển khai ở nơi khác ngoại trừ các cuộc tập trận, trong khi việc từ bỏ máy bay chiến đấu sẽ tiết kiệm cho Thụy Sĩ rất nhiều tiền. Năm 2014, các cử tri đã làm đảo ngược quyết định của Quốc hội nước này khi bác bỏ nỗ lực thay thế Hornet bằng 22 máy bay chiến đấu đa năng Gripen do Thụy Điển sản xuất.