Theo tờ Spiegel (Đức) ngày 26/2, một phái đoàn không chính thức gồm các sĩ quan, nhà ngoại giao và công chức từ Văn phòng Thủ tướng, Bộ Tài chính và Bộ Kinh tế gặp nhau hai tuần một lần tại Berlin, Đức.
Tại cuộc gặp, họ sẽ xem xét nên tiếp cận những quốc gia nào, nơi vẫn có kho dự trữ, để tìm kiếm viện trợ cho Ukraine và làm cách nào để thuyết phục những nước đó.
Theo những người trong cuộc, Ấn Độ vẫn có kho dự trữ đạn pháo tương đối lớn với tổng số vài trăm nghìn viên. Nhưng Chính phủ Ấn Độ, vốn vẫn duy trì mối quan hệ gần gũi với Nga, sẽ không thừa nhận muốn bán bất kỳ loại vũ khí nào dù họ sẵn lòng.
Tờ Spiegel viết: “Do đó, các cuộc đàm phán bí mật đang được tiến hành để xem liệu đạn dược có thể được mua thông qua trung gian hay không”.
Đức cho biết, những thỏa thuận tương tự có thể thực hiện được với các nước Arab, một số nước có kho dự trữ lớn. Các chuyên gia nói rằng cũng có những quốc gia ở vùng Balkan và châu Phi vẫn còn kho dự trữ - hoặc thậm chí có thể sản xuất loại đạn mới.
Gần đây, chính phủ Đức đã phê duyệt viện trợ quân sự trị giá 1,13 tỷ euro. Gói viện trợ này sẽ bao gồm 36 pháo tự hành, hệ thống phòng không và đạn dược.
Đặc biệt, nằm trong gói thầu này, Đức cũng sẽ lần đầu tiên chuyển giao đạn pháo 122 mm từ thời Liên Xô cho Ukraine. Vào năm 2024, 120.000 loại đạn dược này sẽ được chuyển giao.
Trong khi đó, tại cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Ukraine Dimytro Kuleba, Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell cam kết sẽ cung cấp cho Kiev gần 170.000 quả đạn pháo vào cuối tháng 3 tới.
Vào tháng 3/2023, EU đã đạt được thỏa thuận cung cấp cho Ukraine một triệu viên đạn pháo trong thời gian một năm, nhưng không đạt được mục tiêu này. Tính đến thời điểm hiện tại, EU đã cung cấp 355.000 viên đạn pháo và có kế hoạch cung cấp 1.155.000 viên đạn vào cuối năm nay.
Đầu tuần này, nhà ngoại giao hàng đầu của EU đã gửi thư tới các bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng của các nước thành viên kêu gọi làm mọi thứ có thể để cung cấp đạn dược cho Ukraine.