Công ty chuyên phân tích các hình ảnh thu qua vệ tinh của Israel này cho rằng đây là thách thức lớn đối với khả năng của Tel Aviv trong việc tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các lực lượng của Iran và do Tehran hậu thuẫn tại Syria.
Đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có 3 trong 4 bệ phóng loại tên lửa này được triển khai hoàn chỉnh tại căn cứ Masyaf, phía Tây Bắc Syria. Tuy nhiên, các bức ảnh vệ tinh mà công ty trên công bố cho thấy bệ phóng thứ tư đã sẵn sàng chỉ khoảng 9 tháng sau khi Nga cung cấp hệ thống phòng không S-300 cho Syria.
Trước đó, vào ngày 19/2, công ty ImageSat International cho biết hệ thống phòng không trên của Syria dường như đã đi vào hoạt động dựa trên các bức ảnh vệ tinh, nhưng bệ phóng thứ tư chưa hoàn chỉnh.
Israel đã đe dọa phá hủy hệ thống S-300 của Syria nếu hệ thống này được sử dụng để chống lại các máy bay chiến đấu của Tel Aviv, bất chấp hành động này có thể chịu sự trả đũa từ Nga.
Moskva tuyên bố cung cấp cho quân đội Syria hệ thống phòng không S-300 sau sự kiện quân đội Syria bắn nhầm một máy bay trinh sát của Nga trong một cuộc tấn công của Israel trong lãnh thổ Syria vào tháng 9/2018, khiến 15 quân nhân Nga thiệt mạng. Nga cho rằng Israel phải chịu trách nhiệm cho vụ việc này vì phi công Israel đã sử dụng máy bay Nga làm "tấm khiên" chắn trong cuộc tấn công. Tuy nhiên, Israel bác bỏ cáo buộc của Nga, cho rằng máy bay Nga bị bắn hạ sau khi máy bay Israel đã rời khỏi khu vực máy bay Nga đang hoạt động.
Bên cạnh cung cấp các bệ phóng tên lửa đánh chặn, Moskva cũng cung cấp cho Syria một số radar mới, hệ thống chỉ thị mục tiêu và trung tâm chỉ huy. Kể từ khi Nga cung cấp cho Syria các trang thiết bị quân sự này từ tháng 10/2018, Moskva đã tích cực huấn luyện các lực lượng quân sự Syria để điều khiển các vũ khí này.
Thời gian qua, Israel đã tiến hành nhiều cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của Iran và các lực lượng thân Tehran tại Syria với mục đích ngăn chặn Iran thiết lập hiện diện quân sự tại quốc gia Trung Đông này.