Các nhà sản xuất vũ khí châu Âu không thực hiện được cam kết cung cấp 1 triệu quả đạn pháo cho Ukraine trước tháng 3/2024 đã công bố những nỗ lực mới. Pháp và Đức mới đây tiết lộ kế hoạch tăng cường sản xuất đạn dược vào năm 2026. Họ cũng đang thúc đẩy năng lực sản xuất vũ khí hạng nặng.
Nhưng sau nhiều thập kỷ thiếu vốn, châu Âu có thể mất tới 10 năm để khôi phục hoạt động sản xuất vũ khí của mình. Trong khi đó, ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí và đạn dược trong bối cảnh xung đột với Ukraine.
Nhận định về vấn đề trên, chuyên gia quân sự Vadim Koroshchupov tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế (IMEMO RAS) của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho rằng các công ty quốc phòng cần hợp đồng dài hơn ba năm và họ cần các đơn đặt hàng lớn của chính phủ. Theo ông Koroshchupov, các nhà máy mới cần được xây dựng để sản xuất vũ khí hạng nặng và các nước châu Âu đã thiếu hụt lĩnh vực này ngay từ giai đoạn đầu của cuộc xung đột ở Ukraine.
Ông Koroshchupov lưu ý: “Có thể nói rằng lĩnh vực quốc phòng [châu Âu] đang đạt được động lực. Nhưng với mục tiêu đến năm 2026, điều này chỉ liên quan đến tập đoàn Nexter của Pháp cũng như Rheinmetall của Đức. Những nước khác khó theo kịp”.
Điều đáng nói là ở châu Âu chỉ có Pháp, Đức, Anh, Italy, Tây Ban Nha và Thụy Điển là có nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến. Do đó, những nỗ lực của Paris và Berlin trong lĩnh vực quốc phòng phản ánh mong muốn thống trị châu Âu cũng như sự cạnh tranh địa chính trị của hai nước. Chuyên gia về địa chính trị người Pháp Pierre-Emmanuel Thomann, Chủ tịch Eurocontintent, một tổ chức quốc tế có trụ sở tại Brussels, bình luận rằng vấn đề cạnh tranh địa chính trị đã gia tăng trong bối cảnh xung đột ở Ukraine.
Ông Thomann giải thích: Pháp hỗ trợ Ukraine vì những mục đích riêng do nước này đang tìm cách làm cho nền quốc phòng châu Âu ít phụ thuộc hơn vào Mỹ và định vị Pháp là nhà sản xuất quốc phòng hàng đầu. Ông Thomann nói thêm: “Pháp đang nhắm đến việc ngăn chặn Đức trở thành một cường quốc quân sự chủ chốt của EU”.