Trước áp lực từ dư luận, Thủ tướng Đức Olaf Scholz gần đây đã đồng ý gửi một số vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Nhưng ông Scholz đã khiến Kiev, đồng minh và các chuyên gia ngạc nhiên với quyết định cung cấp xe thiết giáp phòng không, điều mà Ukraine không yêu cầu, trong khi trì hoãn bàn giao với số lượng hạn chế.
Điều này đang khiến Thủ tướng Scholz chịu những cáo buộc thất hứa cùng lời chỉ trích từ trong chính Chính phủ liên minh do ông lãnh đạo.
Lời cáo buộc mới nhất đối với ông Scholz được đưa ra trong tuần này từ Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, người chỉ trích Chính phủ Đức đã không thực hiện cam kết hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Ông Duda cho biết, Ba Lan đã viện trợ hơn 200 xe tăng do Liên Xô sản xuất cho Ukraine và đang hy vọng vào Đức để thay thế chúng bằng các xe tăng hiện đại của Đức.
Việc Thủ tướng Scholz miễn cưỡng viện trợ vũ khí cũng đã làm dấy lên những lời chỉ trích từ bên trong Chính phủ liên minh cầm quyền của ông, bao gồm các đảng Dân chủ Xã hội, đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP).
Anton Hofreiter, một nghị sĩ thuộc đảng Xanh và là Chủ tịch ủy ban các vấn đề châu Âu của Hạ viện Đức cho biết: “Những lời chỉ trích của Ba Lan là điều dễ hiểu. Dù sao thì Đức cũng bị ảnh hưởng về uy tín trong EU, bởi vì chúng tôi phối hợp quá ít với các đối tác châu Âu của mình".
Tuy nhiên, có một lý do đặc biệt dẫn đến hành động trên của Thủ tướng Scholz. Trong những tuần gần đây, nhà lãnh đạo Đức đã liên tục giải thích rằng ông không muốn lặp lại những sai lầm của Wilhelm II, vị hoàng đế cuối cùng của Đức, người đóng vai trò quan trọng khiến châu Âu rơi vào Chiến tranh Thế giới thứ nhất năm 1914.
Mặc dù các nhà sử học không đồng ý về việc liệu tình hình địa chính trị hiện tại có thể so với năm 1914 hay không, nhưng bình luận của ông Scholz, người đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân, nhấn mạnh mối lo ngại rằng quá nhiều hỗ trợ quân sự cho Ukraine có thể châm ngòi cho Chiến tranh Thế giới thứ ba. Bị ám ảnh bởi quá khứ tội ác chiến tranh của Đức Quốc xã gây ra ở Nga, các quan chức Đức cũng lo sợ về một viễn cảnh tiềm tàng trong đó xe tăng Đức có thể - vô tình hoặc không - tham gia tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.
“Chúng tôi sẽ không làm bất cứ điều gì khiến NATO trở thành một bên tham chiến”, ông Scholz nói hôm 26/5 trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, lặp lại điều đã trở thành câu khẩu hiệu của ông kể từ khi cuộc xung đột nổ ra.
Với sự lo ngại này, khó có khả năng Thủ tướng Scholz sẽ sớm chấp thuận chuyển giao xe chiến đấu bộ binh hiện đại Marder hoặc Leopard cho Ukraine - trừ khi Mỹ hoặc các đồng minh khác đưa ra quyết định cung cấp xe tăng hiện đại của phương Tây buộc ông phải thay đổi lập trường.
Quan điểm của ông Scholz cũng giải thích tại sao, khi bị các đồng minh gây sức ép vào tháng trước để tăng cường viện trợ vũ khí hạng nặng cho Kiev, Thủ tướng Đức đã chọn giao pháo tự hành Gepard, loại khí tài mà các quan chức Đức coi như một phương tiện phòng thủ và ít có khả năng tăng cường sức mạnh cho một chiến dịch tấn công nhằm vào Nga.
“Pháo tự hành Gepard rất thích hợp để bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng”, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Đức cho biết trong tuần này.
Mặc dù những vũ khí này đã ngừng hoạt động cách đây 12 năm, nhưng các chuyên gia cho rằng chúng vẫn là công nghệ tiên tiến khi xác định máy bay hoặc trực thăng của đối phương đang tiếp cận và vô hiệu hóa chúng bằng hai khẩu pháo 35 mm. Những khẩu pháo đó cũng có thể tiêu diệt các mục tiêu mặt đất để gây thiệt hại nặng cho bộ binh hoặc xe bọc thép hạng nhẹ.
Về mặt chính trị, việc chuyển giao Gepard cũng có ý nghĩa quan trọng, vì Đức sẽ trở thành đồng minh đầu tiên chuyển giao vũ khí hạng nặng hiện đại của phương Tây cho Ukraine. Mặc dù các quốc gia khác bao gồm Mỹ đã gửi các xe bọc thép như M113, nhưng Gepard - với hệ thống phát hiện mục tiêu và radar công nghệ cao, cũng như pháo - lại ở một vị thế khác.
Tuy nhiên, việc tiếp đạn có thể là một thách thức: Bởi vì các xe thiết giáp không còn được sử dụng ở Đức, nguồn cung cấp đạn rất khan hiếm và phải được mua sắm quốc tế. Cho đến nay, Đức chỉ có thể đảm bảo cung cấp 59.000 viên đạn. Berlin cũng lập luận rằng sự hiện diện của Gepard ở Ukraine cũng sẽ có "tác dụng răn đe" đối với lực lượng không quân đối phương.