Theo hãng tin Reuters ngày 26/4, tên lửa vác vai Stinger đã nhận được sự quan tâm ở Ukraine, nhưng nguồn cung của Mỹ đang bị cạn kiệt và việc sản xuất thêm vũ khí phòng không này gặp phải trở ngại đáng kể.
Các thách thức bao gồm những phức tạp liên quan đến việc tăng cường sản xuất. Việc Mỹ miễn cưỡng chuyển hướng sang sản xuất thêm loại tên lửa với công nghệ ra đời hàng chục năm trước khiến các công ty quốc phòng lo ngại rằng họ sẽ bị mắc kẹt với những vũ khí không mong muốn khi xung đột Ukraine kết thúc.
Hiện tại do nguồn cung Stinger, một loại vũ khí nhẹ, có thể được triển khai nhanh chóng để phòng thủ trước trực thăng, máy bay, máy bay không người lái và thậm chí cả tên lửa hành trình, đang bị hạn chế, trong khi Mỹ chỉ duy trì số lượng nhất định trong giai đoạn phát triển "hệ thống phòng không di động" thế hệ tiếp theo.
Người phát ngôn của Lầu Năm Góc Jessica Maxwell cho biết dây chuyền sản xuất Stinger đã bị đóng cửa vào tháng 12/2020. Kể từ đó, tập đoàn Raytheon Technologies đã giành được hợp đồng vào tháng 7/2021 để sản xuất Stinger hơn, nhưng chủ yếu cho các nước khác. Cơ sở Stinger duy nhất cho quân đội Mỹ là ở Arizona, cũng chỉ sản xuất với tỷ lệ thấp.
Do đó, các quan chức Lầu Năm Góc lo ngại về nguồn dự trữ của họ "đang giảm dần". Kể từ tháng 2/2022, Mỹ đã chuyển 1.400 tên lửa Stingers tới Ukraine. Trong thời gian tới, việc tìm nguồn cung ứng nhiều hơn sẽ gặp khó khăn.
Lầu Năm Góc, nơi đã tổ chức các cuộc họp hàng tuần để thảo luận về nhu cầu vũ khí gia tăng từ Đông Âu, đã gặp một nhóm gồm 8 giám đốc điều hành nhà thầu quốc phòng vào giữa tháng 4 này để thảo luận về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, trong đó có Stinger.
Tại cuộc họp, các nhà điều hành đã lên tiếng dè dặt về việc tăng cường sản xuất Stinger. Một giám đốc điều hành nói rằng khi xung đột Ukraine kết thúc, họ không muốn bị mắc kẹt với những kho chứa đầy hàng tồn kho khó bán mà không có người mua đảm bảo.