Theo đài Sputnik, Cơ quan Tài sản Quốc phòng Na Uy (NDEA) trực thuộc Bộ Quốc phòng nước này mới đây trình bày kế hoạch xây dựng chuỗi radar được thiết kế để nâng cao năng lực vô tuyến điện tử của Na Uy nói riêng và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nói chung.
Hệ thống đầu tiên trong quá trình nâng cấp mạng lưới radar của Na Uy sẽ được xây dựng tại Gyrihaugen ở khu đô thị Ringerike phía Bắc Oslo và dự kiến hoàn thành trước mùa thu năm 2025.
Sườn núi Gyrihaugen - một điểm đến của khách du lịch - đã bị đóng cửa trong đông qua để phục vụ quá trình xây dựng.
"NDEA sẽ xây dựng tổng cộng 8 hệ thống radar mới trên khắp đất nước. Các hệ thống radar mới sẽ giúp tăng cường khả năng phòng thủ của Na Uy và trở thành con mắt của NATO ở phía Băc", Trưởng dự án Ylva Sneve cho biết.
Chính phủ Na Uy sẽ đầu tư 720 triệu USD vào 8 hệ thống radar mới trải từ đô thị Ringerike ở phía Nam đến thị trấn Vardo ở phía Bắc. Không quân Na Uy được giao nhiệm vụ vận hành mạng lưới radar này. Năm hệ thống radar sẽ được thiết lập ở các địa điểm mới, trong khi 3 trạm radar hiện có khác cũng được nâng cấp mạnh mẽ.
Bộ Quốc phòng Na Uy nhấn mạnh cùng với việc sử dụng máy bay chiến đấu và phòng không trên mặt đất, mạng lưới radar mới bảo vệ không phận của Na Uy và tăng cường quyền tự do hành động của các lực lượng quân sự.
"Máy bay, tên lửa và máy bay không người lái đã trở thành một phần quan trọng của chiến tranh hiện đại. Do đó, điều quan trọng nhất là phải có các hệ thống giám sát những phương tiện này. Không chỉ cho chúng ta mà còn cho các đồng minh NATO. Những radar mới này sẽ cải thiện đáng kể phạm vi giám sát của chúng ta”, Bộ trưởng Quốc phòng Bjorn Arild Gram cho biết trong một tuyên bố trước đó.
Năm 2022, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy lúc bấy giờ là Frank Bakke-Jensen thừa nhận một phần lớn các radar ngày nay gần hết hạn sử dụng và phải được đổi mới để đáp ứng những thách thức trong tương lai.
Tháng 11/2022, Cơ quan Vật liệu Quốc phòng Na Uy (NDMA) đã ký hợp đồng cung cấp 8 radar giám sát không phận với nhà thầu Lockheed Martin. Theo hợp đồng, 3 trung tâm bảo trì kỹ thuật khu vực sẽ được thành lập để theo dõi tình trạng của các hệ thống. Việc cung cấp các radar sẽ được hoàn thành trước năm 2030.
Mới đây, sự hợp tác chặt chẽ giữa Mỹ và Na Uy đã trở nên đáng chú ý với chuyến cập cảng Oslo của tàu sân bay lớn nhất thế giới USS Gerald Ford. Chuyến thăm được các quan chức Na Uy ca ngợi là "sự thể hiện rõ ràng cam kết của Mỹ trong việc đảm bảo an ninh thông qua tổ chức NATO". Về phần mình, Đại sứ Mỹ tại Na Uy Marc Nathanson nhấn mạnh vai trò của Na Uy trong liên minh với tư cách là thành viên sáng lập và miêu tả nước này là đối tác đồng hành của Mỹ ở khu vực Bắc Âu.
Na Uy là nơi lắp đặt hệ thống radar Globus mở rộng. Mặc dù hệ thống được Cơ quan Tình báo Na Uy chính thức vận hành với mục đích tiền đề quan sát không gian và giám sát không phận Bắc Cực vì lợi ích quốc gia của Na Uy song địa điểm này gần với Hạm đội phương Bắc và các căn cứ hải quân của Nga trên Bán đảo Kola. Với vị trí chiến lược, hệ thống này được cho đóng vai trò là một phần của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.